Bố mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ bỏ đi biệt tích, tương lai 2 đứa trẻ mịt mù, cô độc cùng ông bà trong rừng sâu
Hai anh em Hải đứa lên 6, đứa lên 3 được ông bà nội đưa về cưu mang, sống trong rừng sâu, không điện, không nước, ngày đêm gào khóc vì đói và nhớ mẹ thương cha.
Số phận bất hạnh
Căn chòi sập sệ, được dựng bằng vách đất, mái tôn, xung quanh chắp vá bằng những tấm bìa cứng, chiếu rách, lá cọ, không điện, không nước, nằm biệt lập dưới dốc Eo Khế (thuộc xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) lại là nơi trú ngụ của gia đình bà Nguyễn Thị Minh (52 tuổi) suốt 23 năm qua. Đây cũng chính là nơi cưu mang hai anh em Nguyễn Thọ Hải (6 tuổi) và Nguyễn Thị Trà My (3 tuổi) kể từ ngày cha mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ bỏ đi biệt tích.
Ngày mẹ biệt tích, cha mắc bệnh hiểm nghèo Hải mới lên 5, My mới 2 tuổi.
Ngồi bên hai đứa cháu nội, bà Minh liên tục lấy vạt áo lau dòng nước mắt khi nhắc đến nỗi đau của gia đình.
Năm 24 tuổi, duyên phận rủi rui, bà Minh đành chấp nhận làm mẹ đơn thân. Anh Nguyễn Thọ Phong (28 tuổi, con trai bà Minh) sinh ra trong hoàn cảnh đáng thương đó, không có cha, mang họ mẹ.
Một năm qua, anh em Hải được ông bà nội cưu mang, chăm sóc, sống trong rừng sâu, nghèo khó, không điện, không nước.
Khi Phong được 2 tuổi, qua mai mối, cảm thông số phận bất hạnh của người đàn ông khù khờ cùng làng, bà Minh chấp nhận cùng ông Ngô Văn Bình (56 tuổi, ngụ xã Xuân Thành, huyện Yên Thành) nên duyên vợ chồng. Phong ở cùng mẹ và cha dượng.
Hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, vợ chồng bà Minh quyết định dựng một cái chòi dưới dốc Eo Khế, cách khu dân cư 5km, sống bằng nghề đốn củi kiếm tiền trang trải cuộc sống qua ngày.
Anh Phong mắc bệnh thoái hóa thần kinh não, một căn bệnh hiểm nghèo, không thể chữa trị.
Suốt hàng chục năm qua, vì nghèo khó, không có nhà cửa, đất đai để về nên cả gia đình bà Minh vẫn bám trụ trong rừng, sống bằng đèn dầu, nước khe.
Ngoài anh Phong, vợ chồng bà Minh có thêm người con trai chung là Ngô Văn Phú (24 tuổi) nhưng bị thiểu năng trí tuệ, đã nhiều tuổi nhưng chẳng khác nào đứa trẻ lên 2, lang thang khắp nơi, bạ đâu ngủ đấy.
Chưa kịp lớn, Phong đi làm thuê khắp nơi bằng đủ nghề để nuôi sống bản thân, kiếm tiền gửi về phụ giúp cha mẹ.
“7 năm trước, Phong lấy vợ, cưới nhau ở trong Nam, không dám đưa về quê ra mắt vì quá nghèo. Cận kề ngày sinh nở, chúng mới dắt díu nhau về. Thế nhưng, vì không chịu được cuộc sống nghèo khó, heo hút trong rừng sâu nên đã bỏ đi cả năm nay chưa về”, bà Minh thở dài.
Ông Bình (ông nội hai cháu bé) bị tai biến, nằm liệt giường đã 3 năm nay.
Ái oan thay, vợ bỏ đi được nửa năm thì anh phát hiện bị bệnh thoái hóa thần kinh não. Khi phát hiện, bệnh đã quá nặng, não đã bị vôi hóa. Bác sĩ cho biết đây là căn bệnh hiểm nghèo, sau này sẽ mất dần nhận thức lẫn vận động.
