Khi fandom Kpop quyền lực đến nỗi… công ty chủ quản cũng phải nể mặt
Sở hữu lực lượng đông đảo, giàu có và sẵn sàng làm mọi thứ vì thần tượng, đây chính là những fandom quyền lực nhất Kpop.
Văn hóa fandom từ lâu đã trở thành biểu tượng của nền âm nhạc Kpop. Không chỉ lực lượng đông đảo với sự góp mặt của hàng ngàn người hâm mộ trên khắp thế giới, luôn theo sát, ủng hộ các sản phẩm âm nhạc của thần tượng, các fandom Kpop còn sở hữu trong tay nhiều quyền năng mà không ai có thể ngờ tới. Trong số đó phải kể đến EXO-L, E.L.F, ARMY hay Cassiopeia bởi độ giàu có, chịu chi và sức ảnh hưởng của họ.
E.L.F – Fandom nhiều lần khiến SM phải run sợ
Là một những nhóm nhạc thành công và đi đầu ở thế hệ 3, Super Junior có một fandom vô cùng trung thành là E.L.F. Đây cũng được cho là một trong những fandom quyền lực nhất Kpop bởi chỉ cần đụng đến thần tượng của họ thôi là y như rằng sẽ phải trả một cái giá khá đắt theo đúng nghĩa đen. Vào thời kỳ đỉnh cao của Super Junior, fandom này đã bỏ ra một số tiền khủng để nắm trong tay số cổ phần SM đủ lớn để họ có thể đứng lên bảo vệ thần tượng mình bất cứ lúc nào.
Minh chứng là mới đây nhất, khi fandom của Red Velvet cáo buộc trưởng nhóm Leeteuk tội danh quấy rối tình dục Irene. Ngay sau đó, các E.L.F đã dùng quyền lực cổ đông của mình để yêu cầu SM không cho Super Junior và Red Velvet có bất cứ hoạt động liên quan đến nhau trong tương lai, đồng thời tạo sức ép để các Reveluv phải công khai xin lỗi thành viên Super Junior. Sự việc này đã khiến cộng đồng fan Kpop náo loạn không ít, SM cũng vì đó mà cổ phiếu liên tục bị sụt giảm, thậm chí trong một ngày giảm đến 6%. Sự việc diễn ra ngày càng gay gắt không suốt một tuần liền và phải cho đến khi, các E.L.F có phần nguôi giận thì mọi việc mới dần lắng xuống. Cũng chính nhờ quyền lực này của các E.L.F mà Super Junior đã sống yên ổn hơn ở SM suốt 10 năm qua.
EXO-L – Fandom chịu chi bậc nhất Kpop
Bên cạnh các sản phẩm âm nhạc, thật không thể chối cãi rằng fandom chính là một trong những nhân tố quyết định thành công của một nhóm nhạc. Nếu không tin thì hãy nhìn vào fandom của EXO sẽ rõ. Từng gây sốc với phát ngôn: “Nếu EXO không thể đi trên con đường hoa thị EXO-L sẽ rải đô la cho các anh đi” nhưng đây lại chính là điều thực tế mà các EXO-L đang làm cho EXO. Điểm đặc biệt của fandom này là họ có nhiều “bar chị đại” đến từ đại lục như EXO Baidu Bar, Xiumin Bar,…. với số lượng thành viên khủng, sẵn sàng chi tiền để ủng hộ thần tượng mỗi dịp comeback hay các ngày lễ đặc biệt. Mới đây nhất là khi EXO phát hành album Don’t Mess Up With My Tempo, một bar đại tỷ đã chi gần 34 tỷ đồng để mua 300,000 album giúp doanh số bán đĩa của nhóm phá kỷ lục Kpop. Dù vậy đây không phải là bar giàu có duy nhất của EXO. Chính vì độ chịu chơi của các EXO-L mà EXO luôn là một trong những nhóm Kpop đi đầu về doanh thu album.
Không chỉ vậy, chắc mọi người còn nhớ về project khiến các fandom Kpop khác phải ghen tỵ đó là EXO-L đã đưa hình ảnh của EXO trình chiếu trên Burj Khalifa – toà nhà cao nhất thế giới (nơi mà thành viên trong hoàng gia Ả Rập hoặc quốc kỳ mới được trình chiếu) hay việc hình ảnh của EXO trên màn hình tại quảng trường Thời Đại diễn ra thường xuyên như cơm bữa.
Nếu các fandom khác chỉ dừng lại ở việc chạy trang trí xe buýt để mừng sinh nhật thần tượng thì các EXO-L sẵn sàng chi đến 44,5 triệu won để trang trí nguyên một con tàu chạy suốt cả tháng. Đó là chưa kể đến những món quà giá trị được đặt trước cửa SM mỗi khi sinh nhật thành viên nào đó như: smartphone, đồng hồ, quần áo, giày dép của những thương hiệu đắt tiền,…. thậm chí là đồ trang sức bằng kim cương đều có đủ. Nếu nói về độ giàu có của EXO-L chắc không fandom nào dám vượt mặt.
ARMY – Fandom đông đảo và cuồng nhiệt nhất Kpop
Nếu nói về fandom đông đảo nhất Kpop hiện nay thì tất nhiên phải nói về fan hâm mộ của BTS rồi. Không chỉ đông mà ARMY còn giàu có không thua kém gì các EXO-L đâu nhé. Trước tiên phải kể đến việc tiêu thụ album, cộng đồng fan BTS đã giúp 7 chàng trai nhà Big Hit phá vỡ kỷ lục Kpop 16 năm, trở thành nhóm nhạc có doanh số album đặt trước cao nhất lịch sử với hơn 1,4 triệu bản.
