“Chúng tôi không sợ người Nga, chúng tôi sợ những chiếc trực thăng của họ”: Đó chính là…!
Trực thăng Mi-24 là một biểu tượng cho sức mạnh của quân đội Liên Xô, không chỉ ở Afghanistan mà còn ở rất nhiều điểm nóng khác trên toàn thế giới những năm 1970 và 1980.
“Chúng tôi không sợ người Nga, chúng tôi sợ những chiếc trực thăng của họ”.
Đó là câu nói nổi tiếng mà chiến binh Mujahideen trong cuộc chiến tranh Afghanistan những năm 1980 đã phải thốt lên khi nhận xét về một trong những dòng trực thăng tấn công uy lực nhất của Liên Xô: Mi-24.
Là phương tiện chở quân vũ trang hạng nặng, được thiết kế để chống lại các lực lượng NATO trên chiến trường châu Âu, với trọng lượng mỗi chiếc hơn 8.000 kg và được tình báo phương Tây gọi bằng mật danh “Hind”, khoảng 250 trực thăng Mi-24 đã quần thảo trên bầu trời Afghanistan suốt 9 năm Moscow tham gia chiến dịch quân sự tại đây.
Trang bị súng, pháo, rocket và tên lửa có điều khiển, Mi-24 nổi danh với những chiến dịch truy lùng và tiêu diệt các mục tiêu đối phương trên khắp địa hình hiểm trở của Afghanistan. Khi không tham gia vận chuyển binh lính, Hind thường được sử dụng cho nhiệm vụ tấn công kẻ thù ở trần bay cực cao hoặc bay bám địa hình, càn quét các phần tử nổi dậy với tốc độ siêu nhanh.
Ở thời kỳ đỉnh cao của mình, Mi-24 là một biểu tượng cho sức mạnh của quân đội Liên Xô, không chỉ ở Afghanistan mà còn ở rất nhiều điểm nóng khác trên toàn thế giới những năm 1970 và 1980.
Ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ, Mi-24 vẫn tiếp tục được nâng cấp để trang bị cho quân đội Nga thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và nhiều quân đội nước ngoài khác cho tới tận ngày nay.
Dưới đây là 10 thống kê đáng kinh ngạc về Mi-24 Hind, một trong những dòng trực thăng sát thủ nhất thế giới.
Người Liên Xô đã nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm sử dụng trực thăng của Mỹ trên chiến trường Việt Nam để chế tạo ra Mi-24. Ảnh:ƯikiCommons.
Thai nghén từ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam
Là sản phẩm trí tuệ của nhà thiết kế trực thăng người Nga Mikhail Leontyevich Mil, Mi-24 được phát triển trong những năm 1960 nhằm làm đối trọng với các máy bay cánh quạt của Mỹ thời kỳ chiến tranh Việt Nam như Bell UH-1 Iroquois (biệt danh “Huey”) và AH-1 Cobra.
Đầu năm 1966, Mil đưa ra đề xuất chế tạo một chiếc trực thăng vận chuyển binh lính vũ trang có thể vừa đảm trách nhiệm vụ chở quân tới chiến trường vừa tham gia chiến đấu như một dạng phương tiện chở quân bọc thép.
Hai năm sau, Moscow ra lệnh phát triển ở quy mô đầy đủ loại vũ khí mà sau này trở thành một trong những dòng trực thăng tấn công đầu tiên của thế giới. Đến năm 1969, các nguyên mẫu thử nghiệm đã cất cánh, và năm 1972 những chiếc Mi-24 đầu tiên được đưa vào biên chế. Khoảng hơn 2.600 chiếc đã được chế tạo.
Trực thăng Mi-24 mẫu “A” thời kỳ đầu.
Kho vũ khí khổng lồ.
“Trang bị tới tận răng” có lẽ là cụm từ chính xác nhất để miêu tả về Mi-24. Ngoài việc trang bị một ụ súng máy 4 nòng Gatling 12,7 mm với thiết kế đặc biệt ở phần mũi, một pháo nòng kép 23mm ở phần thân, Hind còn được lắp thêm pháo GSh-30K nòng kép 30 mm đặt cố định bên mép phải máy bay.
Mi-24 cũng có thể mang theo 1.500 kg vũ khí treo bên ngoài, từ ống phóng rocket 32×57 mm, súng phóng lựu tấn công nhanh cho tới tên lửa chống tăng có điều khiển, pháo tự động và bom.
