Bài học cay đắng ở Syria
Moscow nhận ra rằng chiến thắng trên chiến trường không có nghĩa là đạt được mục tiêu chính trị.
Một số tờ báo và phương tiện truyền thông gần đây tuyên bố Nga và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã thắng trong cuộc nội chiến Syria. Sự thật là hành động can thiệp của Nga đã đạt được những mục đích quân sự tức thì là đẩy lùi phe đối lập Syria.
Điều này không chỉ duy trì mà còn mở rộng sự tiếp cận chiến lược của Nga đối với khu vực Trung Đông và vùng Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, trong lần can thiệp này, các nhà lãnh đạo Nga rút ra bài học cay đắng giống các nhà lãnh đạo Mỹ đã học được: Tiêu diệt kẻ thù về mặt quân sự không tự động dẫn đến việc đạt được những mục tiêu chính trị khiến họ tham chiến ngay từ đầu.
Trừ phi thắng lợi trên chiến trường có thể chuyển thành giải pháp chính trị bền vững, tất cả những gì còn lại chỉ là… nhiều thi thể mà thôi!
Cần nhớ rằng Nga từng lần lượt tuyên bố rút quân khỏi Syria hồi tháng 3-2016, tháng 12-2017 và tháng 6-2018. Tuy nhiên, chẳng lần nào dẫn đến sự giảm quân số của Nga ở Syria – hiện ở mức gần 3.000 binh sĩ.
Moscow gần đây thông báo đã thực hiện 39.000 cuộc không kích, tiêu diệt 86.000 phiến quân và phá hủy 121.466 mục tiêu khủng bố ở Syria nhưng rốt cuộc nhận thấy chưa thể rời khỏi quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, Syria vẫn chưa đến gần hơn một giải pháp chính trị lâu dài, bền vững so với thời điểm Nga bắt đầu can thiệp quân sự hồi tháng 9-2015.
Trong vai trò bảo vệ sự ổn định và hỗ trợ chính quyền được Moscow xem là hợp pháp ở Syria, Nga không thể tự thoát ra chừng nào Damascus vẫn còn bất ổn và chính quyền ông Assad chưa thể mở rộng sự kiểm soát đến nhiều vùng lãnh thổ của đất nước.
Các vấn đề của Nga ở Syria lúc này chủ yếu mang tính chính trị. Đó là những kiểu vấn đề không thể được giải quyết bằng hành động tiêu diệt “phiến quân” và phá hủy “các mục tiêu khủng bố”.
Nga đã triển khai hệ thống phòng không S-300 ở Syria Ảnh: RG.RU.
Có thể tìm hiểu những vấn đề này dưới lăng kính địa lý. Nỗ lực của Nga nhằm tái thống nhất đất nước Syria dưới sự lãnh đạo của chính quyền ông Assad đang bị cản trở ở 3 khu vực.
Đầu tiên là tỉnh Idlib, thành trì lớn cuối cùng của phe đối lập ở miền Tây Syria, với khoảng 3 triệu thường dân và hàng ngàn tay súng. Tầm ảnh hưởng ở Idlib của Jabhat Fateh al-Sham, một trong những nhóm đối lập cực đoan và mạnh nhất, luôn khiến giao tranh ở đó diễn ra đẫm máu.
Kẻ thù mà Nga đối đầu hiện nay ở Idlib không chỉ mạnh hơn trước mà còn bao gồm các nhóm có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đối tác chủ chốt của Nga trong nỗ lực đẩy chính phủ Mỹ và Liên Hiệp Quốc ra bên lề khi tìm kiếm thỏa thuận dàn xếp cho thời hậu chiến.
Nếu chọn tiến hành ném bom lâu dài để đối phó với các kẻ thù ở Idlib, Moscow chắc chắn mất sự ủng hộ của Ankara và thậm chí dẫn đến đối đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vốn có triển khai lực lượng tại đó. Vì thế, Nga chọn ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ với nội dung trì hoãn hành động quân sự ở Idlib.
Al-Tanf là một khu vực khác chứng kiến nỗ lực trên của Nga gặp trở ngại. Vấn đề tại đây là quân đội Mỹ. Sau một số cuộc không kích của Nga và quân đội Syria nhắm vào các nhóm được Mỹ hậu thuẫn trong khu vực này, Mỹ đã thiết lập một tiền đồn tại al-Tanf và tuyên bố một khu vực an ninh 55 km quanh nơi này.
Yếu tố làm phức tạp hơn nữa tình hình xung quanh al-Tanf là sự tồn tại trại tị nạn Rukban bên trong khu vực an ninh do Mỹ thiết lập. Cáo buộc của Nga rằng trại Rukban chứa chấp bọn khủng bố không khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ nao núng bởi họ lo sợ tắm máu có thể xảy ra nếu lực lượng Mỹ rút đi.
Sự hiện diện của Mỹ tại al-Tanf, địa phương nằm ở ngã ba biên giới Syria – Jordan – Iraq, khiến Jordan an tâm và gây khó dễ cho ý định của Iran về việc mở rộng ảnh hưởng của người Hồi giáo dòng Shiite từ Tehran đến Beirut.
Vì thế, ít có khả năng xảy ra chuyện Mỹ sớm rút khỏi al-Tanf. Thế nhưng, Moscow khó có thể khiến các đồng minh ở Damascus và Tehran hài lòng nếu không đẩy được quân đội Mỹ ra khỏi doanh trại ở đó.
Miền Đông Bắc Syria là khu vực cuối cùng mà các mục tiêu của Nga gặp khó. Vấn đề ở đây lại là quân đội Mỹ và đối tác Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), tập hợp các tay súng người Kurd và người Ả Rập theo dòng Sunni.
SDF đang được huấn luyện, trang bị và dẫn dắt tốt, lại được hỗ trợ của các cố vấn quân sự Mỹ nên là một đối thủ đáng gờm.
Vậy nên, nhiệm vụ của Nga lúc này là chuyển hóa thành công về quân sự thành giải pháp chính trị bền vững dù đây không phải là chuyện dễ làm.
Trước hết, Moscow phải dung hòa cho được mục tiêu của các đồng minh và đối tác bởi có không ít mục tiêu đi ngược lại ưu tiên của mình. Ngoài ra, Nga còn phải đối phó với hành động của Mỹ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ tại đó. Bất kỳ quốc gia nào trong số này cũng có thể cản trở mục tiêu của Nga.
Theo Ngô Sinh/ Người lao động