4 ngày làm việc một tuần, xu hướng mới của xã hội Nhật Bản?
Vốn đã quen thuộc với hình ảnh nhân viên ở lại làm thêm giờ đều đặn mỗi ngày, các công ty Nhật Bản bắt đầu hướng đến một cuộc thay đổi mang tính lịch sử, với việc giảm giờ làm việc xuống và chỉ còn 4 ngày làm việc trên một tuần.
Tính đến năm 2018, theo khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản, 6,9% các công ty tư nhân có từ 30 nhân viên toàn thời gian trở lên đã áp dụng hệ thống làm việc mới này dưới một số hình thức khác nhau. Một thập kỷ trước, con số này chỉ là 3,1%. Vậy nên, dù chỉ là thiểu số và ít được biết đến, con số này vẫn đang tăng lên theo hướng tích cực.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay tại Davos (Thụy Sĩ), một tuần làm việc kéo dài bốn ngày đã trở thành một chủ đề thảo luận và đã nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia. “Nếu các doanh nghiệp quyết định giảm giờ làm việc cho nhân viên xuống, mọi người có thể tập trung một cách hiệu quả hơn, sản phẩm tạo ra cũng sẽ tương tự như với mức thời gian làm việc cũ, nhưng lại có được chất lượng và sự sáng tạo cao hơn, và thường các nhân viên cũng trung thành hơn với các công ty sẵn sàng cho họ sự linh hoạt trong giờ giấc để quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống thường nhật của họ” Adam Grant, giáo sư tại Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, một trong những người ủng hộ sáng kiến này, chia sẻ.
Tại Nhật Bản, chính phủ đang kêu gọi các công ty thay đổi cách làm việc, theo xu hướng toàn cầu này. Cụ thể, thủ tướng Shinzo Abe đã ưu tiên cải cách phong cách làm việc, với hi vọng có thể giúp các nhân viên linh hoạt hơn trong giờ giấc làm việc cũng như có thể dành thời gian chăm sóc và điều trị cho chính mình, trong khi dân số và lực lượng lao động của đất nước đang ngày một thu hẹp lại.
Làm cách nào để thay đổi hệ thống làm việc?
Vậy thì, làm thế nào để các công ty Nhật Bản có thể điều chỉnh thời gian làm việc chỉ còn lại 4 ngày/tuần mà vẫn không thay đổi số lượng công việc và kết quả mong muốn đạt được?
Thông thường, hiện tại, giới hạn thời gian làm việc của mỗi lao động là 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ cho mỗi tuần. Nếu như áp dụng hình thức 4 ngày làm việc một tuần, về cơ bản sẽ có 2 cách thức để áp dụng.
Đầu tiên, bạn chấp nhận vẫn giữ nguyên thời gian làm việc là 40 giờ/tuần nhưng có thêm một ngày nghỉ, tương đương với một ngày làm việc sẽ kéo dài hơn, khoảng 10h/ngày, không tính đến thời gian làm thêm giờ. Fast Retailling Co., nhà điều hành chuỗi thương hiệu thời trang hàng ngày Uniqlo. là một trong những doanh nghiệp đã áp dụng hình thức này, các nhân viên đã có thể nghỉ 3 ngày trong tuần trong khi làm việc vào cuối tuần, bắt đầu từ tháng 10/2015.
Cách thứ hai, đó chính là vẫn giữ nguyên số giờ làm việc mỗi ngày, đồng thời giảm mức lương tương ứng. Vào tháng 4/2017, Yahoo Nhật Bản cũng đã áp dụng một hệ thống làm việc mới với ít giờ làm việc hơn mỗi tuần, dành cho các nhân viên đã có gia đình phải chăm sóc con cái còn nhỏ tuổi hay người già. Những đối tượng đủ điều kiện có thể chọn thêm một ngày nghỉ trong tuần ngoài 2 ngày cuối tuần, tất nhiên là họ không được trả lương cho ngày được nghỉ.
Lợi ích của tuần lao động 4 ngày
Một tuần làm việc ngắn hơn mang lại niềm vui và sự thoải mái cho các lao động. Perpetual Guardian, một công ty tại New Zealand, phát hiện ra rằng thí nghiệm mô hình làm việc mới của công ty đã giúp làm giảm căng thẳng trong công việc, đồng thời mức độ hài lòng đối với công việc cao hơn, cũng như mức cân bằng cuộc sống được cải thiện trong số 240 nhân viên của công ty.
Rút gọn thời gian làm việc xuống chỉ còn 4 ngày/tuần cũng là một cách thức giúp các doanh nghiệp giữ chân các nhân viên tài năng, giúp duy trì được sức sống cũng như được sự hài lòng của những người lao động đối với môi trường làm việc của mình. Các doanh nghiệp có thể ngăn chặn được sự từ chức, các tai nạn nghiêm trọng hay hành vi lạm dụng trong công việc.
Những “lỗ hổng” trong hệ thống mới
3 ngày được nghỉ ngơi nghe có vẻ là một điều hấp dẫn đối với các lao động, nhưng đồng thời nó cũng tồn tại những nhược điểm tiền tàng đối sự phát triển của mỗi người, cũng như cả nền kinh tế. Một trong những số đó, chính là việc liệu những nhân viên chọn chế độ làm việc 4 ngày/tuần liệu có bị đối xử phân biệt trong việc xem xét tăng lương và thăng chức hay không, so với những lao động thông thường làm việc đầy đủ 5 ngày/tuần. Hệ thống làm việc mới chỉ thực sự có ý nghĩa và hiệu quả khi mà các nhân viên sử dụng không nhận được những đãi ngộ kém hơn tại nơi làm việc.
Vấn đề thứ hai, đó là liệu thực sự các lao động có thêm nhiều thời gian rảnh hơn cho cuộc sống cá nhân của mình nếu lựa chọn hình thức mới. Một cá nhân làm việc 4 ngày/tuần, mỗi ngày 10 tiếng, chưa kể thời gian khoảng 1 giờ đi tàu để đến công ty. Một giờ cho bữa trưa, 2 giờ cho việc di chuyển, kết quả dẫn đến là mỗi người lại có ít thời gian rảnh hơn vào những ngày làm việc. Họ sẽ phải dồn những việc mình phải làm trong những ngày đó sang những ngày nghỉ, và rốt cuộc thì thời gian nghỉ cũng không kéo dài thêm được bao nhiêu.
Hệ thống làm việc 4 ngày/tuần liệu có trở thành xu hướng mới tại Nhật Bản?
Một tuần làm việc 4 ngày sẽ phù hợp hơn với những người làm việc theo ca hay những lĩnh vực mà khả năng làm việc của người lao động ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của khách hàng, tiêu biểu là các dịch vụ y tế và phúc lợi, nhà hàng hay khách sạn.
Hiroaki Nagai, chủ tịch của một dịch vụ môi giới việc làm, đã nhìn nhận được tiềm năng của việc áp dụng 4 ngày làm việc, đồng thời nhìn ra được những khó khăn trong việc áp dụng phổ biến nó tại Nhật Bản. “Tuy nhiên, đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân sự trong ngành y tế và phúc lợi xã hội, hệ thống làm việc 4 ngày/tuần sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai”.
Nguồn: Japan Times