Khoang chở quân của Hind, có thể tiếp cận từ hai cánh cửa bên thân, đủ sức chứa một tiểu đội 8 lính bộ binh vũ trang đầu đủ hoặc 1.000 kg hàng hóa.
Tấm lá chắn chống đạn thực thụ
Các nhà thiết kế của Mi-24 đã chế tạo nó theo cách khó bị tiêu diệt nhất. Thân máy bay được bọc các tấm thép dày, đủ khả năng sống sót trước đòn tấn công trực tiếp của đạn .50 caliber. Mỗi cánh quạt chính dày 57,4 feet của nó cũng được chế tạo từ titanium và có thể chịu được hỏa lực của súng máy hạng nặng.
Toàn bộ phần buồng lái, hộp truyền động, thùng dầu động cơ, hộp số hay thậm chí là hộp thủy lực đều được bọc thép dày. Phi công được trang bị mũ chống đạn, cả ghế ngồi cũng được bọc thép. Vị trí ngồi của phi công ở phía sau xạ thủ và cao hơn 0,3 m để nâng cao khả năng quan sát.
Cả khoang lái của phi công và pháo thủ đều được gia cố chống tấn công hóa học, sinh học và hạt nhân.
Ảnh minh họa: ƯikiCommons
Trực thăng nhanh nhất trên Trái Đất
Được thiết kế giành ưu thế về tốc độ, Mi-24 chạy bằng hai động cơ turboshaft cỡ lớn và một hệ thống rotor chính 5 cánh quạt cùng với 3 cánh đuôi.
Cánh cố định của trực thăng, cùng với chức năng mang vũ khí bên ngoài, còn là thiết kế để hỗ trợ lực nâng. Dù có khung thân đồ sộ nhưng Mi-24 vẫn đạt tốc độ tối đa hơn 320 km/h. Biến thể cải tiến đặc biệt A-10 đã phá vỡ kỷ lục thế giới trở thành chiếc trực thăng bay nhanh nhất năm 1978 sau khi đạt vận đốc gần 368 km/h.
Trực thăng tấn công S-67 là phiên bản của phương Tây gần giống nhất với Mi-24. Ảnh: Sikorsky
Soán ngôi đầu bảng
Tình báo phương Tây chưa từng nhìn thấy bất cứ một loại trực thăng nào kiểu như Mi-24 khi lần đầu tiên nó xuất hiện đầu những năm 1970. Các cường quốc NATO sở hữu các trực thăng có thể vận chuyển binh lính ra chiến trường và thậm chí tấn công vũ trang nhưng không có chiếc nào hội tụ được cả hai chức năng.
Sikorsky Aircraft của Mỹ bắt đầu khám phá khái niệm thiết kế này từ đầu những năm 1970 với S-67 Blackhawk. Loại trực thăng tấn công tốc độ cao này có phi đội gồm 2 người và vũ trang pháo tự động 30 mm, 16 đạn tên lửa chống tăng TOW, một tổ hợp rocket 70 mm hoặc thậm chí là tên lửa Sidewinder.
Khoang chở quân có thể chứa được 8 lính bộ binh. Quân đội Mỹ ban đầu tỏ ra thích thú với khái niệm thiết kế nhưng dự án đã bị từ bỏ sau khi nguyên mẫu duy nhất bị rơi trong chuyến bay trình diễn năm 1972. Cuối cùng, Lầu Năm Góc quyết định xúc tiến với UH-60, cũng được gọi là Black Hawk và trực thăng tấn công AH-64 Apache.
Hind hoạt động trên chiến trường Afghanistan. Ảnh: WikiCommons
Hơn 40 năm tham gia gần 30 cuộc chiến
Mặc dù sau này nổi tiếng với vai trò trong cuộc chiến Afghanistan nhưng Mi-24 đã từng can dự vào hàng loạt điểm nóng trên thế giới. Thậm chí trước 1979, Moscow đã cung cấp cho các đồng minh Ethiopia và Cuba các trực thăng Mi-24 để sử dụng chống lại các lực lượng Somalia ở khu vực tranh chấp Ogaden.
Libya đã triển khai loại trực thăng này trong cuộc xung đột kéo dài với Cộng hòa Chad còn Iraq từng triển khai chúng đối phó với Iran trong cuộc chiến 8 năm tại vùng Vịnh.
