Khẩu sú n g của Đại tướng Phạm Văn Trà và câu chuyện “lòng dân”
Năm 2009, hưởng ứng Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến”, Đại tướng Phạm Văn Trà đã trao tặng khẩu sú ng K59 (số đăng ký 11256-K3-2638) cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm hiện vật. Ông chia sẻ rằng đó là kỷ vật đặc biệt về câu chuyện ân nghĩa mà ông đau đáu suốt cuộc đời…
Trận đánh lớn
Đại tướng Phạm Văn Trà kể, đầu tháng 6/1966, ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 (bí danh U Minh) đứng chân ở huyện Long Mỹ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Khu vực này, kênh rạch chằng chịt, ở các ngã ba, ngã tư những con kênh rạch ấy là đồn địch giăng đầy, chúng lùng sục, càn quét liên miên hòng tách bộ đội ra khỏi dân.
Tháng 10/1966, Quân khu 9 chủ trương mở chiến dịch Đông Xuân 1966 – 1967. Mục đích là diệt nhiều sinh lực địch, diệt đồn bốt, đánh phá “ấp tân sinh”, “ấp chiến lược” vùng Giồng Riềng – Long Mỹ – Ngang Dừa, từ đó sẽ tiến công lên cần Thơ – Rạch Giá, hỗ trợ phong trào đô thị phát triển, chuẩn bị tiến tới đánh bại “Chiến tranh cục bộ” của địch trên chiến trường miền Tây.
Tiểu đoàn 309 được Quân khu xem là lực lượng chủ công, đảm trách nhiệm vụ chủ yếu đánh chi khu quân sự Ngang Dừa, một căn cứ quân sự mạnh của quân ngụy và lính của sư đoàn 21 ngụy được liệt vào loại lính “có nghề” thuộc dân “anh chị” của miền Tây.
Tiểu đoàn 309 đã đánh trận mở màn, gây thiệt hại nặng cho chi khu Ngang Dừa, tiêu diệt và bức hàng được 3 đồn địch xung quanh nhưng kết quả vẫn chưa đánh dứt điểm được chi khu này. Trong khi đó, các đơn vị bạn đã lập công lớn.
Đại tướng Phạm Văn Trà (ngoài cùng bên trái) tham dự lễ phát động Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến”, năm 2009. Ảnh BTLSQSVN.
Biết thắng thua trong trận mạc là lẽ thường tình nhưng cả Ban chỉ huy tiểu đoàn lẫn anh em trong đơn vị ai nấy bứt rứt không yên, mong có cơ hội lập công. Một tháng sau, địch đưa Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 31, thuộc Sư đoàn 21 ngụy xuống bình định Long Mỹ, hòng ngăn chặn Việt Cộng. Căn cứ dã ngoại của chúng đóng dọc trên kênh xáng Long Mỹ, sát chi khu quận lỵ. Xung quanh căn cứ được bảo vệ nghiêm ngặt bằng nhiều hàng rào kẽm gai, các hỏa điểm bố trí dày đặc.
Dịp may đã đến, Tiểu đoàn 309 được trên giao nhiệm vụ đánh căn cứ này. Sau nhiều đêm suy tính, Phạm Văn Trà và anh em đi trinh sát, nắm kỹ địa hình, từng vị trí hoả điểm của địch, để chuẩn bị phát lệnh tiến công. Khi đó, Phạm Văn Trà được giao phụ trách hai phân đội dự bị.
Một đêm cuối tháng, bầu trời đầy sao. Tiểu đoàn hành quân bằng xuồng theo ánh sao rọi đường, men theo vạt lau lách ven bờ, hướng tới tiếp cận căn cứ địch.
Khoảng 2 giờ sáng, đơn vị chủ công nổ sú n g nhưng hỏa lực của địch chống trả quyết liệt. Ba mươi phút, rồi một tiếng đồng hồ trôi qua, diễn biến trận đánh không mấy khả quan. Địch phát hiện quân ta tiến công, chúng phản kích lại, xối xả vãi đạn.
Đơn vị dự bị từ xa thấy đồng đội quần nhau với địch, đánh không dứt điểm, lòng dạ ai cũng sôi lên, muốn chạy ngay đến đó chia lửa với anh em. Đúng vào lúc đó, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho lực lượng dự bị vào trận.
