Những phong tục “siêu lạ” chỉ có người Hàn Quốc mới hiểu
Mặc dù đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia phát triển trên thế giới nhưng xứ sở kim chi ngày nay vẫn duy trì nhiều phong tục truyền thống kì lạ mà mỗi một phong tục đó đều chứa đựng tầng ý nghĩa sâu xa.
Bắt hạt dẻ trong ngày cưới
Mặc dù phần lớn người Hàn Quốc ngày nay thường lựa chọn tổ chức đám cưới theo phong cách phương Tây hiện đại, vẫn còn rất nhiều cặp đôi muốn kết hợp phong tục truyền thống vào dịp lễ trọng đại này. Một trong những phong tục này là pyebaek với sự tham dự của các thành viên gia đình ngay sau tiệc cưới.
Tại nghi lễ, cô dâu và chú rể, trong bộ trang phục truyền thống, sẽ cúi lạy cha mẹ hai bên. Sau đó các thành viên trong gia đình ném hạt dẻ vào người cô dâu mới và cô gái phải cố gắng dùng hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) của mình để bắt được chúng. Số lượng hạt dẻ cô dâu bắt được được tin rằng tương ứng với số con cái mà cặp đôi sẽ có sau này. Tiếp theo đó, chú rể cõng cô dâu trên lưng và đi quanh bàn lễ nhằm chứng minh khả năng hỗ trợ của anh đối với vợ trong tương lai. Phong tục này bắt nguồn từ truyền thống cổ xưa khi chú rể phải cõng cô dâu mới về đến nhà mình. Đôi khi, ngoài vợ, con rể còn được yêu cầu cõng cả mẹ vợ và bà vợ.
Tự tay chọn lựa vận mệnh
Sinh nhật một tuổi của các em bé tại Hàn Quốc được tổ chức một cách long trọng. Đây được xem là một cột mốc quan trọng trong đời người bởi thời xa xưa bệnh dịch và nghèo đói đã cướp đi sinh mạng của vô số trẻ sơ sinh khi các em còn chưa tròn một tuổi.
Em bé Hàn Quốc sẽ lựa chọn nhiều đồ vật trong sinh nhật một tuổi.
Điểm nổi bật của những buổi sinh nhật này là nghi lễ dự đoán tương lai, hay còn gọi là doljabi. Em bé được đặt trước rất nhiều đồ vật như sách, bút vẽ hay lợn ống. Người lớn trong nhà khuyến khích đứa trẻ chọn lấy một vật trên bàn và đồ vật này, được tin rằng sẽ dự báo tương lai của em. Nếu em bé chọn một cuốn sách có nghĩa là cô bé hay cậu bé ấy lớn lên sẽ rất thông minh, trong khi tiền lại miêu tả về sự giàu có của đứa nhỏ. Một chiếc micrô có thể chỉ ra sự thành công trong nghệ thuật biểu diễn sau này còn ống nghe dự đoán tương lai đứa trẻ sẽ trở thành bác sĩ.
Cùng với sự thay đổi của thời gian, ngày nay các loại đồ vật để em bé lựa chọn ngày càng trở nên đa dạng hơn, nhằm bắt kịp với những thay đổi trong nhận thức về sự thành công của xã hội.
Món kẹo “nhớ bài”
Suneung, kỳ thi tuyển sinh vào đại học chung, là một trong những nhiệm vụ căng thẳng nhất trong cuộc đời một công dân Hàn Quốc.
Kỳ thi này sẽ quyết định thứ bậc ngôi trường bạn có thể theo học từ đó ảnh hưởng tới công việc và triển vọng hôn nhân sau này. Suneung quan trọng tới mức trong suốt thời gian thi các chuyến bay bị hạn chế và giao thông trên đường bộ được định tuyến lại để tránh gây phiền nhiễu đến kỳ thi.
Kẹo giúp học sinh Hàn Quốc nhớ bài.
Trước kỳ thi, gia đình và bạn bè thường chuẩn bị một số món quà may mắn tặng cho sĩ tử nhằm khích lệ tinh thần họ. Một trong những món quà này là yeot, một loại kẹo truyền thống của Hàn. Người Hàn tin rằng, nhờ độ dính của kẹo, yeot sẽ giúp các thí sinh nhớ bài kĩ hơn. Ngược lại, canh rong biển bị khuyến cáo không nên ăn trong thời gian này bởi nó sẽ cuốn trôi mọi kiến thức.
Lễ Tình nhân đặc biệt
Không giống nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong ngày lễ tình yêu Valentine tại Hàn, chỉ có nữ giới tặng chocolate cho nam giới. Đặc biệt hơn, phụ nữ Hàn tin rằng lòng thành dành cho người thương đặc biệt sẽ không được thể hiện trọn vẹn nếu món quà không phải do chính tay họ làm. Kết quả là, khắp Đại Hàn dân quốc các cô gái trở nên chuyên nghiệp trong việc nhào bột, đổ khuôn, biến chocolate thành những nhân vật hoạt hình dễ thương và mang theo thông điệp riêng của cô gái gửi tới người yêu.
Hàn Quốc có cách đón lễ tình nhân đặc biệt.
Để đáp lại tấm thịnh tình này, các chàng trai sẽ tặng quà cho bạn gái đúng một tháng sau ngày 14/2. Ngày này được gọi là Lễ Tình nhân Trắng (14/3) và người đàn ông thường chọn kẹo hay đồ lót để tặng cho nữ giới.
Riêng đối với hội độc thân, những người không nhận được quà vào cả ngày Valentine lẫn ngày Tình nhân Trắng, họ sẽ tập hợp lại vào Ngày Đen tối (14/4) để trút bỏ hết mọi muộn phiền vào bát mì tương đen được nấu theo kiểu Tàu, gọi là jjajyangmyeon. Sau tất cả, chẳng có gì làm bạn thoải mái hơn ngoài đồ ăn.
Bát canh “cộng tuổi”
Người Hàn có hai ngày sinh nhật: ngày sinh theo dương lịch và ngày sinh được tổ chức vào Tết Âm lịch (Seollal) hằng năm. Do xã hội Hàn Quốc coi trọng tính tập thể, cộng đồng nên dịp lễ sinh nhật thứ hai dường như quan trọng hơn ngày lễ đầu.
Bát canh truyền thống mà nhiều người Hàn ăn trong ngày sinh nhật.
Ngày lễ sinh nhật này được gọi là eumnyeok saeng-il, diễn ra đúng vào dịp Seollal khi tất cả các thành viên trong gia đình cùng già thêm một tuổi ở cùng thời điểm.
Người Hàn sẽ bắt đầu một buổi sáng Seollal bằng món canh bánh gạo tteokguk. Theo truyền thống, bánh gạo trắng tượng trưng cho sự tinh khiết và phong tục này được tin là sẽ mang lại may mắn cho cả một năm sắp tới. Truyền thống trên phổ biến tới mức khi người Hàn nói: “Bạn đã ăn bao nhiêu bát canh tteokguk rồi?” nghĩa là họ đang muốn hỏi số tuổi của bạn. Ngay cả hiện tại, một người Hàn được xem là chưa lớn thêm một tuổi nếu anh ta hay cô ta chưa ăn canh tteokguk vào ngày tết âm lịch.
Theo: Infonet