Mặt trận giải phóng dân tộc Sandinista của Nicaragua dùng Hind để chống các lực lượng nổi dậy Contra do Mỹ hậu thuẫn trong những năm 1980. Kể từ đó, Mi-24 xuất hiện trong hàng chục vụ xung đột trên khắp châu Phi, thế giới Arab và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Các phiên bản Hind nâng cấp hiện vẫn đang hoạt động ở Syria, trong khi các cường quốc thuộc phe Liên Xô cũ như Ba Lan và Cộng hòa Séc đã triển khai Mi-24 tham gia sứ mệnh quốc tế tại Afghanistan.
Một trực thăng Mi-24 của Ba Lan. Ảnh: WikiCommons
Được hơn 60 quân đội trên thế giới sử dụng
Với mức giá tương đối rẻ, khoảng 12 triệu USD/chiếc (chỉ bằng một nửa mức giá 22 triệu USD của UH-60 Blackhawk, Mỹ), Mi-24 được xuất khẩu tới gần như mọi ngóc ngách của thế giới.
Tính tổng cộng, hơn 60 quốc gia đã vận hành Hind hoặc hiện đang duy trì hoạt động của loại trực thăng này. Số này bao gồm các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw như Hungary và Bulgaria và những nước thành viên Liên Xô trước đây như Kazakhstan, Ukraine và Belarus.
Các quốc gia đồng minh truyền thống của Liên Xô như Cuba, Việt Nam, Bắc Triều Tiên cũng sử dụng chúng, cùng với nhiều nước khác như Brazil, Ấn Độ, Pakistan, Mexico và Venezuela. Thậm chí, Quân đội Mỹ cũng vận hành một số lượng không nhỏ Mi-24 phục vụ các mục đích huấn luyện.
Hơn 40 biến thể
Từ chuyến cất cánh lần đầu tiên cách đây 50 năm, hàng chục mẫu Mi-24 khác nhau đã được phát triển.
Cùng với các biến thể tấn công tiêu chuẩn như các trực thăng mang phiên hiệu từ A đến D, Mil đã sản xuất cả các trực thăng trinh sát, tìm kiếm cứu nạn, tuần thám biển, quét mìn, tấn công ban đêm cũng như phiên bản cảnh sát cùng với hàng loạt mẫu xuất khẩu khác mang tên Mi-25 và Mi-35. Các nhà thiết kế tiếp tục hiện đại hóa và nâng cấp Mi-24 cho các chiến trường ở thế kỷ thứ 21.
Mi-35 của Không quân Afghanistan năm 2009. Ảnh: KQ Mỹ
Mang rất nhiều biệt danh
Mi-24 có rất nhiều biệt danh khác nhau. Trong khi phiến quân Afghanistan gọi nó là “Cỗ xe của Quỷ Sa tăng” thì các phi công Liên Xô lại đặt cho nó tên gọi thân mật hơn là “Cốc uống rượu” (phiên bản A). Nhiều người khác gọi nó “Cá Sấu” do lớp sơn ngụy trang rất đặc trưng của nó.
Tuy nhiên, Mi-24 thường được biết tới nhiều nhất với biệt danh “Xe tăng bay” dựa trên khả năng sát thương cũng như mức độ sống sót huyền thoại của nó.
Chúng tôi không sợ người Nga, chúng tôi sợ những chiếc trực thăng của họ: Đó là Mi-24! – Ảnh 10.
Mi-24 trưng bày tại một bảo tàng. Ảnh: WikiCommons
Trưng bày khắp các viện bảo tàng
Bạn không phải tới tận một trong những điểm nóng trên thế giới mới có thể tận mắt nhìn thấy một chiếc Mi-24 bởi chúng hiện được trưng bày ở rất nhiều bảo tàng. Bảo tàng Không quân Trung tâm của Nga chắc chắn là địa chỉ số 1, ngoài ra còn có các bảo tàng quân sự ở Tehran, Berlin, Brussels và Nam Phi.
Bảo tàng Chiến tranh Đế quốc Anh tại Duxford, Bảo tàng trực thăng ở Somerset và Bảo tàng Không quân Midland, tất cả đều có các trực thăng Mi-24 trong bộ sưu tập của họ.
Còn nếu như ở Mỹ, bạn có thể tới Birmingham, Bảo tàng Không quân miền Nam của Alabama Bảo tàng Không quân – Vũ trụ Pima ở Tucson và Bảo tàng không quân Chiến tranh Lạnh ở Lancaster Texas…để tận mắt chiêm ngưỡng Mi-24 Hind.
Theo Trung Phạm/ Trí thức trẻ