Hiện anh Phong đang được người cậu ruột đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Tương lai mịt mù
Chiều muộn, đói bụng cùng nỗi nhớ cha mẹ cồn cào khiến bé My gào khóc nức nở. Thấy em khóc, Hải đến bên cạnh dỗ dành bằng cách hái trái ổi dại chưa kịp chín đưa cho bé My ăn rồi động viên.
Anh Phú (chú ruột hai cháu bé) bị thiểu năng trí tuệ, khù khờ chẳng khác nào một đứa trẻ.
“Nín đi em, nín đi anh dẫn đi đón bố mẹ. Bố mẹ sắp về rồi”. Nói rồi, Hải nắm lấy tay em dắt ra phía đầu dốc. Hai đứa trẻ hướng khuôn mặt buồn bã về phía xa xăm, ngóng đợi.
Không đủ ăn đủ mặc lại thiếu vắng tình thương của cha mẹ nên hai anh em Hải thấp bé hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng lứa. Hải năm nay học lớp 1, được bà nội gửi ở nhờ nhà ông cậu để đi học cho gần trường. Cứ cuối tuần, Hải lại vào rừng với ông bà, với em.
Bà Minh đau đớn nhắc đến thảm cảnh gia đình.
3 năm trước, sau một cơn tai biến, ông Bình nằm liệt giường đến bây giờ. Bà Minh gánh nặng hai vai trong khi thu nhập chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp xã hội 405 nghìn đồng/ tháng của ông Bình và công việc đốn củi hàng ngày.
“Bố bệnh, mẹ bỏ đi, ông nội nằm một chỗ, chú ruột thì khờ khạo nên chẳng ai trông nom bé My cả. Thỉnh thoảng qua lại đây tôi lại thấy cháu bé theo chân bà vào rừng đốn củi, có lúc nằm ngủ gật dưới gốc cây, tội nghiệp lắm.
Cứ chiều đến lại thấy 2 đứa đứng bên bìa rừng, hỏi thì chúng bảo đợi cha mẹ, nghe mà chảy nước mắt. Căn chòi này bị người ta đòi lại mấy lần rồi nhưng bà Minh chưa rời đi vì chẳng có nơi nào để về cả”, anh Hồ Văn Cảnh (ngụ xã Xuân Thành) chia sẻ.
Bình quân mỗi ngày bà Minh kiếm được từ 50 đến 80 nghìn đồng từ việc đốn củi bán, đủ để gia đình chi tiêu sinh hoạt, thuốc thang cho chồng một cách tằn tiện. Số tiền hàng trăm triệu đồng chữa trị cho anh Phong phải nhờ hai bên nội ngoại đứng ra lo toan, vay mượn.
“Cao xanh hỡi, tôi làm gì nên tội mà ông trời đày đọa cả gia đình ra nông nổi này. Giờ đời vợ chồng tôi, hai đứa con tôi xem như bỏ đi rồi, chỉ hi vọng ở hai đứa cháu mà tương lai chúng mù mịt quá.
Tôi không sợ gì, chỉ sợ chết. Tôi mà chết rồi chồng, con rồi cháu tôi sẽ sống như thế nào đây?”, bà Minh khóc nghẹn.
“Tôi chẳng sợ gì, chỉ sợ chết. Tôi mà chết rồi chồng, con và hai đứa cháu sẽ sống như thế nào đây?”, bà Minh khóc nghẹn.
Tương lai hai đứa trẻ trở nên mịt mù.
Ông Lê Văn Hải (chủ tịch xã Xuân Thành) cho biết, gia đình bà Minh có hộ khẩu ở xóm 3 (xã Xuân Thành) nhưng vì không có nhà cửa, họ phải sống ở trong rừng.
Một mình bà Minh phải nuôi cả gia đình ốm đau, bệnh tật và hai đứa cháu thơ dại trong khi không có nghề nghiệp gì kiếm thu nhập, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hai đứa cháu có nguy cơ thất học.
Tương lai của hai đứa trẻ bất hạnh đang cần lắm sự chung tay giúp đỡ của độc giả xa gần.
Mọi giúp đỡ cho hai bé Hải, My xin vui lòng gửi về địa chỉ: Bà Nguyễn Thị Minh, xóm 3, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Hoặc STK của bà Minh: 51210000633984, ngân hàng BIDV, chi nhánh Phủ Diễn, ĐT: 0353.383.494.