Quảng cáo sánh ngang T-90 nhưng vì sao T-64BM Bulat Ukraine bị coi là “nỗi thất vọng lớn”?
Quân đội Ukraine vừa triển khai một số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực T-64BM Bulat tới sát ranh giới vùng Donbass đang bị quân ly khai miền Đông kiểm soát.
Lực lượng tăng thiết giáp Ukraine mặc dù đã được trang bị các xe tăng chiến đấu chủ lực T-84 Oplot tối tân, nhưng do chi phí sản xuất đắt đỏ và thời gian lắp ráp kéo dài cho nên họ vẫn đặt niềm tin vào dòng T-64 hiện đại hóa.
Trong số các phiên bản xe tăng T-64 mà Ukraine triển khai trên chiến trường thì T-64BM Bulat là biến thể cao cấp nhất, có tính năng kỹ chiến thuật nổi trội so với T-64B hay T-64B1M.
T-64BM Bulat có khối lượng 45 tấn, được trang bị vỏ giáp tiên tiến tương đương các loại xe tăng hiện đại, bao gồm giáp phản ứng nổ thế hệ 3 Nozh, hệ thống phòng vệ chủ động Varta, tổ hợp điều khiển hỏa lực 1A45 Irtysh…
Trái tim của xe tăng T-64BM Bulat là động cơ diesel đa nhiên liệu 5TDFM công suất máy 850 mã lực, cho phép chạy với tốc độ tối đa 60 km/h, cự ly hành trình 385 km.
Vũ khí của T-64BM Bulat gồm pháo nòng trơn 125 mm với thiết bị nạp đạn tự động, phóng được tên lửa chống tăng có điều khiển bắn qua nòng pháo Kombat do Ukraine tự sản xuất, đi kèm 1 súng máy phòng không 12,7 mm và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm.
Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Ukroboronprom của Ukraine từng khẳng định các đặc tính kỹ thuật chính của T-64BM Bulat có thể xếp ngang hàng xe tăng T-90S của Nga và gần bằng T-84 Oplot.
Chi phí hiện đại hóa T-64BM Bulat rẻ hơn 4 lần so với sản xuất mới xe tăng T-84 Oplot, do vậy đây từng là hướng đi được Quân đội Ukraine đẩy mạnh, tương tự như cách người Nga đang làm với chiếc T-72B3.
Mặc dù tính năng rất ấn tượng nhưng trong cuộc phỏng vấn của hãng tin “Nhà vận chuyển công nghiệp quân sự”, nguyên Phó Tư lệnh Lục quân phụ trách hậu cần Quân đội Ukraine, ông Yuri Tolochny đã cho biết sự thật khác.
Ông Tolochny cho rằng nhìn chung dự trữ công nghệ vẫn còn cao, nhưng tất cả các thiết bị đã lỗi thời và cạn kiệt tiềm năng hiện đại hoá, một số tùy chọn nâng cấp tỏ ra không hữu dụng trong một cuộc chiến thực sự.
Trường hợp cụ thể chính là xe tăng T-64BM Bulat, vì trọng lượng lớn và động cơ yếu nên nó tỏ ra hoạt động thiếu hiệu quả, một số buộc phải chuyển sang niêm cất và thay thế bằng phiên bản T-64B1M nhẹ nhàng hơn.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là những khó khăn về kinh tế khiến Ukraine không thể triển khai đại trà kế hoạch thay mới các loại động cơ công suất cao hơn cho chiếc chiến xa này.
Nếu muốn xe tăng T-64BM Bulat phát huy hết sức mạnh thì Quân đội Ukraine phải sớm lắp đặt cho nó động cơ diesel 6TD-1 công suất 1.000 mã lực, hoặc 6TD-2 công suất 1.200 mã lực.
Nếu triển khai gói nâng cấp trên thì T-64BM Bulat mới có độ cơ động sánh ngang T-72B3 của Quân đội Nga, còn hiện tại nó vẫn bị coi là một nỗi thất vọng lớn.
Nhưng khi nền kinh tế Ukraine đang từng bước tăng trưởng khá vững chắc với sự hỗ trợ của phương Tây, khả năng cao là gói nâng cấp động cơ cho xe tăng T-64BM Bulat sẽ sớm được triển khai.
Đến khi đó, xe tăng chiến đấu chủ lực T-64BM Bulat sẽ thực sự “lột xác” so với hiện tại để trở thành con “quái vật thép” vô cùng đáng sợ trên chiến trường.
Nguồn: an ninh thủ đô