Nhật: Góc nhìn của một người Việt về cuộc sống khó tin trên “quê hương thứ 2”
Ai cũng nghĩ cái mác “du học sinh” Nhật Bản là sướng lắm. Nhưng phía sau đó là những ngày tháng cực khổ nối tiếp nhau, vừa đi học vừa đi làm, chẳng khác gì lao động giá rẻ…
Nghĩ đến Nhật Bản, ai cũng liên tưởng ngay đến xứ sở của các bộ truyện tranh nổi tiếng (manga), phim hoạt hình (anime), người dân cần cù chịu khó và làm việc nghiêm túc.
Ngoài ra, đất nước mặt trời mọc còn lừng danh bởi… nền công nghiệp tình dục rất phát triển nữa.
Nhiều người nghĩ rằng được sang Nhật Bản du học sướng lắm, được chạm vào ước mơ tuổi thơ của bao người với những cửa hàng truyện tranh, đồ gốm, ẩm thực, được ngắm hoa anh đào, hưởng thụ không khí trong lành bla bla…
Song, đó chỉ là tưởng tượng như ánh trăng trên mặt nước mà thôi. Hãy đọc mẩu tâm sự ngắn dưới đây, chắc hẳn nhiều người sẽ vỡ mộng với giấc mơ phương Đông:
“Nỗi lòng của những người con xa xứ:..
Nói thật là Nhật Bản nhà em đây ạ. Ở nhà cứ thấy tiền gửi về là bảo bên ấy sướng lắm.
Chắc chắn, khái niệm đi – nước – ngoài hay là đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhiều người nghe đến là xuýt xoa thích lắm, vì cho rằng đi đến các nước khác là được đi đây đi đó nhiều, cuộc sống sẽ sung sướng hơn, thu nhập cao hơn ở Việt Nam.
Nhưng mấy ai biết được, để có được 1 cuộc sống được gọi là tạm – ổn – định rồi để có được đồng tiền trang trải cho mình, gửi về nhà trả nợ ngân hàng chồng chất cho bố mẹ những con người xa xứ phải đánh đổi biết bao nhiêu.
Họ phải trải qua những ngày cay đắng của cuộc đời như 1 chiếc máy.
Đi làm, ăn, ngủ. Bất đồng ngôn ngữ, bất đồng phong tục tập quán, ngoài ra họ còn bị người dân bản địa kỳ thị. Đến cả ăn cũng không hợp.
Chưa kể đến chuyện đi làm thì bị người này người khác chèn ép, mắng chửi không biết kêu ai. Rồi khi ốm đau, bệnh tật một thân 1 mình khổ sở.
Thèm một bữa cơm cà mẹ nấu hay cốc nước chè cha om. Muốn nhìn thấy nụ cười hay lau giọt nước mắt cho người thương nhưng cũng đâu thể.
Cuộc sống chật vật, tình cảm thiếu thốn, nhiều khi còn dẫn họ đến những nơi tệ nạn, hao phí đồng tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra,lại còn tổn hại đến bản thân…”.
Tâm sự đầy chân thực lột tả cuộc sống thật của du học sinh Việt tại Nhật Bản. Ảnh minh họa
Bạn vừa đọc được những gì vậy? Bạn cảm thấy hoang mang vì Nhật Bản thần tiên trong phim truyện không giống như miêu tả ở trên phải không?
Vẫn biết là ở Nhật chi phí đắt đỏ, nhưng đó là cái giá xứng đáng cho cuộc sống tốt đẹp hơn hẳn về mặt vật chất, mọi thứ đều sạch sẽ, ngăn nắp nhờ thói quen của người Nhật, nó cũng giúp ta học hỏi được lối sống tiến bộ rất nhiều.
Còn những điều khác thì sao?
Theo như lời kể ở trên thì nó toàn là đắng cay, tủi nhục, và trần trụi.
Sự thật là chỉ có người bản địa mới phù hợp với nhịp sống của chính quê hương mình. “Chui trong chăn mới biết chăn có rận”, du học sinh Việt tại Nhật được tiếng đi du học là “oai” chẳng khác đi Mỹ, đi châu Âu… nhưng chỉ họ mới hiểu cái giá phải trả cho cái mác “du học sinh” là gì.
Chủ nhân lời tâm sự đang gây bão ở trên mới chỉ tiết lộ một phần trần trụi về cuộc sống đầu tắt mặt tối tại Nhật, các bạn trẻ Việt Nam sang đó rồi mới cảm thấy đang chôn vùi tuổi thanh xuân vào đi học, đi làm thêm, quay cuồng và mệt mỏi, chỉ để có đủ tiền học, tiền ăn, thuê nhà, và gửi về quê cho bố mẹ trả nợ…
Các bạn du học sinh nhà có điều kiện họ không thấy khổ cực, còn lại đa phần người Việt sang xứ anh đào đi học đi làm đều thuộc tầng lớp trung lưu đến nhà nghèo, họ bắt buộc phải nếm trải sự vất vả gấp 3 – 4 lần để đem tiền về quê hương mong xây đắp cuộc đời mới.
