Di.ệ.t Khmer đỏ trên tuyến biên giới Tây Nam
Trong những trang sử hào hùng của mình, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên đã có mặt ở khắp đất nước, chiến đấu ngoan cường, anh dũng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có những ngày chiến đấu gian khổ ở biên giới Tây Nam, chống lại sự xâm lược của quân Pôn Pốt.
Trong giai đoạn 1959-1979, Tiểu đoàn 12, sau nâng lên là Trung đoàn 12 (còn gọi là Đoàn Thanh Xuyên) trực thuộc Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT).
Trong những trang sử hào hùng của mình, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên đã có mặt ở khắp đất nước, chiến đấu ngoan cường, anh dũng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có những ngày chiến đấu gian khổ ở biên giới Tây Nam, chống lại sự xâm lược của quân Pôn Pốt.
Sau chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh 30-4-1975, ở biên giới Tây Nam, bọn phản động Khmer đỏ Campuchia được các thế lực bên ngoài xúi giục, viện trợ tiến hành các hoạt động quân sự xâm lấn biên giới nước ta. Ngày 3-5-1975, quân Pôn Pốt đổ bộ lên đảo Phú Quốc bắt 12 người dân.
Đến ngày 10-5, chúng giết và bắt hơn 500 người dân ở đảo Thổ Chu. Ở biên giới đất liền, bọn Pôn Pốt cho lực lượng vũ trang xâm lấn ở nhiều nơi từ Hà Tiên (Kiên Giang) đến Châu Thành (Tây Ninh).
Chúng còn di dân Cam-pu-chia vào sâu nội địa, tạo nên vành đai trắng dọc biên giới để đưa các sư đoàn chủ lực, lực lượng quân sự địa phương và lực lượng thanh niên áp sát biên giới, thường xuyên khiêu khích gây tình hình căng thẳng, kích động thù hằn dân tộc trong người Việt gốc Khmer.
Mặt khác, bọn Pôn Pốt còn tung các toán gián điệp, thám báo sang đất ta điều tra tình hình bố trí lực lượng ở khu vực biên giới, móc nối với bọn phản động địa phương, bọn tàn quân ngụy Sài Gòn còn lẩn trốn để chống phá chế độ ta quyết liệt.
Người dân Campuchia chạy sang Việt Nam lánh nạn diệt chủng của Khmer đỏ.Ảnh: Tư liệu.
Trong lúc đó, trên nhiều địa bàn ở biên giới Tây Nam, cán bộ, chiến sĩ CANDVT vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng địa phương kiên trì bám dân, bám đất chiến đấu mưu trí, dũng cảm, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Bối cảnh lịch sử đặt ra nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của lực lượng CANDVT là chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Được lệnh của cấp trên, Trung đoàn cơ động 12 lập tức lên đường chi viện chiến đấu ở biên giới Tây Nam.
Lịch sử dân tộc còn ghi rõ, đầu năm 1977, bọn phản động Pôn Pốt – Ieng Sary tăng cường các hoạt động khiêu khích xâm lấn trên suốt dọc biên giới Tây Nam nước ta. Riêng ở khu vực đối diện tỉnh Đắk Lắk, chúng tập trung hàng sư đoàn có pháo binh yểm trợ thường xuyên đột nhập, bắn giết đồng bào ta, phá hoạt nhà cửa, ruộng vườn, phá hoại công cuộc lao động hòa bình của nhân dân.
Đầu tháng 2-1977, 3 đại đội (2, 4, 6) của Trung đoàn 12 được lệnh lên đường chiến đấu phối thuộc với CANDVT tỉnh Đắk Lắk. Chỉ trong vòng nửa tháng, các đơn vị nhanh chóng ổn định nơi ăn ở và triển khai phương án sẵn sàng chiến đấu.
Với tinh thần chủ động, tích cực tiến công, các chiến sĩ của ta đã phối hợp cùng Đồn 7, CANDVT Đắk Lắk (nay là Đồn Biên phòng Đắk Lao, BĐBP Đắk Nông) chiếm lại một số chốt quan trọng mà địch đã lấn chiếm trái phép từ trước.
Bắt đầu từ tháng 6-1977, Pôn Pốt gia tăng các hoạt động khiêu khích xâm phạm biên giới nước ta. Chúng liên tiếp bắn pháo, gài mìn, phục kích vào các làng bản của nhân dân và các vị trí trọng yếu khác.
Cuối tháng 12-1977, quân phản động Pôn Pốt tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Trước tình hình đó, suốt từ ngày 27-12-1977 đến trung tuần tháng 1-1978, các đại đội (2, 4, 6) phối hợp với đơn vị bạn liên tục chiến đấu bảo vệ tuyến đường chiến dịch cho các mũi tiến quân của Sư đoàn 2 đánh vào căn cứ xuất phát tiến công của địch.
Ngày 4-1-1978, địch tiến công bao vây chốt Đồn 7. Được lệnh của cấp trên, các chiến sĩ Đại đội 2 nhanh chóng cơ động giải vây cho chốt Đồn 7. Đạn pháo của địch dội liên tục trên khắp các hướng xuất kích tiến công của đại đội.
Dù vậy, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, các chiến sĩ ta nhanh chóng lợi dụng địa hình, địa vật, cắt rừng, kết hợp chặt chẽ với một bộ phận của Đồn 7 chia làm 3 mũi tiến công địch, tiêu diệt 3 tên. Số địch còn lại rút chạy về bên kia biên giới.
Chiến thắng giải vây cho các chiến sĩ đang chốt giữ ở Đồn 7 góp một phần quan trọng vào chiến công đánh bại những tính toán ngông cuồng của bọn phản động Khmer đỏ. Trong tháng 1-1978, nhiều trận chiến đấu nhỏ lẻ còn liên tục diễn ra quanh khu vực Đồn 7, nhưng với tinh thần cảnh giác, ý chí tiến công quyết liệt, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 diệt nhiều tên địch, bảo vệ an toàn tuyến biên giới được phụ trách.
Ở khu vực Đại đội 4, từ ngày 14 đến 19-1-1978, tình hình chiến đấu diễn ra không kém phần ác liệt. Địch thường xuyên bí mật phục kích ở khu vực biên giới, bắn lén, gài mìn, quấy phá, bắt cóc cán bộ, bộ đội để khai thác tình hình phục vụ cho mưu đồ đen tối của chúng.
Đêm 18-1, chúng mở trận tập kích vào địa điểm đóng quân của Đại đội 4. Với tinh thần cảnh giác cao, phát hiện kịp thời, theo phương án đã chuẩn bị, các chiến sĩ lập tức tập trung hỏa lực tiêu diệt buộc chúng phải tháo chạy.
Trong gần 1 năm tăng cường phối thuộc với CANDVT Đắk Lắk, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 luôn có mặt ở những nơi rừng núi hiểm trở, địch thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động lấn chiếm biên giới nước ta, giết hại đồng bào và cướp tài sản của nhân dân.
Tuy nhiên, với phẩm chất cách mạng, bản lĩnh vững vàng, kiên cường bám trụ và chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Toàn đơn vị nhiều lần nổ súng chiến đấu, bắt sống 2 tên địch, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên khác, thu nhiều vũ khí, đạn dược của địch, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu dũng cảm trong thời gian này là các đồng chí Trần Đức Thịnh, Lê Xuân Quyết, Đặng Văn Đoan…
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 được Nhà nước tặng thưởng 10 Huân chương Chiến công hạng Ba, trong đó có Đại đội 2, 4 và 8 cá nhân.
Nguồn : Báo Biên phòng