Phát hiện chồng nói dối, đàn bà khôn làm gì? Chớ im lặng rồi tự chuốc họa sau này!
Chẳng ai nói dối mà không có nguyên do, đàn ông càng không ngoại lệ. Và không phải mọi lời nói dối đều không tốt, có những lời nói dối vô hại, thậm chí để tốt hơn cho đối phương nhưng đa phần những lời nói dối khác lại để che giấu những khuất tất của bản thân.
Và trong trường hợp nếu phát hiện chồng đang nói dối, các chị em sẽ làm gì? Các chị đừng im lặng hoặc cư xử không khôn khéo, kẻo lại âm thầm chuốc họa cho hôn nhân sau này của mình. Là vợ khôn, tinh tế, hãy dùng những cách ứng phó cao tay này để trị chồng kịp thời, sẽ khiến anh ấy vừa sợ vừa nể mà chừa ngay lập tức.
Đừng làm um lên, hãy cẩn trọng quan sát
Nếu nghi ngờ chồng đang có lời nói dối có hại, tức lời nói dối không phải vì muốn tốt cho vợ mà muốn âm thầm che giấu việc làm nào đó của mình thì vợ cũng đừng vội vã làm um lên. Đừng đùng đùng mặt nặng mày nhẹ tra khảo, dò xét chồng. Bởi khi chưa có chứng cứ đàn ông sẽ chắc chắn sẽ tìm đủ lý do để bao biện, nói dối thêm để che giấu. Hơn nữa, lúc này chồng cũng sẽ giật mình với những việc lén lút đang làm mà cảnh giác hơn, mà càng cẩn trọng che giấu vợ hơn. Vợ vì thế mà càng rơi vào nghi ngờ, khổ tâm, mệt mỏi… Tình cảm vợ chồng cũng từ đó mà rạn nứt, khó lòng hàn gắn, để lâu sẽ rất dễ dẫn đến kết cục nghiêm trọng.
Vậy nên, tốt nhất vợ hãy “án binh bất động” quan sát cho kỹ, im lặng tìm hiểu dấu vết, cứ vui vẻ như mọi ngày rồi âm thầm tìm điều tra thật rõ mọi chuyện rồi mới tính toán nên làm gì tiếp theo. Lúc ấy, chồng có mồm năm miệng mười cũng chẳng thể cãi chày cãi cối.
Khi tìm được lý do, hãy tìm cách để chồng tự nhận lỗi
Đàn ông nói dối chắc chắn có lý do, bởi vậy vợ nhất định phải tìm hiểu mọi chuyện cho thật kỹ để tìm ra ngọn nguồn nguyên nhân lời nói dối của chồng. Nếu đó là nguyên nhân xuất phát từ thiện tâm của anh ấy, tức chỉ muốn vợ bớt lo nghĩ, muốn tốt cho vợ, cho con cái, gia đình hoặc một lời nói dối mà vợ có thể chấp nhận được thì lúc ấy vợ có thể im lặng luôn không cần thiết làm rõ mọi chuyện.
Ngược lại, nếu phát hiện đó là một lời nói dối che giấu tội lỗi nào đó của chồng thì vợ nhất định càng phải cẩn trọng hơn. Hãy từ một sự việc đó và liên hệ, xâu chuỗi lại tất cả mọi chuyện từ trước đến nay xem chồng có thực sự đang giấu giếm chuyện tày trời gì không.
Và khi đó, cũng đừng nổi khùng chửi mắng, nặng lời chỉ trích chồng. Đàn ông có tâm lý càng bị vợ cằn nhằn, dạy đời càng sinh ý nghĩ phản kháng. Trước tiên, vợ nên gợi ý và cho chồng cơ hội tự nhận lỗi bằng cách bóng gió một câu chuyện tương tự. Ví dụ vợ có thể kể về một câu chuyện của đồng nghiệp, bạn bè hoặc ai đấy về trường hợp của giống chồng và mong muốn người đàn ông trong câu chuyện nên tự giác nhận sai… Nếu chồng còn yêu vợ, còn cần gia đình, anh ấy chắc chắn sẽ chột dạ, sẽ phần nào hiểu được ý tứ của vợ, biết vợ đang cho mình một cơ hội.
Người vợ khôn nên cho chồng sự tôn trọng nhất định, hãy để anh ấy có cơ hội tự nguyện nhận sai trước hơn là thẳng thừng chỉ trích anh ấy. Hành động tinh tế này không chỉ thể hiện sự bao dung của vợ và còn chính là cách hàn gắn tình cảm, khiến chồng yêu, nể và trân trọng vợ hơn.
Nếu chồng cố chấp không lên tiếng, hãy có cuộc nói chuyện thẳng thắn
Khi đã trao cho chồng cơ hội nhưng anh ấy hoặc là chưa hiểu ý, hoặc là cố chấp không chịu nhận, phụ nữ hãy thẳng thắn cùng anh ấy trò truyện nghiêm túc một lần. Nếu im lặng, lời nói dối đó mãi mãi trở thành một sợi dây vô hình ngăn cách tình cảm vợ chồng, đồng thời cũng có thể trở thành cội nguồn cho sự đổ vỡ sau này.
Dù kết quả nhận được là gì thì cũng không thể im lặng bỏ qua, bởi hôn nhân quá nhiều lời nói dối, thậm chí là người kia đã biết rõ rành rành thì vốn không thể bền lâu, hạnh phúc nữa rồi.
Và vợ nên nhớ, ai cũng sẽ có những lần nói dối trong đời, nếu thấy có thể chấp nhận, có thể thay đổi, thì hãy cho chồng cơ hội sửa sai. Đừng vì những điều không đáng mà phá nát hôn nhân của hai vợ chồng.
oxii.vn