Ngôi làng Việt bị lãng quên trên đất Pháp
Thời gian tồn tại của ngôi làng nhỏ, nơi những bà vợ Việt và con cái của binh sĩ Pháp thiệt mạng trong cuộc chiến ở Đông Dương sinh sống, đang được tính bằng ngày.
Sau một nửa thế kỷ bị chính phủ Pháp phớt lờ, Trung tâm tiếp nhận người Pháp từ Đông Dương, hay gọi tắt là CAFI, nằm bên dòng sông Lot, giữa Toulouse và Bordeaux,sẽ bị xóa bỏ. Cư dân của ngôi làng này sẽ phải tái định cư.
Ngôi làng này vốn là một nhà máy thuốc nổ và được mở cửa trở lại vào năm 1956 để đón 1.160 người tị nạn từ các quốc gia vốn là thuộc địa của Pháp ở Đông Nam Á trong cuộc chiến Đông Dương.
Trường học, bệnh viện và cả văn phòng quản lý của trại tị nạn này đã bị đóng cửa từ lâu nhưng đây vẫn là nơi sinh sống của 120 gia đình, trong những ngôi nhà tồi tàn. Chỉ còn hai cửa hàng thực phẩm, một đền thờ và một nhà thờ còn hoạt động.
Cư dân của làng là những người lớn lên ở đây, bước ra thế giới rộng hơn, giờ trở lại nơi này sống bằng lương hưu và cả những bà già chưa từng bước chân ra khỏi làng cùng những thành viên của thế hệ thứ ba hoặc thứ tư.
“Cuộc chiến ở Đông Dương không được lòng dân, đến mức chính phủ không muốn đầu tư tiền vào nơi ăn chỗ ở cho chúng tôi”, Francine Gerlach, 60 tuổi, con của một binh sĩ Pháp và một phụ nữ Việt, cho biết. Gerlach chưa từng biết mặt cha và sống ở CAFI cho đến khi mẹ của bà qua đời năm 1972.
Nhiều cư dân của làng còn nhớ ngày họ đặt chân đến trại nị nạn đầy bùn đất này, nơi họ bị cấm nói tiếng Việt và phải ngủ trên những chiếc giường của quân đội. Họ cũng bị cấm sở hữu xe đạp hay ôtô.
Chính quyền thành phố lên kế hoạch xóa bỏ ngôi làng này để xây dựng nhà ở. Việc xây dựng lại sẽ bắt đầu vào tháng 9.
Emile Lejeune, 88 tuổi, con trai của một nhân viên tòa án Pháp và một công chúa Việt Nam, cho biết ông ngạc nhiên trước kế hoạch xóa sổ ngôi làng này. “Nếu họ đưa ra kế hoạch này cách đây 40 năm thì có thể là tốt, chứ giờ mới lo lắng cho chúng tôi thì lỗi thời rồi. Chúng tôi đã ở đây được 50 năm, tại sao giờ lại làm phiền chúng tôi?”.
Raymond Luco, người đến làng sống khi 15 tuổi, cho rằng dự án này của thành phố vừa là quá muộn vừa là quá sớm. “Nó muộn 40 năm hoặc sớm 10 năm bởi các cụ bà vẫn còn sống và sẽ không thể quen được với sự thay đổi này”, ông nói và chỉ về phía một cụ bà đội nón đang bước đi trước ngôi nhà lụp xụp của mình.
Ngọc Sơn (theo AFP)