Những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học

Có những chuyện trước khi đi tôi nghĩ là không đáng ngại lại hóa ra thành trở ngại lớn, có những chuyện tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ hóa ra lại chỉ là bình thường.

Tôi bắt đầu con đường du học của mình năm 24 tuổi — cái tuổi tương đối chín chắn so với mặt bằng chung các bạn trẻ du học bây giờ. Cộng với bề dày kinh nghiệm tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, thực tập ở nước ngoài, và giao lưu với bạn bè quốc tế, tôi nghĩ mình sẽ không gặp qúa nhiều bỡ ngỡ. Vậy mà quá trình du học, đặc biệt là ở năm đầu tiên, đã khiến cho tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Có những chuyện trước khi đi tôi nghĩ là không đáng ngại lại hóa ra thành trở ngại lớn, có những chuyện tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ hóa ra lại chỉ là bình thường.

Trải qua giai đoạn khó khăn ban đầu, đôi khi tôi thầm nghĩ đối với một người đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, và chịu khó quan sát như mình mà vẫn còn bỡ ngỡ thì những em nhỏ hơn, sang nước ngoài từ những năm 15-16 tuổi để học phổ thông hay từ những năm 18 tuổi để học đại học thì sẽ như thế nào? Lại còn có cả những gia đình mang theo con nhỏ, các thành viên sẽ hòa nhập với cuộc sống mới ra sao?

Những suy nghĩ ban đầu này là động lực để tôi thực hiện bài viết này về những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học. Hy vọng những chia sẻ ngắn gọn này sẽ giúp cho những ai đang dự tính hoặc đã chuẩn bị du học/sống ở nước ngoài sẽ có thêm một góc nhìn mới.

Những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học - Ảnh 1.

1. Khoảng cách văn hóa là rất lớn

Tôi biết bạn đang nghĩ gì. Chuyển sang ở một đất nước xa lạ thì đương nhiên là phải có khác biệt văn hóa, có gì đâu để mà bất ngờ. Nhưng thực sự, đối với một người quen với văn hóa phương Tây, có rất nhiều bạn bè (thậm chí cả bạn trai) là người Mỹ, khi sang đến nơi, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng vì văn hóa khác biệt — một điều mà trước khi đi, tôi chưa từng nghĩ đến.

Sự khác biệt đến từ những thứ rất đơn giản như cách người ta hỏi: “How are you?” (Bạn thế nào?) một cách xã giao mà không đợi câu trả lời rồi lướt qua mình đi thẳng, đến những thứ phức tạp đa chiều hơn như cách một số người không quan tâm đến bạn là ai, cứ thấy Châu Á là chỉ quy cho là Trung Quốc, rồi những câu nói, những hành động vô tâm đến mức gây ức chế hàng ngày (microagression).

Năm đầu tiên tại Mỹ, tôi nhận ra không phải người Mỹ nào cũng có tư duy cởi mở, cũng thân thiện, và quan tâm học hỏi về các nước khác như những người bạn Mỹ tôi từng gặp khi ở Việt Nam. Và tôi tự hỏi, sự khác biệt này là do mình (vì mình chưa hiểu hết về văn hóa, ngôn ngữ; mình hành xử chưa đúng) hay do người bản xứ?

Tôi cũng có nhiều người bạn mới sang cảm thấy thất vọng, bất an, và tự ti vì khoảng cách văn hóa lớn đến mức bất ngờ này.

Sau này, khi đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, tôi nhìn lại và nhận ra rằng vấn đề của mình là đã quy chụp tất cả người Mỹ dưới hình ảnh một bộ phận nhỏ những người Mỹ hay đi du lịch, làm thiện nguyện, giao lưu quốc tế — những người này bản chất họ đã cởi mở, thân thiện, và ham hiểu biết về thế giới xung quanh rồi.