Có nhiều người tỏ ra thông cảm khi đọc những dòng chia sẻ đầy cay đắng ấy. Cùng là đồng bào, làm sao mà không thương xót?
Mang tiếng là du học sinh, nhưng vừa đi học vừa đi làm quần quật chẳng khác lao động giá rẻ, vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi đặt chân về tới nhà là họ chỉ lăn ra ngủ thôi, chẳng có thời gian sức lực để dọn phòng, tắm rửa, đi chơi…
Ai cũng phải cân đối giữa học và làm, có khi phải tranh thủ ngủ khi làm cái này để lấy sức làm cái khác.
Ảnh minh họa.
Tuy vậy, số đông anh hùng bàn phím lại ra sức phản đối lời chia sẻ ở trên, bởi quan điểm của họ là “kiếm được nhiều tiền hơn thì đừng kêu khóc”.
Bạn Đoàn Liên bức xúc so sánh: “Than thở cái gì nhỉ, dân Nhật nó cũng cày như trâu chứ có chơi đâu, ngày toàn làm 10 – 12h chứ có được 8h đâu mà than vs chả khóc.
Công ty bên Nhật thấy ông nào cũng về toàn 9-10h đêm, các thanh niên Việt Nam ở nhà sướng quen rồi nên qua đó chịu không nổi thôi”.
Ý kiến khác lại cho rằng chủ nhân tâm sự đang ngụy biện cho sự bừa bãi, ở bẩn, lười dọn dẹp khi sang Nhật: “Ở đâu có nếp sống ở đó.
Tôi đi làm về mệt vẫn cố dọn cái phòng cho sạch sẽ ngủ mới ngon. Còn chuyện làm thêm, muốn có tiền thì phải chấp nhận…
Lương gấp 10 lần thì 12 tiếng có là gì? Bản thân người Nhật cũng đâu có chơi bời, an nhàn… Có phải đi du lịch đâu mà đòi sướng”.
Biết rằng so sánh nào cũng khập khiễng, cuộc sống thường ngày ở Việt Nam khác hẳn tại Nhật, nhưng có vẻ như sự phản đối của nhiều người là có cơ sở, bởi lắm thanh niên bây giờ ở nhà chỉ thích ăn chơi, lười lao động, sang bên Nhật hí hửng tưởng được đổi đời, khi va vấp lăn lộn kiếm tiền mới hiểu được mình ở Việt Nam “sướng kiểu ăn hại” thế nào.
Các bạn trẻ Việt Nam sang Nhật đa phần vừa học vừa làm thêm, kiếm tiền trang trải chi phí cuộc sống đắt đỏ bên này.
Và hệ quả của chu trình lặp lại học – làm – học, ngủ ít, khiến du học sinh Việt như những cỗ máy lao động giá rẻ, lúc nào cũng mệt mỏi, nhớ nhà.
Chẳng biết cư dân mạng có bao nhiêu phần trăm hiểu rõ đời sống của du học sinh Việt ở Nhật, nhưng ai cũng phán như chính mình chứng kiến tất cả, mỗi người một chiếc dao chém ào ào đủ kiểu trên mạng xã hội.
Giữa những lời chỉ trích gay gắt, sự lên tiếng của thành viên Mưa Một Mùa – du học sinh Nhật chính hiệu khiến nhiều người ngẫm nghĩ: “Cuối tuần được nghỉ học, em vẫn phải tranh thủ đi làm thêm!
Làm từ tối tới 5h sáng, ở Tokyo kiếm được 180 ngàn/ giờ, địa phương khác thì 150, mà dân Nhật thực ra không thích người mình đâu, em biết vì em may mắn làm ở chỗ không bị kỳ thị…
Đi học đi làm liên tục quần quật nên ra ga mệt quá, đâu cũng có thể ngồi, chẳng khó để bắt gặp người Việt mình lả đi ở khắp mọi nơi”.
Mẩu tâm sự trên tuy ngắn nhưng đã gây ra cuộc tranh luận không nhỏ trên mạng xã hội, với hàng ngàn ý kiến khác nhau, mổ xẻ đủ điều xoay quanh việc đi du học Nhật, hay có dở có, người sướng người khổ.
Song, tạm kết lại rằng, với những ai xa quê đi học đi làm, vì cuộc sống vì gia đình mà phải tha hương cầu thực, chỉ có họ mới hiểu nỗi khổ cực đắng cay trăm bề nơi đất khách quê người.
Có thể rằng, khi sang Nhật (và nhiều nước khác nữa) họ kiếm được nhiều tiền hơn, gấp hàng chục hàng trăm lần ở Việt Nam, nhưng nó đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, có khi cả máu, chấp nhận cuộc sống tạm bợ, bẩn thỉu, thiếu ăn thiếu mặc, bị kỳ thị, phân biệt màu da gốc gác…
Nếu là bạn, đang ngồi trước máy tính hay lướt điện thoại để đọc mấy dòng này, bạn có sẵn sàng đổi vị trí với họ không.
Có thế nào thì cũng nên ngừng than vãn, nếu không chịu đựng được hãy tự thay đổi đi, còn nếu không, hãy nghĩ đến lý do khi lựa chọn con đường đi của mình lúc trước.
Nguồn: Soha