Tết Việt trên đất Úc: Giữ gìn truyền thống dân tộc từ những điều rất bình dị

Tại Úc, có khoảng hơn 300.000 người gốc Việt đang sinh sống, làm việc. Và mỗi năm, những người Việt đón tết xa xứ vẫn luôn cố gắng giữ gìn truyền thống dân tộc từ những điều rất bình dị…

Tốt nghiệp đại học tại Việt Nam 18 năm trước, sau đó chị Nhã Đoan theo chồng sang sinh sống tại thành phố Melbourne (Úc).

Từ đó đến nay, chị và gia đình đã hơn nửa số năm đón tết Việt trên đất Úc. “Tôi giờ sống cùng ba mẹ, nên vào những ngày tết, cả nhà tối 30 đi chùa và viết những điều ước về một năm mới tốt lành lên “cây ước nguyện”, chủ yếu là cho bọn trẻ hiểu được một tục lệ trong ngày năm mới của người Việt”, chị Đoan kể và chia sẻ thêm: “Bọn trẻ nhà tôi rất thích thú khi mùng 1 tết được ông bà chúc và được nhận phong bao lì xì đầu năm.

Vậy là con cũng có những cảm nhận thích thú về cái tết của dân tộc. Với tôi, vậy là đủ…”.


Ông bà lì xì cho con cháu trong ngày đầu năm mới là nếp xưa được gia đình chị Nhã Đoan lưu giữ.

Cứ dịp tết đến, bất kể thân sơ, người Việt gặp nhau đều vui vẻ chúc tết. “Ở Việt Nam có gì thì bên này họ đều bày thứ đó, từ bánh chưng bánh tét, thịt chả, dưa kiệu… đều có trong mâm tiệc ngày tết. Năm nào không về quê nhà đón tết được, gia đình tôi vẫn duy trì một ngày tết thật ấm áp và nhất là để bọn trẻ hiểu hơn tết dân tộc”, anh Nguyễn Hoàng Nam, người Việt sống tại thủ đô Canberra (Úc) đã 15 năm, chia sẻ.

Còn Quỳnh Nguyễn, người phụ nữ 3 con ngụ ở Melbourne, cho biết: “Đối với em, ngày tết Việt ở đây thích nhất là đi chợ hoa. Ở đây người ta bán hoa đào tươi, còn mai thì chỉ có… hoa giả.

Gì thì gì, cũng mua một nhánh mai hoặc đào về chưng trong gia đình để có không khí, nhất là đỡ nhớ tết quê hương”. Những ngày trước tết, các khu chợ người Việt ở Úc cũng nhộn nhịp, rộn ràng không kém chợ tết ở Việt Nam. Ở đó, người người đến đặt món để dành ăn tết, mua trái cây (đặc biệt là dưa hấu), hương đèn…

Chị Trần Thị Hiền, tuổi trạc ngoài 50 bán hàng xôi chè, đã trải qua hơn 25 cái tết ở khu chợ sầm uất nhất của người Việt tại Cabramatta (Sydney, Úc), hồ hởi kể: “Năm nào cũng vậy, rất nhiều người Việt đến đặt xôi, chè, bánh chưng để cúng đêm 30. Người người gặp nhau chỉ nói về mâm cỗ ngày tết”.

Vừa tâm sự, chị không giấu được niềm vui khi kể về những vị khách trẻ gốc Việt tìm đến mua vật phẩm chuẩn bị tết vào những ngày 29, 30 tết, nhất là khách trẻ gốc Việt. Bởi chị nghĩ, ở những vị khách ấy, cội nguồn dân tộc vẫn cháy bỏng trong tâm khảm họ…

Theo Thanh Niên