Sang Nhật 2 năm mà mới chỉ nghe được tiếng còi ô tô 3 lần và câu chuyện chưa kể

Khoản này ở Việt Nam thì khỏi nói. Muốn biết đặc sản còi xe thì đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ rõ, sau một ngày ở ngoài đường khi về nhà đầu cứ ong ong vì dư âm của còi xe..

Tôi may mắn được du học Nhật hai năm rồi, hai năm qua vẫn chưa hết bỡ ngỡ với bao điều mới lạ học tập được ở đất nước này. Các bạn cũng biết Nhật Bản là một đất nước hiện đại và đáng để chúng ta học tập. Một xã hội ngăn nắp, trật tự, dù là trong tình trạng động đất hiểm nghèo, người dân vẫn trật tự xếp hàng để đi theo lối thoát hiểm từ các căn nhà cao tầng, tuyệt không có cảnh chen lấn dù ai mặt cũng tái mét vì sợ.

Đường phố sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, tất cả rác đều được phân loại và người dân tự giác chấp hành, không làm ồn ào nơi công cộng và ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là ban đêm.

Ở Nhật Bản hai năm mà tôi chỉ mới nghe tiếng còi xe ôtô có 3 lần. Tôi nhớ rõ bởi vì cảm thấy rất lạ. Ở một thành phố thuộc loại đông đúc náo nhiệt nhất thế giới mà không hề nghe tiếng còi khi xe lưu thông trên đường. Một lý do đơn giản là mọi người đều tuyệt đối chấp hành luật giao thông và nhường nhau khi giao thông, không có cảnh giành đường hay lấn tuyến.

Khoản này ở Việt Nam thì khỏi nói. Muốn biết đặc sản còi xe thì đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ rõ, sau một ngày ở ngoài đường khi về nhà đầu cứ ong ong vì dư âm của còi xe.

Điều mà tôi thích nhất ở đất nước này chính là tất cả các siêu thị, nhà hàng, quán ăn… bán món gì đều phải niêm yết giá và bán đúng giá quy định. Tôi nghĩ Việt Nam nên học và áp dụng điều này một cách triệt để nhằm tránh tình trạng chặt chém như hiện nay. Một nền kinh tế thuộc nhóm đứng đầu thế giới, là quốc gia châu Á duy nhất khiến các nước phương Tây phải nghiêng mình nể phục. Một nền giáo dục hiện đại, bồi dưỡng nhân cách người học, khuyến khích người học tự do phát triển tư duy của mình.

Sáng sớm 20/11, trời se se lạnh trong tiết cuối thu đầu đông của đất nước mặt trời mọc, trên đường đến trường tôi gặp cảnh các cô giữ trẻ đưa các em bé, mới bập bẹ biết nói khoảng 3-5 tuổi đi ra công viên chơi. Các em cầm tay nhau và được cô giáo dẫn đường. Đang vừa bước vừa ngáp vì hôm qua ngủ hơi muộn, chợt nghe tiếng cười nói của các bé và cô giáo. Các bé nói chuyện ríu ra ríu rít với nhau và với cô giáo. Tỉnh cả ngủ, mình thấy một khung cảnh yên bình, yêu cuộc sống hơn.

Ngẫm lại bên mình mới có vụ cô giữ trẻ nhẫn tâm đạp đến chết một bé trai vì bé không chịu ăn, nghĩ mà buồn, chắc là cá biệt, và còn nhiều vụ đáng buồn. Chỉ là cách chăm sóc thôi nhưng sao thấy khác quá. Ở Việt Nam các bé thường được giữ trong nhà trẻ, chắc có lẽ vì vậy mà các bé thụ động, ít được tiếp xúc với bên ngoài. Mà cũng đúng thôi, bên ngoài đầy rẫy những nguy hiểm. Ai đảm bảo an toàn cho các em, ai dám cho các em tung tăng vui đùa ở ngoài đường. Vậy lỗi này là do ai?

