Du khách phấn khích với thể thao mạo hiểm dù lượn trên núi lửa Chư Đăng Ya ở Gia Lai
Du khách phấn khích với thể thao mạo hiểm dù lượn trên núi lửa Chư Đăng Ya
Là ngọn núi dốc đến 70 độ và cao 100 m, núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah, Gia Lai) được đánh giá khá thích hợp với môn thể thao dù lượn. Lần đầu tiên có mặt tại Gia Lai, môn thể thao mạo hiểm này đã hấp dẫn hàng nghìn du khách khi đến với Lễ hội hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đăng Ya.
Theo đó, trong suốt hai ngày diễn ra Lễ hội hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đăng Ya 2018, hàng nghìn du khách đã được tận mắt chiêm ngưỡng từng chiếc dù lượn vi vu trên núi lửa Chư Đăng Ya. Cụ thể, hơn 52 phi công đến từ CLB dù lượn Sài Gòn và một số phi công của Đà Nẵng, Hà Nội đã thay nhau bay lượn trên trên ngọn núi Lửa Chư Đăng Ya huyền thoại.
Hoạt động bay dù lượn từ trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya là một trong những hoạt động mới mẻ và thu hút du khách trong Lễ hội hoa dã quỳ năm nay.
Trao đổi với PV, anh Trần Trọng Hiếu – Thành viên Ban huấn luyện CLB dù lượn Sài Gòn cho biết: “Môn thể thao dù lượn được xếp vào những một môn thể thao nguy hiểm nên yêu cầu mỗi phi công phải được tập huấn, đào tạo trong một thời gian dài. Cùng với đó là những yêu cầu kỷ luật và sự tính toán cụ thể về địa hình, địa lý trước khi cất cánh. Trước đó, năm 2017 đoàn đã về khảo sát và bay thử. Đến năm nay, đoàn quyết định tổ chức hoạt động bay dù lượn trên ngọn núi lửa Chư Đăng Ya để phục vụ du khách đến thăm quan lễ hội”.
Những pha dù lượn trên không khá đẹp mắt của các phi công
Cũng theo anh Hiếu, núi lửa Chư Đăng Ya là một địa hình lý tưởng, dốc 70 độ và cao 100m giúp cho các phi công có thể cất cánh nhanh, xung quanh trống không vật cản cùng tốc độ gió từ 3- 5m, giúp cho các phi công có thể bay lượn trên không lâu thêm được vài phút trước khi tiếp đất. Đặc biệt, núi Chư Đăng Ya là một địa điểm khá tiềm năng đối với môn thể thao này khi có thể cất cánh được 3 hướng là, Đông, Đông Bắc, Nam, thậm chí cả hướng Bắc đối với những phi công điêu luyện và có kỹ thuật tốt.
Những phi công sẽ hạ cánh ngay dưới chân núi lửa sau khi cất cánh từ đỉnh núi.
“Để có thể bay lượn thuần thục trên không các phi công phải tập luyện hàng năm với những huấn luyện viên chuyên nghiệp. Một bộ dù và một số đồ bảo hộ có chi phí từ 50-60 triệu đồng”, anh Hiếu cho biết thêm.
Nhiều du khách khá ấn tượng với bộ môn dù lượn trong khuôn khổ Lễ hội hoa dã quỳ năm nay
Những màn biểu diễn duy trì dù trên không khá đẹp mắt của các phi công
Vừa thực hiện màn cất cánh khá đẹp mắt khi có thể bay lượn trên không khá lâu trước khi hạ cánh, phi công Phạm Ngọc Thịnh (CLB dù lượn Sài Gòn) chia sẻ: “Sau khi bay lượn trên núi lửa Chư Đăng Ya và được tận hưởng không gian thiên nhiên yên tĩnh cùng với màu sắc rực vàng của hoa dã quỳ tôi khá thích thú với địa điểm này. Đây là một địa điểm bay lý tưởng bởi sức gió và độ cao dốc giúp cho các phi công không mất nhiều thời gian trong việc cất cánh”.
Đây là môn thể thao khá mạo hiểm, yêu cầu phi công phải tập luyện hàng ngày và bộ đồ bảo hộ chắc chắn.
Đến với Lễ hội hoa dã quỳ, chị Nguyễn Thi Hoa (30 tuổi, ở Đắk Lắk) đã lên đỉnh núi Chư Đăng Ya để tận mắt chứng kiến các phi công bay lượn. Khá hào hứng về hoạt động này, chị Hoa cho hay: “Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những phi công bay lượn trên bầu trời. Nhiều phi công đã thực hiện những pha cất cánh, bay lượn và hạ cánh rất đẹp mắt. Tôi rất hài lòng khi đến với Lễ hội hoa dã quỳ năm nay, hy vọng các năm sau sẽ tiếp tục thành công như vậy…”.
Một phi công đã hạ cánh an toàn và thu dù trở về vị trí.
Theo Danviet.vn