Những Việt kiều góp phần thay đổi bộ mặt ẩm thực Việt
Những người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài trở về, vừa tìm kiếm cơ hội kinh doanh ẩm thực vừa tìm lại nguồn cội của mình.
Năm lên 6 tuổi, Loc Truong cùng gia đình sang Mỹ định cư. Lớn lên ở San Diego, bang California, Truong chỉ là một cậu bé nhập cư bình thường, chưa bao giờ nghĩ đến việc quay trở về Việt Nam, theo Munchies.
Nhưng một chuyến đi ngắn hồi sinh viên gieo vào tâm trí Truong những ý nghĩ đầu tiên về khả năng trở về. Nhiều năm sau, khi đang làm việc ở ngân hàng Wachovia, Truong quyết định xách vali và đặt vé máy bay một chiều đến TP HCM vào năm 2008. Tận dụng lợi thế của một Việt kiều, thông thạo cả tiếng Việt và tiếng Anh, Truong kiếm ngay được một công việc thu nhập tốt tại một công ty bất động sản ở Việt Nam.
Ngoài công việc, Truong có niềm đam mê khác là ẩm thực. Năm 2011, anh góp sức mở một quán bar đặt trên nóc một tòa nhà cao tầng đầu tiên ở Sài Gòn. “Quán vừa mang tính Việt Nam vừa vận hành theo kiểu phương Tây, cùng với những tay pha chế và âm nhạc đặc Tây như hip-hop hay house”, Truong nói. “Sau đó, nhiều quán bar với mô hình tương tự mở ra, cạnh tranh quyết liệt với nhau và nâng tiêu chuẩn của ngành kinh doanh thức uống, ẩm thực và giải trí ở TP. HCM lên một bậc”.
Quán bar trên nóc một tòa nhà cao tầng chơi nhạc hip-hop và bán những loại cocktail sang chảnh không phải là một khái niệm mới lạ ở các thành phố lớn như New York hay Los Angeles, nhưng mang đến làn gió mới lạ cho tầng lớp trung lưu Sài Gòn ngày càng khấm khá, đồng thời mở đường cho sự ra đời hàng loạt quán bar, nhà hàng đẳng cấp và công ty nấu bia thủ công ở TP HCM.
Năm 2014, chính phủ Việt Nam chính thức coi Việt kiều, những người Việt Nam sinh ra hoặc đang sống ở nước ngoài, là một phần không thể tách rời của đất nước. Năm 2017, Việt Nam miễn thị thực cho những người chứng minh được nguồn gốc Việt Nam của mình. Hiện nay, Việt kiều được ưu đãi thuế, được quyền sở hữu nhà và kinh doanh trong nước, đồng thời họ có thể cùng trở về cùng vợ và con cái. Bên cạnh những kỹ năng và kiến thức tích lũy ở nước ngoài, Việt kiều còn có lợi thế hiểu biết về văn hóa và con người Việt Nam.
Năm 2015, Ngân hàng Thế giới cho biết người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước tổng cộng 13,2 tỷ USD. Ngoài ra, hàng triệu người khác quay về đi du lịch, nghỉ hưu hoặc làm ăn kinh doanh.
Loc Truong tại quán bia thủ công ở TP HCM. Ảnh: Munchies.
“Quan niệm về Việt kiều ở trong nước gần đây đã thay đổi đáng kể”, Peter Cuong Franklin, bếp trưởng của nhà hàng cao cấp ở Sài Gòn, cho biết. “Việt kiều đang đóng góp tuyệt vời vào các lĩnh vực sáng tạo như ẩm thực, nghệ thuật, văn học, âm nhạc và thời trang. Với lối tư duy toàn cầu, họ có thể giúp Việt Nam kết nối với thế giới bên ngoài”.
Franklin lớn lên ở thành phố Đà Lạt, rời Việt Nam tới Mỹ khi lên 12 tuổi và mãi 20 năm sau mới có cơ hội đoàn tụ với mẹ ruột.
Sau khi tốt nghiệp trường ẩm thực và làm bếp trưởng ở New York, London và Hong Kong, Franklin quay trở về Việt Nam lập nghiệp. Anh là một trong số những Việt kiều nổi tiếng trong lĩnh vực ẩm thực bên cạnh đầu bếp truyền hình người Australia Luke Nguyễn và bếp trưởng nhà hàng Việt Nam tại Đan Mạch Anh Le.
Phong cách của Franklin là kết hợp giữa nguyên liệu ẩm thực Việt Nam với phương pháp chế biến phương Tây để sáng tạo các món như bánh xèo Taco kiểu Mexico, phở với nấm thượng hạng truffle, bánh mì kẹp nấm truffle và pate với giá lên tới 100 USD một chiếc.
“Nỗ lực nâng tầm ẩm thực Việt khá thách thức”, Franklin nói. “Nhưng Việt Nam ngày càng hiện đại hóa, ẩm thực cũng phải phát triển và thay đổi để hợp với thời đại mới. Tôi tin rằng Sài Gòn có tiềm năng lớn để viết tên mình lên bản đồ ẩm thực thế giới, không chỉ nổi tiếng với các món ăn đường phố mà còn với ẩm thực sáng tạo. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận được sự ủng hộ của các thực khách người Việt lẫn quốc tế”.
Jap Hoang, người Canada gốc Việt, chủ nhà hàng nổi tiếng ở Quận 1 TP HCM và một cửa hàng nội thất thủ công, nhận xét người Việt trong nước ngày càng quen thuộc và yêu thích các quán cafe theo phong cách nước ngoài.