Trẻ con như búp trên cành, phải biết nâng niu, nâng đỡ các em. Các em chỉ cần một tuổi thơ hồn nhiên, được vui đùa cùng bạn bè, làm quen với những điều mới lạ, học tập, phát triển một cách tự nhiên là tốt lắm rồi. Nhưng dường như ở Việt Nam, các bé đã phải bước vào cuộc đua nghiệt ngã của căn bệnh thành tích bởi chính bố mẹ mình, còn đó ám ảnh cảnh bố mẹ đạp đổ cổng trường để đi đăng kí cho con vào trường điểm, nhiều nơi cố gắng chạy trường điểm, chạy lớp chọn…cho con mình. Làm sao các em có thể phát triển một cách tự nhiên và trở thành một công dân gương mẫu khi có những ông bố bà mẹ như vậy?. Áp lực điểm 10, các bé phải đi học thêm, học ngoại ngữ, học năng khiếu…học đến nỗi mới cấp 1 thôi nhưng đeo cặp nặng đến nổi lớn không được.

Cứ vậy các bé tiếp tục cuộc đua thành tích để cho bố mẹ nở mặt nở mày với thiên hạ mà không biết rằng con mình đã đánh mất tuổi thơ đáng lẽ các bé được hưởng. Làm sao các em có thể lớn lên và phát triển toàn diện với một tuổi thơ thiếu thốn. Và rồi, các bé được thừa hưởng nền dáo dục ấy lại tiếp tục bước theo sai lầm của thế hệ trước, lại tiếp tục cuộc đua thành tích. Vậy lỗi này là do ai?

Vừa rồi, có một bạn sinh viên hỏi tôi rằng: thời gian gần đây chất lượng giáo dục đại học và đạo đức sinh viên đi xuống rất nhiều, vậy nguyên nhân do đâu? Đây là một câu hỏi ai cũng biết rõ câu trả lời, đó là do sự mất cân đối trong việc dạy dỗ tri thức và nhân cách không chỉ trong bậc đại học mà là từ bậc mầm non. Sự thiếu quan tâm sâu sát của giáo viên trong việc bồi đắp nhân cách cho học sinh ở những bậc học dưới sẽ dẫn đến tạo nên phần đông những con người có tri thức nhưng thiếu đạo đức (loại người này rất nguy hiểm), và chính những con người này trở thành chủ nhân của xã hội. Hôm qua, mới đọc bài báo, một sinh viên đánh thầy, bóp cổ thầy chỉ vì nghỉ học quá số buổi quy định và bị cấm thi nên trả thù. Tôi tự hỏi: trả thù thầy của mình ư? Đâu rồi cái truyền thống tôn sư, trọng đạo?

Ví như xã hội Nhật Bản, luật pháp rất nghiêm khắc nhưng cái chính là con người Nhật có tính tự giác rất cao, có tính nhường nhịn, kiên nhẫn và đặc biệt là có đạo đức. Không giành giật, không cướp bóc, luôn có cảm giác bình yên khi ra đường. Một hạt giống tốt, gieo trên một mảnh đất cằn nhưng biết chăm sóc đúng cách đã cho những quả ngọt với chất lượng cao. Còn chúng ta thì sao? Cũng là một hạt giống tốt, trồng trên một mảnh đất tốt nhưng chăm sóc không đúng cách, thúc cho cây chóng ra hoa đậu quả, tất nhiên sẽ có quả, nhưng phần lớn là những quả chín ép, bên ngoài nhìn đẹp lồng lộng nhưng bên trong thì đắng chát, thậm chí thối rữa.

Nên muốn có một xã hội Việt Nam phát triển, có một đất nước Việt Nam phồn vinh, việc cần làm ngay thiết nghĩ chẳng phải là xây dựng chương trình giáo dục đạo đức cho các bậc học từ mầm non đến trung học hay sao? Nên chăng thay các bài Giáo dục công dân toàn là định hướng chính trị bằng các bài học dạy làm người với những ví dụ cụ thể hay sao? Hi vọng vậy…

 

 

Theo Nguyễn Hữu Trí