Những người chưa từng đến những vùng miền văn hóa khác, lẽ đương nhiên hiểu biết và sự nhạy cảm về văn hóa của họ cũng sẽ thấp và phiến diện hơn. Ở đâu cũng vậy thôi, chúng ta càng đi nhiều, càng chịu khó tìm hiểu thì sẽ có con mắt càng bao dung hơn và trái tim đồng cảm hơn với sự khác biệt.

Từ sự nhìn nhận này, tôi có thêm cảm hứng để đi nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn từ các nền văn hóa khác, bớt thói quen chụp mũ, phán xét người khác khi chưa hiểu rõ về họ, và sống thân thiện hơn với tất cả mọi người.

Những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học - Ảnh 2.

2. Ngôn ngữ quan trọng nhưng không phải là tất cả

Khi còn ở Việt Nam, tôi thường để ý trên lớp, trong hội thảo, hay giao tiếp thông thường, mỗi khi nghe thấy người Việt nào nói tiếng Anh “chuẩn” một chút (tức là có âm điệu hay, lên xuống rõ ràng, tự tin) là mọi người đều đổ xô con mắt thán phục, lắng tai nghe từng từ một, thậm chí tự nhẩm lại để học phát âm.

Có lẽ vì nói tiếng Anh tốt là điều mà nhiều người Việt mơ ước nên mỗi khi nghe thấy ai nói hay là thán phục, còn nội dung nói có thể xem xét sau. Trong khi đó, nhiều người có ý tưởng rất hay nhưng khi truyền đạt bằng tiếng Anh thì không được suôn sẻ nên rất ít khi được người khác chú ý, kiên nhẫn nghe nội dung.

Phải thú nhận rằng, khi còn đi học, bản thân tôi cũng là một người lạm dụng khả năng nói tiếng Anh tốt để lấp liếm đi nhiều thiếu sót mặt nội dung khi thuyết trình, tranh luận — điều này từng đem lại cho tôi nhiều cơ hội tốt mà giờ nghĩ lại tôi nghĩ mình chưa thực sự xứng đáng.

Khi sang Mỹ du học, tôi nhận ra rằng tiếng Anh của mình cũng chỉ ở mức bình thường, thậm chí dưới mức bình thường nếu so sánh với những người bản xứ. Đây là vấn đề của những người sử dụng ngôn ngữ thứ hai, dù bạn có giỏi đến đâu cũng sẽ có những cách luyến láy, phát âm, phản xạ từ ngữ không thể bằng người dùng ngôn ngữ mẹ đẻ (hãy nghĩ đến những người nước ngoài học nói tiếng Việt).

Bởi thế, khi đi du học, ngôn ngữ rất quan trọng để giao tiếp có thể thông suốt nhưng nó không phải là tất cả. Đừng nghĩ rằng mình nói tiếng Anh hay thì cái gì cũng có thể biến tấu được. Thứ nhất, những người bản xứ họ nói hay hơn ta nhiều. Thứ hai, khi ngôn ngữ đã trở thành “bình thường” thì nội dung nhất thiết phải đặt lên hàng đầu.

Bởi vậy, tôi thường có lời khuyên cho các bạn du học sinh mới rằng: Nếu bạn đã sử dụng ngoại ngữ tốt rồi, hãy cứ phát huy NHƯNG nên khiêm tốn, học cách nói có trước có sau, lịch sự, từ tốn. Nếu bạn chưa sử dụng ngoại ngữ tốt, đừng lo, hãy xem đây là cơ hội để học lại một cách chuẩn xác nhất.

Với tất cả mọi người, khi đi học hãy tập trung vào hấp thụ kiến thức, trau dồi khả năng học tập của bản thân, nâng cao chất lượng nội dung mỗi lần phát biểu, mỗi câu nói của mình. Cho đến cuối cùng, ngôn ngữ chỉ là công cụ để thể hiện nội dung quan trọng cần truyền đạt mà thôi.

Những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học - Ảnh 3.

