Làm sao để chống chọi cô đơn?
Những ngày này, cả thế gian như bước vào mùa lễ hội, vậy mà khi tiếng cười nói dừng ngoài cánh cửa, bước vào nhà, nhiều người bỗng bật khóc. Cô đơn là đó chứ đâu!
Nam ca sĩ T.D., vào một lần đi diễn về lúc 2g sáng – điều bình thường đối với anh, bỗng bước vào nhà và khóc òa lên. Anh nói, tự dưng cảm giác cô đơn ập đến, như ăn mòn anh tận xương tủy. Anh chẳng thể làm gì được, ngoài việc ngồi khóc.
Cô bạn tôi, một ngày kia thông báo sẽ ra tòa sau thời gian cùng chồng nghiêm túc “nhìn lại” cuộc hôn nhân của mình. “Cái gì vỡ cho nó vỡ luôn, hàn gắn làm gì để đời toàn vết nứt” – cô nói, mượn một câu của ai đó. Cuộc hôn nhân của cô “vỡ” không phải vì người thứ ba, không phải vì những bất đồng không thể thống nhất, mà vì cảm giác cô đơn khoét sâu trong cô từng ngày.
Thật khó tin khi một ca sĩ với hàng ngàn fan hỏi han mỗi ngày, sô diễn xếp kín lịch… mà lại cô đơn đến cùng cực như thế. Cũng như, làm sao tin nổi cô bạn kia bị cô đơn bủa vây đến mức phải đập vỡ cuộc hôn nhân hoàn-hảo-dưới-mắt-mọi-người, chỉ để thoát ra, trong khi chồng cô vẫn ở đó, chưa bao giờ vắng mặt trong bữa cơm tối của gia đình.
T.D. nói, “bệnh” cô đơn của anh vẫn ở thể nhẹ, vì anh còn có thể khóc được. Khác với cô độc (có thể được “chữa” bằng sự có mặt của người khác), cô đơn như một loại vi-rút xâm chiếm không động cơ, không lý do, không đi theo biểu đồ nào và không có phương thuốc cố định nào. Chủ thể cô đơn như người không còn động lực sống, chẳng thiết tha điều gì, chẳng biết mình buồn hay vui, bước chân mình đang nặng hay nhẹ. Sự cô đơn ấy không dễ được nhận diện, bởi được những ồn ã của thường nhật che lấp đi, để rồi trong khoảnh khắc gặp một bài hát hay một đốm sáng trên tường, nó lại bật dậy và ăn vào từng tế bào.
Sau ly hôn, cô bạn cho biết cuộc sống mới có phần không dễ dàng, nhưng ít ra cô còn biết đời mình đang như thế nào, thiếu điều gì. Nó rất khác cuộc sống tròn trịa trước kia cô đã từng, rằng, cái gì cũng có nhưng trong lòng cô lại chẳng có gì. Hóa ra những xoay xở chật vật lại mang một giá trị nào đó. Hóa ra, người ta cứ ngỡ những đứt gãy là thứ đáng sợ, nhưng vết nứt trên chiếc bình lại có giá trị của nó, ít nhất là nhắc nhở được rằng, họ từng đứng hồi lâu để cẩn thận chọn hoa văn, kích cỡ, chất liệu ra sao, với một tâm ý như thế nào.
Ảnh minh họa
Có người nói vui, cô đơn trong xã hội hiện đại giống một dịch bệnh, đến mức nhiều người hoài nghi rằng nó như một kiểu trang sức thời thượng mà nhiều người khoác lên mình để chứng tỏ mình có… chiều sâu. Nhưng cô đơn là điều có thật, rất thật. Biết sao được, những hoài bão, những ước ao hay những thất vọng, đớn đau đều cần được thấu cảm, nhưng ở thời buổi chiếc smartphone kết nối thế giới này, sự thấu cảm cũng chỉ hiện diện trên Facebook. Khi thấu cảm đã lâu không hiện diện, nhu cầu được thấu cảm theo tháng ngày cũng bị triệt tiêu đi. Cái còn lại khi ấy là một trạng thái trống rỗng, một cảm giác hoang vu.
Những ngày này, cả thế gian như bước vào mùa lễ hội, vậy mà khi tiếng cười nói dừng ngoài cánh cửa, bước vào nhà, nhiều người bỗng bật khóc – như ca sĩ T.D. kia. Mà, không phải đợi đến lúc chỉ một mình mới thấy mình cô đơn. Giữa những tiệc tùng chúc tụng cười vui, giữa những hỏi han vồn vã, lại bỗng thấy lòng hoang vu quá đỗi. Cô đơn là đó chứ đâu!
Lương Hàn/phunuonline