Như từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên, hai phân đội dự bị bí mật, luồn sâu, nã đạn vào hang ổ của địch. Bị đánh bất ngờ, địch không kịp phản ứng, Tiểu đoàn 3 ngụy bị tiêu diệt gọn. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho anh em rút quân trước lúc trời sáng, càng nhanh càng tốt.
Trung đoàn U Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh Tư liệu.
Bị thương, nằm lại
Tiếng sú ng tạm im, cũng là lúc trời rạng sáng. Tiểu đoàn phó Phạm Văn Trà được Tiểu đoàn trưởng phân công ở lại giải quyết thương vong, tử sĩ, rút về sau, còn phần lớn lực lượng của tiểu đoàn rời khỏi địa bàn. Hoàn tất nhiệm vụ của Tiểu đoàn trưởng giao cũng là lúc trời sáng rõ.
Mấy anh em trên đường lui quân thì bỗng phi pháo, máy bay địch thi nhau trút bom, đạn dọc các tuyến lộ, tuyến kênh chặn đường. Phạm Văn Trà bị một mảnh pháo găm đúng vào cổ chân, không thể đi được.
“Khi đó, bên cạnh tôi chỉ còn lại cậu liên lạc. Băng bó cho tôi xong, cậu liên lạc dìu tôi ra cánh đồng. Mặt trời đã lên cao. Cái nóng bắt đầu hun đốt chúng tôi. Biết mình không thể đi được nữa, tôi lệnh cho cậu liên lạc quay trở về, không thể ở đây chịu ch.ế.t cả hai.
Tôi giữ khẩu sú ng ngắn và ít đạn phòng bất trắc, nếu gặp địch thì chiến đấu đến cùng. Cậu liên lạc tỏ ra lừng chừng.
Tôi đoán cậu ta không nỡ bỏ tôi lại một mình, cảm thấy bỏ tôi lúc này là có lỗi, vì rằng đồn địch ngay gần đó, tôi khó thoát được họng sú ng địch. Thấy thái độ của cậu liên lạc, tôi buộc phải ra lệnh. Cậu liên lạc lầm lũi quay đi, vừa chạy, vừa nhìn lại lấy tay quệt nước mắt” – Đại tướng Phạm Văn Trà kể.
Đồng chí liên lạc đi khỏi, Phạm Văn Trà cố lết thêm một quãng xa bờ kênh, hướng về một ấp gần đó, nhưng sức kiệt dần, phần vì đói khát, phần vì vết thương ra nhiều máu, nhức nhối. Hai tay chống về phía sau, cố ngồi cho vững, chân bị thương máu đã đông lại tím bầm.
Trong đầu Phạm Văn Trà suy tính miên man, làm cách gì để vượt qua lần lâm nạn này. Đúng lúc ấy, từ xa, ông thấy một cậu bé chừng 10, 12 tuổi theo lối bờ ruộng tiến về phía mình. Ông cố gọi thật to để cậu bé nghe thấy.
Khẩu sú ng K59 của Đại tướng Phạm Văn Trà được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh BTLSQSVN.
Cậu bé giật mình, tiến về phía ông, nhìn ông chằm chằm. Ông nhìn bộ quần áo đang mặc, rồi nhìn cậu bé, hẳn là cậu nhận ra ông là Quân giải phóng. Chẳng nói, chẳng rằng cậu bé ù té chạy về phía ấp.
Thấy cậu bé bỏ đi, ông thầm nghĩ: “Thêm một rắc rối nữa rồi đây. Tôi lấy sú ng ra, lên đạn. Phòng trường hợp xấu cậu bé sẽ báo cho địch đến bắt. Không còn cách nào khác, tôi phải chiến đấu. Tôi nín thở chờ đợi, thời gian như chậm lại”.
Gặp ân nhân
Khoảng xế trưa, cậu bé quay lại, tay cắp chiếc thúng, khẽ khàng đặt xuống vệ cỏ, nhìn Phạm Văn Trà rồi ù té chạy. Ông thở phào.
Đợi cậu bé đi một quãng, ông cố lết lại gần chiếc thúng. Ông không tin vào mắt mình, trong thúng có một gói xôi, nửa con gà và một bình nước. Ông xúc động, bất giác nhớ đến truyện cổ tích ngày xưa mẹ thường kể. Cầm miếng xôi đưa lên miệng, nước mắt ứa ra.