Không chỉ album, vé concert của BTS cũng bán rất chạy và vô cùng khó kiếm. Vào đầu năm ngoài, khi tour diễn vòng quanh thế giới mang tên Wings Tour dừng chân ở Chile, các ARMY đã gây ra cảnh tượng không tưởng đối với nhà đài nước này khi fan từ khắp nơi bao gồm cả những nước lân cận như Bolivia, Peru hay Argentina cũng tới đây để săn vé. Được biết, số vé concert được bán ra là 16.000 vé và chúng đã được tiêu thụ chỉ trong vòng 41 phút, phá vỡ kỉ lục của ngôi sao quốc tế là Madonna với 52 phút. Rất nhiều người hâm mộ chen lấn xếp hàng từ trước đều không thể mua được vé và Big Hit vì thế đã mở thêm một buổi biểu diễn nữa, đáp ứng nhu cầu cho các ARMY.
Bên cạnh việc tiêu thụ vé concert, album như “gió bão” thì ARMY cũng thường xuyên tặng quà thần tượng vào mỗi dịp sinh nhật và ngày kỷ niệm của nhóm. Lượng quà quá lớn khiến nhiều fan Kpop phải ngỡ ngàng khi nhìn núi quà toàn những thứ đắt tiền mà BTS nhận được. Cộng đồng ARMY cũng từng lan truyền việc một fansite có ý định tặng bộ quần áo phản lực trị giá 10 tỷ cho JungKook để làm trò tiêu khiển nhưng vì Big Hit tuyên bố ngưng nhận quà từ người hâm mộ khiến kế hoạch bị tạm ngưng.
Quyền lực của ARMY còn thể hiện bình chọn cho thần tượng ở các hạng mục giải thưởng. Cũng chính vì sự đông đảo và nhiệt tình đó mà BTS luôn là một trong những đối thủ đáng gờm của Kpop mỗi lần có một lễ trao giải nào diễn ra.
Cassiopeia – Fandom huyền thoại Kpop
Nói về Cassiopeia (fandom DBSK), người ta nghĩ ngay đến một cộng đồng người hâm mộ “khổng lồ”, lớn mạnh bậc nhất Kpop. Năm 2008, thành viên của Cassiopeia đạt 800 ngàn người trên khắp thế giới, xác lập kỉ lục Guiness. Đặc biệt, họ đều là những người hâm mộ vô cùng trung thành, chịu chi, luôn theo sát DBSK trong mọi hoạt động.
Thời kì hoàng kim của DBSK, bất cứ sự kiện nào có nhóm tham gia, người ta lại thấy một lực lượng “màu đỏ” trải dài, đông đảo. Dù concert lớn hay nhỏ, Cassiopeia đều lấp kín sân vận động hay những rạp chiếu dành cho người hâm mộ không mua được vé. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, concert của DBSK luôn là chương trình có tỷ lệ săn vé khắc nghiệt, thậm chí người hâm mộ sẵn sàng chi cả 200 triệu chỉ để mua được một vé chợ đen. Với 3 tour châu Á, 2 tour thế giới và 6 tour vòng quanh Nhật Bản, DBSK cũng là nhóm nhạc có số lượng khán giả đến xem concert đông kỷ lục. Đặc biệt là concert tại Nissan, Nhật Bản mới đây, chỉ với 3 đêm diễn, DBSK đã thu về 56,1 tỷ won (tương đương hơn 1000 tỷ VNĐ). Nhóm còn được chuyên gia nhận định là nhân tố thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc mỗi khi có hoạt động.
Độ chịu chi và cuồng nhiệt của Cassiopeia còn thể hiện ở mức độ tiêu thụ album lớn. Theo thống kê, tính đến năm hoạt động thứ 10, DBSK đã bán ra hơn 11 triệu album, trở thành nhóm nhạc bán đĩa kinh khủng nhất mọi thời đại Kpop. Nhờ đó mà nhóm này thành công về mặt thương mại, phát triển SM trở thành một trong những công ty giải trí có doanh thu hàng đầu.
Không chỉ chịu chi, Cassiopeia còn là fandom chịu chơi, từng khiến SM phải khiếp sợ không ít. Điển hình là vào năm 2004, khi Jaejoong dính vào rắc rối suýt bị SM đuổi khỏi công ty thì ngay lập tức các Cassiopeia đã dùng quyền lực của mình để bảo vệ thần tượng. Họ đã diễu hành nhiều ngày trước cổng công ty với những khẩu hiệu tố cáo chủ tịch Lee Soo Man. Cuối cùng SM cũng phải “chịu thua” và bãi bỏ quyết định khai trừ Jaejoong. Tháng 8 năm 2009, trước những hành động quá đáng của SM với 3 thành viên Jaejoong, Yoochun và Junsu, fansite lớn nhất của TVXQ tại Hàn đã gửi đến toà án hơn 120.000 chữ kí ủng hộ 3 thành viên, đồng thời đâm đơn kiện SM vì họ đã hoãn sự kiện SM Town Live 09 mà không thèm suy xét ý kiến của fan – người đã mua vé.