3. Trưởng thành không hẳn là thay đổi tính cách

Tôi biết rằng rất nhiều người có con cái, bạn thân, người yêu… chuẩn bị đi du học và lo lắng nghĩ rằng cuộc sống mới ở nước ngoài sẽ làm cho du học sinh thay đổi hoàn toàn, không còn là người mà mình quen trước đây nữa. Bởi vì “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, bạn càng đi nhiều thì sẽ càng mở mang và trưởng thành hơn — không chỉ riêng gì việc đi du học.

Đúng là nhiều du học sinh khi từ nước ngoài về có vẻ thay đổi hoàn toàn (đặc biệt là những bạn đi du học từ phổ thông hay đại học — khi tâm lý, tính cách vẫn còn chưa được định hình), dẫn đến bố mẹ ngạc nhiên về con, bạn bè không nhận ra nhau, người yêu có thể còn chia tay vì khác biệt quá lớn.

Tuy vậy, sự thật là khi trưởng thành, con người ta không thay đổi hoàn toàn để biến thành một người khác, mà thường chỉ thay đổi để gần hơn với bản chất thật của mình mà thôi.

Có một câu nói rất hay của Anne Rice như thế này: “None of us really changes over time. We only become more fully what we are” (Không ai trong chúng ta thực sự thay đổi qua thời gian. Chúng ta chỉ trở thành chính mình hơn mà thôi).

Tôi đã từng chứng kiến sự trưởng thành của bản thân, bạn bè, và rất nhiều học trò khi đi du học và nghiệm ra rằng tất cả những nét thay đổi trong con người của họ sau này đều vốn đã có từ trước rồi. Sau quá trình trưởng thành, nó chỉ rõ nét hơn mà thôi.

Bởi vậy, nếu bạn đang cảm thấy thất vọng vì sự thay đổi của ai đó (hay thậm chí của chính mình) khi đi du học, đừng buồn! Đấy vẫn là con người của ngày xưa, với những nét tính cách tựa như trước, chỉ là chúng nay đã có những nét đậm, nét nhạt khác đi mà thôi.

Những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học - Ảnh 4.

4. Tách khỏi gia đình đôi khi là điều cần thiết

Có lẽ, cái mất lớn nhất của du học sinh là phải xa gia đình nhưng cái được lớn nhất của du học sinh cũng là được xa gia đình. Dù bạn có được nuôi dạy độc lập đến mấy, đã từng sống một mình bao nhiêu lâu thì gần như không có trải nghiệm nào có thể so sánh được với việc đi du học — khi mà bố mẹ cách xa mình đến hàng trăm nghìn cây số.

Tôi đã từng chứng kiến những anh chị đã có gia đình, có con nhỏ, ở riêng nhiều năm xa gia đình ở Việt Nam rồi mà khi sang nước ngoài vẫn chới với vì không có “ông bà” gần gũi chăm sóc, “tiếp tế”, chia sẻ tình cảm thường xuyên.

Tuy nhiên, cũng bởi vì thế, tách khỏi gia đình là một trải nghiệm vô cùng quan trọng để trưởng thành. Ta chỉ có thể dũng cảm thay đổi và làm chủ cuộc đời mình khi nhìn lại sau lưng không còn điểm tựa. Không còn tấm đệm êm ái nào để ngã vào, mỗi lần ngã là một lần đau, bởi vậy ta lại càng phải học cách sống mạnh mẽ hơn, độc lập hơn, và cẩn trọng hơn.

Xa gia đình cũng là để hiểu thấu hơn tình yêu và sự hy sinh của cha mẹ. Khi còn ở nhà, ta dễ quen với việc được thương yêu chăm sóc và cho đó là hiển nhiên. Nhưng phải đến khi ở một mình nơi đất khách, chẳng có ai cho không mình một chốn đi về, không có cơm ngon canh ngọt chờ mỗi tối, không có người ra vào hỏi: “Hôm nay con đi học/đi làm như thế nào?” – phải khi đó, ta mới “thấm” được sự quý giá của gia đình.

Bởi thế, các bậc làm cha mẹ đừng quá lo lắng khi thấy con cái đi xa nhà. Tạo điều kiện cho con ở xa nhà, đôi khi lại là điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con.