“Khi mới mở nhà hàng, chúng tôi gặp rất nhiều thách thức, từ việc làm sao để thuyết phục các thực khách Việt Nam bước chân vào một không gian hoàn toàn xa lạ với họ, cho đến giới thiệu với họ về các sản phẩm mà vốn họ chỉ nhìn thấy trên các tạp chí quốc tế”, Hoang trả lời phỏng vấn bằng tiếng Pháp. “Chúng tôi là những người đầu tiên mang cupcake vào Việt Nam”. Cupcake là bánh ngọt nướng trong khuôn nhỏ và trang trí đơn giản bằng kem bơ.
Món ăn nấu bằng nguyên liệu Việt Nam pha trộn cách chế biến kiểu Mexico. Ảnh: Munchies.
Loc Truong cũng đối mặt với khó khăn tương tự khi đầu tư sản xuất bia thủ công. Ban đầu ý tưởng kinh doanh này tưởng chừng không khả thi khi người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen thuộc với thương hiệu bia đóng chai và lon, không dễ mà thuyết phục họ chọn loại bia không tên tuổi. Tuy nhiên, nhờ nhóm khách hàng trẻ, những người luôn háo hức thử những thứ mới, các doanh nghiệp sản xuất bia thủ công dần có chỗ đứng trên thị trường.
“Khi nảy ra kế hoạch giới thiệu dòng bia thủ công ra thị trường, tôi cứ nghĩ khách hàng mục tiêu sẽ là người nước ngoài sống ở Việt Nam”, Truong nhớ lại. “Nhưng chúng tôi đã nhầm. Hiện nay khoảng 80% khách hàng của chúng tôi là người Việt Nam”.
Việt kiều trở về quê nhà không chỉ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mà còn vì không gian tự do sáng tạo và cảm giác thuộc về một nơi chốn mà họ không tìm thấy ở nước ngoài.
Hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, những người trở về không chỉ là những người từng rời bỏ đất nước mà còn có những người trẻ thuộc thế hệ người Việt thứ hai, những người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
“Là một người Mỹ gốc Á, đặc biệt khi mang tên Việt Nam, tôi từng nếm cảm giác bị kỳ thị như người ta phát âm sai tên hoặc mang tên tôi ra làm trò đùa”, theo Hao Tran, biên tập của một tờ báo mạng tiếng Anh có văn phòng ở Sài Gòn, đưa tin về các vấn đề xã hội và văn hóa Việt Nam. “Nhưng khi sống ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ phải đối mặt với vấn đề tương tự. Cuộc sống hàng ngày dễ dàng hơn nhiều, kiểu như bớt đi được một thứ làm mình bận lòng”.
Sau một chuyến công tác đến Việt Nam, Hao Tran, một thanh niên gốc Việt sinh ra và lớn lên ở San Francisco, từ bỏ công việc của một quản lý đầu tư và chuyển đến sống ở Sài Gòn năm 24 tuổi.
Trong quá trình viết bài về ẩm thực của Việt Nam, Tran cho biết anh chứng kiến không ít thất bại lẫn thành công của các doanh nghiệp Việt kiều. Một số người vẫn coi Việt kiều là “những kẻ ngây thơ”, nhưng những doanh nghiệp non trẻ nhiệt huyết vẫn có khả năng bứt phá để dẫn đầu nếu tìm ra được mảng dịch vụ ngách của mình vì các rào cản tiếp cận thị trường vẫn khá thấp.
“Anh có thể nói rằng đây là mảnh đất của cơ hội vì còn nhiều khái niệm và ý tưởng phổ biến ở nước ngoài chưa được hiện thực hóa ở Việt Nam”, Tran giải thích. “Nếu thâm nhập thị trường với một đội ngũ cộng sự, tầm nhìn và kế hoạch, cùng một chút nguồn lực, anh có thể thành công. Doanh nghiệp của anh có khả năng sống sót và lớn mạnh”.
Tam Le (trái) tại nhà hàng pha trộn hương vị Việt Nam và Mexico ở TP HCM. Ảnh: Munchies.
Sinh ra và lớn lên ở Houston, Texas, bang tiếp giáp với Mexico, Tam Le hai năm trước chuyển về sống ở TP HCM và mở một nhà hàng Việt Nam pha trộn hương vị Mexico.
“Chúng tôi hiện nay được lựa chọn quay về để làm điều gì đó, bất cứ điều gì, theo cách của chúng tôi để thúc đẩy sự phát triển của đất nước này”, Le giải thích. “Sau mỗi bữa ăn, tôi quỳ xuống đất trong lòng đầy sự biết ơn vì mảnh đất này cho chúng ta không biết bao nhiêu loại cây gia vị, rau củ và hoa quả tuyệt vời”.
Giống như Le, nhiều người Việt Nam sinh trưởng ở nước ngoài coi ẩm thực là cầu nối giữa họ với quê hương, dù chỉ là trong tâm trí. “Có một từ trong tiếng Tây Ban Nha, querencia, nghĩa là một nơi mà bạn cảm thấy như ở nhà, nơi mà bạn được là chính bạn”, Le nói. “Từ này bắt nguồn từ động từ ‘querer’ nghĩa là khát khao”.
Nhớ lại quyết định định mệnh quay trở về Việt Nam, Le nói thêm: “Tôi trước đó khát khao Sài Gòn biết bao nhiêu. Cảm giác đó sâu đậm đến mức nếu tôi không quay trở về Việt Nam vài tháng một lần, tôi sẽ cảm thấy nhớ nhà vô cùng. Hãy thử tưởng tượng! Anh có cảm giác như vậy với một nơi chưa bao giờ thực sự là nhà của anh. Ở sâu trong lòng tôi, Việt Nam vốn dĩ vẫn luôn là nhà”.
Nguồn: Vnexpress