70% Suy nghĩ của người Hàn đối với người Việt là tiêu cực
Người Hàn nghĩ gì về người Việt?
Mà thật sự thì bạn hiền có cần quan tâm không?
Trước giờ Quỳnh chưa bao giờ có ý định viết về chủ đề này, nhưng do có quá nhiều tin nhắn riêng của mọi người từ phía Việt Nam nên hôm nay Quỳnh sẽ viết về cả góc nhìn chủ quan lẫn khách quan của mình. Nhưng cũng như Quỳnh đã luôn nói, Quỳnh không bao giờ muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên bất cứ ai, chưa kể ở đâu cũng có người này người khác, cho nên mọi người đọc cũng chỉ để biết hay tham khảo. Bài viết sẽ chia ra làm hai phần, góc nhìn khách quan và chủ quan của Quỳnh.
Người Hàn nghĩ gì về người Việt?
-Văn hoá: Quỳnh luôn nói Hàn là một đất nước có nền văn hoá kín, với những quan niệm và giáo điều cổ xưa. Công tâm mà nói, ngay cả đối với chính bản thân mình, nếu chúng ta nhìn thấy những điều lạ, những thứ ta không hiểu rõ thì ta luôn nhìn nó với ánh mắt tò mò, soi mói. Như vậy thì cho dù người Việt đi đâu làm gì cũng sẽ nhận được những cái nhìn, lý do đầu tiên đơn giản chỉ bởi vì “lạ”. Chính lúc này sự tác động từ xã hội, truyền thông, báo giới sẽ tạo nên hình ảnh và phán xét trong đầu mình.
-Lịch sử: Cái góc nhìn từ phía lịch sử trải bóng đen dài hơn đối với thế hệ cũ hơn là đối với người trẻ bởi chiến tranh Việt-Mỹ với sự giúp sức từ phía quân Hàn. Để đổi lấy một sự hỗ trợ rất lớn về mặt kinh tế nhằm tạo nên “kỳ tích bên sông Hàn”, người Hàn đã mất đi một lượng lớn quân nhân tại chiến trường Việt Nam. Chính sự khốc liệt và mất mát này làm cho thế hệ Hàn cũ nhìn người Việt bằng nhiều hướng: có người dè chừng, có người ghét (vì mất người thân), cũng có những trường hợp khác như hơi “nhìn xuống” vì một vài hành vi họ đã làm tại nước mình. Quỳnh không muốn nói rõ thêm.
-Kinh tế: Cái này đóng vai trò gần như quan trọng nhất trong chuyện điều chỉnh cái nhìn của người Hàn về người Việt. Công bằng mà nói, nếu một quốc gia phát triển cực mạnh lên top kinh tế khu vực và thế giới trong vòng 60 năm, với rất nhiều đầu tư (FDI) và các khu công nghiệp tại một đất nước đang phát triển, cũng như việc tại quốc gia này đang có một lượng rất lớn lao động (với mức lương rất thấp) của nước đó thì chuyện này sẽ tạo nên thế cờ trên-dưới. Khoan nói đến việc khác với các quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, người Việt tại Hàn số đông không phải là sinh viên hay người lao động trí thức mà chủ yếu là làm việc chân tay. Cơ hội tiếp xúc với hình ảnh người Việt chấp nhận lao động với đồng lương kém và thường xuyên có những vụ lùm xùm như cô dâu Việt, lao động bất hợp pháp, etc. dĩ nhiên là tạo nên một cái nhìn rất không hay.
-Truyền thông: Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định toàn bộ cái nhìn của một quốc gia (chứ không chỉ nói riêng gì Hàn Quốc) đối với một quốc gia khác (trong trường hợp này, là Việt Nam). Nếu bạn hiền sống trong một môi trường mà hàng ngày các trang mạng, báo đài, TV show,… đều đưa tin về hình ảnh một quốc gia kém phát triển hơn, với những hình ảnh trâu bò, ruộng lúa, người dân khổ cực, lao động bất hợp pháp, cô dâu Việt bỏ trốn, rồi trên báo mạng thì là hình ảnh các fan Việt khóc ngất lên ngất xuống khi gặp nhóm nhạc Hàn… Quỳnh nghĩ Quỳnh không cần phải nói nhiều nữa, đọc đến đây chắc mọi người tự hiểu nếu chính là các bạn hiền, các bạn hiền sẽ có suy nghĩ như thế nào với những luồng thông tin trên về một quốc gia khác. Một lần xem TV hay đọc báo như vậy đã có tác động ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách đánh giá sự việc rồi, chứ chưa kể là nó thường xuyên và là hình ảnh “duy nhất” người Việt mình đang được truyền tải tại đây một cách công khai như vậy.
