Bất ngờ: Việt Nam đã sản xuất được tên lửa S-300 nghi trang… y như thật
Trong biên chế trang bị của lực lượng phòng không Việt Nam, các tổ hợp tên lửa S-300 được đánh giá là hiện đại nhất, là loại vũ khí chiến lược tầm xa, hiện đại và đặc biệt uy lực.
Từ thành lập 2 trung đoàn tên lửa mới trang bị S-300PMU1…
Theo cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam đã đặt mua từ Nga 2 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 rất hiện đại và công tác bàn giao đã được phía bạn thực hiện vào năm 2005.
Đến nay, qua hơn 10 năm sử dụng, các đơn vị được trang bị đã làm chủ hoàn toàn các tính năng vượt trội của tổ hợp S-300 – loại tên lửa hiện đại bậc nhất thế giới do Nga chế tạo sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống, đặc biệt là trong môi trường chiến tranh công nghệ cao, tác chiến điện tử mạnh.
Đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới, cuối năm 2013, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập 2 trung đoàn tên lửa hoàn toàn mới gồm Trung đoàn tên lửa 64 thuộc Sư đoàn 361 và Trung đoàn tên lửa 93 thuộc Sư đoàn 367. Đây là 2 sư đoàn có bề dày thành tích chiến đấu và xuất sắc bậc nhất của phòng không Việt Nam.
Theo đó, trang bị chính của mỗi trung đoàn là 1 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 và kết hợp với đó là các loại vũ khí phòng không khác như tên lửa phòng không tầm thấp Strela-10M và/hoặc pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4M để hình thành những trung đoàn hỗn hợp đầu tiên của Quân chủng phòng không – Không quân.
Được giao nhiệm vụ bảo vệ những địa bàn đặc biệt quan trọng là Thủ đô Hà Nội (Trung đoàn 64) và Thành phố Hồ Chí Minh cùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Trung đoàn 93), các đơn vị đang ngày đêm huấn luyện nâng cao trình độ, sẵn sàng chiến đấu, quyết “Không để Tổ quốc bị bất ngờ bởi các tính huống trên không”!
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 của Việt Nam. Ảnh: QĐND.
… đến sản xuất được tên lửa S-300 “y như thật”
Trong môi trường tác chiến hiện đại, đặc biệt là tác chiến phi đối xứng giữa những quốc gia có tiềm lực quốc phòng hạn chế (như Việt Nam) với các thế lực hùng mạnh, thì yêu cầu sống còn là giữ bí mật lực lượng, bảo toàn để chiến đấu lâu dài. Phương châm tác chiến xuyên suốt là “phòng tránh, đánh trả”.
Muốn làm được và làm tốt điều này, ngoài việc huấn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, phát huy tối đa tính năng kỹ – chiến thuật của vũ khí thì việc nguy trang nghi binh cũng cần phải được đặc biệt chú trọng.
Trong những năm qua, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ chế thử và triển khai sản xuất hàng loạt khí tài nghi trang giống hệt với các loại vũ khí hiện đại có trong trang bị như mô hình bơm hơi máy bay tiêm kích Su-30MK2, xe tăng T-55,…
Và mới đây, trong Hội nghị Sơ kết 5 năm (2013 – 2018) thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo do Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội, một khí tài nghi trang mới lần đầu xuất hiện khiến ta khá bất ngờ, đó là tổ hợp tên lửa S-300 bơm hơi.
Thượng tướng Phan Văn Giang tham quan khu trưng bày các sản phẩm vũ khí, trang bị phục vụ công tác huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị trong toàn quân. Tổ hợp tên lửa S-300 bơm hơi ở phía xa. Ảnh: QĐND
Điểm đáng chú ý là khí tài bơm hơi nghi trang tổ hợp tên lửa S-300 trông khá giống so với khí tài tên lửa S-300 có trong trang bị của phòng không Việt Nam.
Tổ hợp tên lửa S-300PMU1.
Cần phải nên nhắc lại rằng để ứng phó với những đối thủ mạnh thì nghi binh lừa địch là phương thức hữu hiệu nhất, và mô hình nghi trang bơm hơi không cần nhất thiết phải giống y trang 100%, cho dù là tên lửa S-300 hay tiêm kích Su-30MK2, bởi lẽ ở cự ly cỡ 100m thì không thể phân biệt chúng với các vũ khí thật ở cự ly 100 m.
Việc sử dụng phổ biến khí tài nghi trang tên lửa S-300 sẽ giúp phòng không Việt Nam vừa đánh lạc hướng, vừa thu hút hỏa lực tấn công của đối phương, nâng cao khả năng sống còn cho các hệ thống vũ khí trang bị thật, đặc biệt là khi chúng cũng có bộ tạo giả nhiệt động cơ, tần số định vị vô tuyến và tạo giả tín hiệu phản xạ radar.
Như vậy, chắc chắn sẽ khiến đối phương bối rối, cố săn bằng được các mục tiêu giả, và tiêu hao thời gian quý báu để tìm các mục tiêu thật.
Mô hình tên lửa S-300 bơm hơi để nghi trang, tạo giả.
Không phải chỉ có Việt Nam, mà Nga – cường quốc về quân sự có thể đánh tay đôi ngang ngửa với bất cứ quốc gia hùng mạnh nào thì từ lâu cũng đã rất chú trọng và thành công trong việc nghiên cứu chế tạo những khi tài nghi binh độc đáo, trong đó có các mô hình của những tổ hợp tên lửa S-300 hay S-400.
Việc sử dụng mô hình tên lửa S-300 bơm hơi có thể khiến các phương tiện trinh sát hay tấn công của đối phương hoặc là choáng váng với sự xuất hiện nhanh và ồ ạt của các trận địa S-300 dẫn tới không dám manh động thực hiện các chiến dịch không kích hoặc là tổ chức đánh tiêu diệt các trận địa S-300 giả.
Đánh nhầm vào các trận địa giả chắc chắn là chẳng những không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đối phương mà còn khiến lãng phí bom đạn có điều khiển chính xác – những loại vũ khí hết sức đắt đỏ
Trong khi đó, các tổ hợp S-300 thật của Việt Nam vẫn thản nhiên rình rập ở đâu đó, sẵn sàng nhả đạn tấn công, hạ gục máy bay chiến đấu của đối phương.
Theo Bình Nguyên / Thời đại