5. Cuộc sống sẽ có những lúc vô cùng khó khăn

Tôi còn nhớ lần đầu tiên mình đặt chân đến nước Mỹ năm 19 tuổi (trong một chuyến trao đổi ngắn ngày), tôi đã yêu sự đa văn hóa, đa chủng tộc của đất nước này đến như thế nào. Tôi còn nhớ mình mua một chiếc áo xanh có chữ UNT (University of North Texas), mặc ngay trong cửa tiệm, và hòa mình vào giữa đoàn sinh viên đủ màu da, tôn giáo, chủng tộc đi lại hối hả trong sân trường.

Khi đó, tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, tự do, tôi cảm thấy mình không khác biệt so với mọi người; dường như sẽ không có gì làm tôi cảm thấy thiệt thòi khi ở một đất nước như thế này.

Thế nên, vài năm sau khi về Việt Nam, tôi rất bất ngờ khi nghe người bạn Mỹ gốc Việt của mình ở UC Berkeley nói muốn làm đề tài nghiên cứu về bình đẳng cho người thiểu số tại Mỹ. Tôi ngây ngô hỏi: “Tại sao cậu làm đề tài này?” Bạn trả lời: “Tại sao á? Vì mình là người thiểu số”. Tôi mới kể lại cho cậu ấy kỷ niệm của mình trên nước Mỹ và cảm giác hòa nhập cùa mình như thế nào. Cậu ấy mới cười bảo: “À, đó là bởi vì bạn chưa ở lâu mà thôi!”

Thật vậy. Khi đến một nơi mới trong một thời gian ngắn, đặc biệt nếu là để du lịch, giải trí đơn thuần, thì rất khó để thấy mặt trái của xã hội nơi đó — người ta vẫn gọi đây là thời kỳ “trăng mật”. Qua thời kỳ này rồi, nếu bạn muốn ở lại lâu dài, thậm chí trở thành người nhập cư ở đất nước đó, bạn sẽ càng gặp nhiều vấn đề khó khăn hơn và càng thấm thía hơn nỗi vất vả và ức chế của những người ở địa vị thấp.

Nói ra những điều này không phải để chê nước Mỹ vì nước Mỹ cũng giống như Việt Nam và tất cả các quốc gia khác — đều có mặt mạnh, mặt yếu, và những việc ta cần chung tay làm để thay đổi.

Nhưng đã là du học sinh, bạn cần lường trước rằng cuộc sống của mình sẽ gặp nhiều khó khăn mà không biết chia sẻ cùng ai. Bạn có thể bị kẻ xấu lừa, bị trộm mất tài sản, bị người khác đối xử bất công, bị chèn ép, bị khủng hoảng… Đây là những việc xảy ra hàng ngày, dù ở đất nước thanh bình đến thế nào đi chăng nữa. Điều quan trọng là ta chuẩn bị cho mình một hệ thống những người hoặc những tổ chức luôn sẵn sàng ủng hộ và sẻ chia với mình (support system) để không bao giờ có cảm giác mình bị dồn đến đường cùng.

Nếu bạn là du học sinh mới và chưa có nhiều bạn bè, hãy tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý, luật pháp, và các tổ chức sinh viên trong trường để được tư vấn; đừng ngại mở lời nhờ người khác giúp đỡ — hãy nhớ rằng không ai có thể giúp được bạn nếu người ta không biết bạn đang phải trải qua những gì.

Những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học - Ảnh 5.

6. Rồi mọi chuyện sẽ ổn

Đúng vậy. Rồi mọi chuyện sẽ ổn.

Có thể bạn đang cảm thấy cả thế giới như sập xuống, tất cả đều đi trái mong ước của mình. Dù có là gì, hãy tin rằng, mọi chuyện đều có hướng giải quyết riêng của nó. Chỉ cần là bạn không bỏ cuộc. Ở đâu đó, sẽ luôn có “Plan B”.

 

 

Theo Thepresentwriter.com.