-Cộng Sản Vs. Tư Bản: Cái này là phụ thôi, các bạn hiền chắc cũng hiểu tính tự tôn dân tộc của người Hàn rất cao. họ luôn cho rằng quốc gia của mình là nhất. Đường lối tư tưởng và phong cách bị ảnh hưởng rất nặng bởi Mỹ. Cả Mỹ và Hàn đều bại trận tại Việt Nam và cả hai quốc gia đều không ủng hộ nền lối của Đảng Cộng Sản. Điều này cũng là kim chỉ nam cho các hoạt động “điều chỉnh lối tư duy của người dân” về các đất nước vẫn theo Cộng Sản, và việc làm cho người dân tin rằng đất nước mình “superior” hơn nước khác luôn là một trong các tiêu chí phát triển của Capitalism.
Nói tóm lại nếu để thật lòng nói về quan điểm khách quan của Quỳnh, đó là cái nhìn của người Hàn về người Việt 70% là tiêu cực.
2 Nhưng thật sự thì bạn hiền có cần quan tâm đến chuyện đó không?
Có 3 thứ Quỳnh rất ít khi nhắc đến khi gặp ai đó lần đầu tiên: Tuổi, Quốc gia (hoặc nơi mình đến từ), Tình trạng quan hệ. Bạn hiền có biết tại sao không? Bản thân khi là phụ nữ, những lúc đi giao dịch, đi làm, người đối diện đã dễ có ý rằng mình yếu thế hơn rồi. Tuổi của một người không nói lên mức độ chín của họ, nhưng nó cũng là tiêu chuẩn để đánh giá một người. Tình trạng quan hệ cũng vậy, ai tốt thì thường nghĩ “nếu có gia đình rồi thì sẽ không lo được việc đến nơi đến chốn”, người xấu thì thậm chí còn có ý cưa cẩm tán tỉnh rất mệt mỏi. Và cái cuối cùng là Quốc gia, Quỳnh không bao giờ nghĩ việc mình đến từ đất nước nào, vùng miền nào, con phố nào lại có thể thật sự nói ra những phẩm chất và trí tuệ của mình trước khi mình thật sự chứng tỏ nó. Quỳnh không muốn cho phép ai cái quyền phán xét mình trước khi tìm hiểu và làm việc với mình. Đối tác nước ngoài khi gặp Quỳnh thường không nói được Quỳnh là người Việt, người Hàn hay người Nhật hoặc Trung. Điều này làm cho họ muốn tìm hiểu rõ về mình và những giá trị, năng lực bản thân của mình hơn.
Một cái nữa, tri thức là sức mạnh. 7 năm ở đây Quỳnh chưa một lần phải nếm cảm giác bị kỳ thị, đơn giản vì Quỳnh luôn cố gắng “nhập gia tuỳ tục” và học hỏi, tôn trọng nếp sống của người Hàn. Ai hỏi thì Quỳnh luôn nói “Cứ văn minh, thì làm sao ai bắt nạt hay coi thường mình được?” Không chỉ ở Hàn, mà là ở bất cứ quốc gia nào khác cũng vậy thôi. Nếu bạn hiền có tri thức, biết tôn trọng người đối diện và tôn trọng chính bản thân mình, độc lập trong suy nghĩ và tài chính, không làm hành vi tổn hại đến xã hội cũng như môi trường xung quanh thì ai đánh giá bạn hiền được?”
Vì vậy, Quỳnh nghĩ là Quỳnh không-quan-tâm đến cả một đất nước nghĩ gì về đất nước khác, cũng không-quan-tâm ai nghĩ gì về mình. Chỉ cần mình sống đúng, sống lương thiện thì người ta sẽ phải nhìn mình, sống với mình bằng uy tín cái tên của mình, chứ không phải những luồng suy nghĩ vớ vẩn đã bị áp đặt. Quỳnh sẽ không nói sống sao để hình ảnh đất nước đẹp hơn đâu, điều đó to tát lắm. Chỉ cần các bạn hiền sống sao cho cái tên của bạn trở thành thương hiệu là được rồi.
Thân,
Nguồn : Quynhinseoul