Khoảng nhá nhem tối, cậu bé cùng một phụ nữ (sau này ông biết là mẹ cháu) ra dìu ông về nhà. Trong ánh đèn dầu đỏ quạch, ông ngắm nhìn chị, khuôn mặt đoan trang, dáng mảnh mai, tóc bối cao sau gáy… ông nghĩ mình đã gặp người tốt, có thể tin cậy.
Chị phụ nữ nhìn ông ngượng nghịu: “Ông xá lỗi cho, biết ông đau, chờ đợi, nhưng má con tôi không biết tính sao. Lính quốc gia nhan nhản ngoài ấp. Ban ngày đón ông sao được, chỉ trông trời tối là má con tôi ra liền”. Ông nói: “Cám ơn chị và cháu đã cứu mạng. Xin chị đừng gọi tôi là ông”.
Nhà vắng bóng đàn ông nhưng vì tế nhị, ông không dám hỏi. Biết đâu chồng chị là lính ngụy thì thật trớ trêu. Ông đề nghị chị giấu ông ở ngoài vườn thì tốt hơn. Chị nhìn ông rồi trả lời rành rọt:
“Không được, anh ra khỏi nhà là bị bắt ngay. Bây giờ anh đang bị thương, tôi không biết đơn vị anh ở đâu, anh ở tạm trong hầm tránh đạn pháo trong buồng. Nhà tôi nấu rượu, lính đồn ra vào mua rượu thường xuyên. Anh đừng ngại, tôi quen hết lượt bọn họ”.
Đoàn cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sưu tầm hiện vật tại nhà Đại tướng Phạm Văn Trà, năm 2009. Ảnh BTLSQSVN.
Ông không hỏi tên nhưng nghe loáng thoáng tiếng mọi người gọi chị là Sáu Gương. Hằng ngày chị lo cơm nước, lấy nước muối rửa vết thương cho ông.
Đến ngày thứ 6, vết thương bị nhiễm trùng, bắt đầu mưng mủ… Lo lắng hiện trên nét mặt chị. Chị nói với ông: “Kiêm bác sĩ chữa trị cho anh, vết thương sẽ mau lành nhưng như vậy khác nào gửi anh cho lính đồn. Bây giờ tôi không biết đưa anh đi đâu, về đâu?”.
Tìm hiểu khẩu sú ng nhỏ làm nên thương hiệu vũ khí Israel có trong biên chế QĐND Việt Nam
Ông năn nỉ chị: “Nhờ chị đưa tôi đến chỗ nào địch hay dùng phi pháo, máy bay đến bắn phá, nơi đó là đơn vị tôi”. Thấy thái độ cương quyết của ông, sáng hôm sau, giả bộ đưa người nhà đi chữa bệnh, chị đưa ông xuống xuồng nhờ người chở đi.
Nhờ quen biết lính đồn, chị nhanh chóng đưa ông qua các trạm gác của địch. Đi cách ấp khoảng 6km, gặp du kích, chị gửi ông cho họ rồi quay về. Ông được đưa đi chữa trị, một tháng sau vết thương lành, ông trở về đơn vị trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Anh em ôm chầm lấy ông, ai nấy đều tưởng ông đã hy sinh…
Kể đến đây, ông xúc động: “Trong suốt cuộc đời quân ngũ, đó là kỷ niệm tôi khắc ghi trong lòng, không bao giờ quên.
Tôi đã kiếm tìm chị nhiều lần, người đã cứu tôi trong lúc nguy nan nhất, tưởng như cái c.h.ế.t đã cận kề. Nhưng vô vọng. Chiến tranh, loạn lạc, sau này tôi chỉ biết gia đình chị đã đi vùng kinh tế mới, chuyển dời nhiều lần, nên không còn ai biết. Tôi chỉ còn biết cầu mong trời phật luôn phù hộ cho chị và con cháu chị”.
Kỷ vật về trận đánh năm nào mà Trung đoàn U Minh của ông đã giữ lại chính là khẩu sú ng ngắn và câu chuyện “lòng dân”. Ông và đơn vị đã gửi tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm hiện vật.
Nguồn: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam