Giới trẻ Hàn Quốc vỡ giấc mộng đổi đời bằng tiền ảo
Một bộ phận thế hệ trẻ Hàn Quốc, vốn bế tắc với triển vọng nghề nghiệp, đã lao vào đầu tư tiền ảo với ước mơ đổi đời nhưng rốt cục họ càng mất mát lớn hơn, theo tờ The New York Times.
Lối thoát cho tương lai bế tắc?
Kim Ki-won, 27 tuổi ở Seoul, vẫn đang sống chung với cha mẹ và anh giấu họ một bí mật. Anh đã mua bán một số lượng lớn tiền ảo, đã từng kiếm được những khoản lợi nhuận khá nhờ tiền ảo và thoải mái chi tiêu 1.000 đô la mỗi tháng. Vì thế, anh bỏ công việc đang làm, vay mượn thêm để đầu tư tiền ảo với hy vọng sẽ kiếm được tiền mua một căn nhà.
Giờ đây, anh cảm thấy suy sụp vì mất rất nhiều tiền, có lẽ là vài chục ngàn đô la khi bong bóng tiền ảo xì hơi.
“Tôi không cho rằng sẽ là điều công bằng nếu mọi người xem đó là đánh bạc nhưng có những yếu tố đỏ đen ở trong đó”, Kim Ki-won nói về cơn ám ảnh đầu tư tiền ảo của anh.
Một thế hệ trẻ Hàn Quốc, những người giống như Kim Ki-won, đang tìm lối thoát ra khỏi tương lai bế tắc, đã biến nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trở thành thủ đô của thế giới tiền ảo. Giờ thì thị trường tiền ảo đã sụp đổ gần như hoàn toàn và nhiều nhà đầu tư tiền ảo đang ngập trong nợ nần và thua lỗ. Tuy vậy, nhiều thanh niên Hàn Quốc vẫn tiếp tục xem tiền ảo như là lối thoát để giúp họ đổi đời.
Hàn Quốc vẫn là thị trường tiền ảo lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Hàn Quốc. Tổng cộng 6,8 tỉ đô la trị giá của các đồng tiền ảo được trao tay trong tháng 1-2019 ở Hàn Quốc, theo công ty dữ liệu Messari. Hàn Quốc là trung tâm giao dịch lớn của đồng tiền ảo Bitcoin cũng như hàng loạt các đồng tiền ảo khác.
Tiền ảo đã trở thành một hiện tượng văn hóa ở xứ sở kim chi. Các quán cà phê ấn hành các đồng tiền ảo của riêng họ. Một mạng lưới truyền hình quốc gia dàn dựng một game show có tên gọi “Block Battle”, trong đó, những người tham gia chơi phải tranh đấu để xây dựng một công ty dựa vào công nghệ blockchain (chuỗi khối).
Những người trẻ như Kim Ki-won là những người đốt nóng thị trường tiền ảo Hàn Quốc. Những người này xem họ là tầng lớp xuất thân từ địa vị kinh tế và xã hội thấp kém. Vì vậy, đối với họ, tiền ảo dường như là cách để phá vỡ trật tự xã hội.
“Không có cơ hội thực sự cho những người trẻ xuất thân bình thường ở Hàn Quốc”, Kim Han-gyeol, 23 tuổi, người vừa tốt nghiệp một trường dạy nghề và là nhân viên phát triển phần mềm làm việc bán thời gian cho một công ty sách điện tử, nói.
Cô đang sống với cha mẹ và học tiếng Anh trực tuyến vào buổi tối. Ban đầu, cô kiếm được rất nhiều tiền nhờ đầu tư vào tiền ảo. Cô đã sử dụng vài ngàn đô la để mua áo quần hàng hiệu cho bản thân và mẹ cô. Cô đã mơ tưởng về việc mở một quán cà phê nhờ các khoản lợi nhuận kiếm được từ đầu tư tiền ảo. Thế rồi, cô mất sạch gần như toàn bộ lợi nhuận tích cóp bấy lâu nay khi thị trường tiền ảo chuyển biến xấu.
Tậu Rolls-Royce nhờ tiền ảo
Nhờ các khoản lãi lớn từ tiền ảo, Remy Kim tậu được chiếc Rolls-Royce giá nửa triệu đô. Ảnh: NY Times
Đối với giới trẻ Hàn Quốc, để thành công trong cuộc sống, họ cần có một công việc trong bộ máy chính quyền hoặc việc làm ở một trong số ít những công ty quyền lực thuộc sở hữu gia đình ở Hàn Quốc vốn đang kiểm soát hầu hết những sản phẩm mà người dân mua sắm. Điều này đòi hỏi họ phải tốt nghiệp một trong những số ít trường đại học danh giá.
Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Hàn Quốc hiện nay là 10,5% và con số này không biến động nhiều trong suốt 5 năm qua.
Người trẻ Hàn Quốc được gọi là “thế hệ sampo”, một thuật ngữ mới ám chỉ đến ba thứ mà họ đang từ bỏ trong cuộc sống, đó là: yêu đương, kết hôn và sinh con.
Nỗi thất vọng của họ càng chồng chất khi chứng kiến hàng loạt vụ bê bối chính trị, bao gồm vụ bê bối khiến Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội, phế truất chức vụ và ngồi tù.
Sự xuất hiện của tiền ảo đã làm bùng lên các cuộc thảo luận trên mạng, tại các cuộc gặp gỡ cuối tuần hay ở các nhóm học giả ở Hàn Quốc xoay quanh chủ đề: Liệu hệ thống tiền ảo mới này có thể lật đổ trật tự xã hội cố hữu của Hàn Quốc?
Mua tiền ảo dễ dàng hơn nhiều so với mua cổ phiếu hay vay tiền để khởi nghiệp. Kim Ki-won chỉ cần đầu tư một số tiền nhỏ trong những ngày đầu gia nhập thị trường tiền ảo. “Đó là một cơ hội để tôi kiếm được số tiền lớn”, anh nói.
Đối với Remy Kim, 29 tuổi, người điều hành một số kênh trao đổi thông tin về tiền ảo trên mạng xã hội Telegram, tiền ảo chẳng khác nào một cuộc cách mạng.
Remy Kim, có nickname trên mạng là Les Mis, viết tắt của Les Misérables (những người khốn khổ), tên một cuốn tiểu thuyết của văn hào người Pháp Victor Hugo viết về cuộc nổi dậy của những người nghèo trong xã hội Pháp vào đầu thế kỷ 19. Remy Kim cũng viết một tiểu thuyết có tên gọi Cryptopia, nói về một tương lai khi mà mọi người đều bình đẳng và các kết cấu xã hội do đồng tiền tạo ra không còn tồn tại.
“Tiền ảo góp vai trò chuyển sự thịnh vượng từ một nhóm người trong xã hội sang một nhóm người khác. Nó tác động đến xã hội Hàn Quốc rất mạnh mẽ”, Remy Kim nói.
Kim biết đến tiền ảo sau khi máy tính của anh bị một tin tặc xâm nhập và đòi tiền chuộc bằng Bitcoin. Cuối cùng, anh phải trả cho tên tin tặc 1,2 Bitcoin, tương đương khoảng 800 đô la vào thời điểm đó.
Chẳng bao lâu sau đó, Kim bắt đầu đầu tư vào tiền ảo và kiếm lời đậm khi giá mỗi đồng Bitcoin tăng lên mức hơn 19.000 đô la. Anh đã dùng số tiền lãi đó để tậu chiếc Rolls-Royce màu xanh navy trị giá nửa triệu đô la. Kim tự hào khoe: “Tôi là người trẻ nhất ở Hàn Quốc sở hữu Rolls-Royce”.
Dù đã mất sạch gần hết số tiền lãi kiếm được nhờ buôn bán tiền ảo nhưng Kim không quá buồn phiền vì dù sao anh vẫn còn chiếc Rolls-Royce.
Vẫn bám víu giấc mơ
Năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc cân nhắc đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo vì lo ngại chúng đang ngày càng giống những sòng bạc. Tin tức này lập tức gây ra những âu lo cho giới đầu tư và làm dấy lên làn sóng phản đối. Cuối cùng, chính phủ chỉ cấm các nhà đầu tư tiền ảo mở các tài khoản tiền ảo nặc danh có liên kết với các tài khoản ngân hàng để ngăn chặn nạn rửa tiền.
Giờ đây, khi thị trường tiền ảo sụp đổ, nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi ở Hàn Quốc đã mất sạch các khoản lợi nhuận kiếm được trước đó, thậm chí còn thua lỗ. Từ đỉnh cao trên 19.000 đô la vào cuối năm 2017, giá của mỗi Bitcoin đã tụt thê thảm và hiện nay đang ở dưới mức dưới 4.000 đô la. Song những nhà đầu tư trẻ tuổi ở Hàn Quốc vẫn hy vọng thị trường tiền ảo sẽ đảo chiều.
Kim Ki-won cho biết anh sẽ sớm nói rõ cho cha mẹ về các vấn đề của mình nhưng trước hết, anh muốn kiếm đủ tiền để thành lập công ty. Anh tin chắc thị trường sẽ đảo chiều. “Tôi chẳng có gì để mất. Tôi luôn muốn trở nên giàu có”, anh nói.
Trong khi đó, nhà đầu tư tiền ảo Kim Han-gyeol nói: “Tôi cảm thấy xấu hổ khi thua lỗ trong các khoản đầu tư vào Bitcoin, không chỉ một lần mà hai lần chỉ vì lòng tham muốn giàu có nhanh chóng”. Dù vậy, cô cho biết sẽ vẫn đầu tư vào tiền ảo.
“Không có kênh đầu tư nào khác có thể giúp tôi lấy lại được khoản tiền thua lỗ”, cô khẳng định.
Theo: thesaigontimes.vn