Việt kiều Mỹ ‘cày’ gì để có nhiều tiền: ‘Tôi làm rửa chén, chùi toilet!’ chứ có cao sang gì đâu
Nếu Việt Nam đang có ‘trend nóng hổi’ từ câu hỏi ‘Tiền nhiều để làm gì?’ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì ở Mỹ, tôi cũng như nhiều người khác phải ‘vật vã’ trả lời cho câu đảo vế ‘Làm gì để có nhiều tiền?’.
Rất nhiều người Việt Nam sang đây sống “phẻ” nhờ hồi ở nhà có nhiều tài lẻ hay từng làm công việc tay chân cộng với đức tính chăm chỉ của người Á Đông.
Có nhiều công việc khác nhau để mọi người tìm kiếm nhưng thường được chia thành 3 loại cơ bản: thứ nhất là kết hôn với người Mỹ rồi sang làm nội trợ, ở nhà chăm con; thứ nhì là bảo lãnh đoàn tụ gia đình sang định cư rồi được giới thiệu vào làm việc tại các hãng sản xuất, làm nail, phục vụ nhà hàng Việt hay điều dưỡng viên. Cuối cùng là sinh viên sang du học rồi xin được việc làm ở lại luôn.
Xin lỗi tôi không thể nhận cậu!
Riêng tôi thì không thuộc bất cứ vào diện nào kể trên cộng thêm với việc sinh sống tại thành phố Lubbock (tiểu bang Texas) không có nhiều cộng đồng người Việt Nam nên xin được công việc để mưu sinh không khác gì hái sao trên trời!
Cầm đơn xin việc khá hoành tráng với nhiều kinh nghiệm trong ngành dịch vụ du lịch, tôi đến gõ cửa không chỉ một vài mà đến gần… 50 nhà hàng, khách sạn trong thành phố.
Có nhiều “chướng ngại vật” khiến tôi chẳng thể lết “về đích” như: khai báo chủng tộc (làm sao người ta tuyển nhân viên châu Á vào phục vụ món Âu trong khi người Mỹ thất nghiệp đầy đường ra đó!), kinh nghiệm làm việc và mức lương (mới sang thì lấy đâu ra kinh nghiệm còn mức lương thì tính từ VND sang USD sẽ rất… buồn cười!), người giới thiệu (nhiều công việc nếu không có “bảo kê” thì không được xem xét hồ sơ), phương tiện đi làm phải tốt (chưa có việc làm thì lấy đâu ra tiền để mua xe xịn)…
Cũng được vài nơi chiếu cố cho lọt đến vòng… phỏng vấn sơ bộ nhưng cuối cùng chỉ là ánh mắt ái ngại và câu cửa miệng “I am sorry” (Xin lỗi tôi không thể nhận cậu!)
Rồi duyên việc làm cũng đến một cách tình cờ!
Trong một lần đọc quảng cáo tuyển sinh viên làm phục vụ tại quán ăn Fat Tony Delicatessen chuyên bán hotdog, tôi quyết định tìm đến chỉ vì ông chủ ghi chú rằng phỏng vấn xong sẽ được tặng một phần ăn hotdog miễn phí mang về nhà ăn thử (một cách quảng cáo trá hình đây mà!)
Khi đến thì ông đang vật lộn với đống giấy tờ hoá đơn cùng với chiếc laptop cũ kỹ. Ông gọi tôi đến hỏi dạm “Mày giúp tao việc rác rưởi này được không?”.
Như cá gặp nước, tôi không kịp xắn tay liền nhảy vào gõ lia lịa, phân tích số liệu rõ ràng (10 năm kinh nghiệm văn phòng dư sức qua cầu với những công việc này – tôi hí hửng trong bụng).
Một thoáng sau thì mọi thứ hoàn chỉnh đúng như ý. Tony, ông chủ người Mexico, tỏ vẻ hài lòng nhưng không dám thể hiện (có lẽ vì sợ tôi… hét lương).
Tôi “chốt hạ”: Tối nay tôi sẽ thiết kế cho ông một bảng quản lý thu chi tài chính hàng ngày, liên kết với bảng chấm công và quản lý lương hàng tháng trên phần mềm Exel.
Trời về khuya cũng là lúc tôi gửi file và nhận được thông báo rằng sẽ bắt đầu đi làm từ ngày mai với mức lương tối thiểu của bang Texas là 8 USD mỗi giờ.
Ở Mỹ chẳng có việc gì là hái ra tiền cả
So với những nhân viên bản địa khác, tôi phải làm thợ đụng (tiếng Anh gọi là multi-position), đúng nghĩa: phụ bếp, rửa chén đĩa, phục vụ khi có khách. Còn khi vãn khách thì chùi toilet, vệ sinh phòng ốc rồi giúp ông chủ chấm công, nhập liệu thu chi, tổ chức sự kiện hay chăm sóc website của quán.
Tôi không muốn phàn nàn khi có rất nhiều người Mỹ đang thất nghiệp đứng đầy đường trong khi mình có việc làm
Sau đó những kỹ năng “đụng” của tôi được phát huy thêm khi nhảy việc chuyển sang làm nhân viên phục vụ tại Texas Tech Club, một câu lạc bộ dành cho khách VIP có thẻ thành viên trả phí mới được vào ăn uống.
Ba đời giám đốc ở đây đều “kết” sự năng động, chịu khó và… liều lĩnh của tôi.
Do câu lạc bộ thuê mặt bằng của trường Đại học Texas Tech nên có gì hư hỏng vặt thì phải chờ đội bảo trì của trường đến xem xét sửa chữa mà nhiều khi chờ đến vài ngày ảnh hưởng đến việc kinh doanh của đơn vị. Thế là tôi tự mình sửa giúp ống nước, móc cống thông bồn xả, sửa dây kéo rèm cửa sổ hay vặn ốc vít mấy cái bản lề cửa.
Qua thời gian quan sát, ông giám đốc… đời cuối giao cho tôi công việc “có vị trí cao hơn” như là: leo thang lên thay bóng đèn bị cháy, quét mạng nhện, lau cửa sổ hay “áp lực lớn hơn” như sửa tủ làm đá, chỉnh trang bàn ghế… mà không nhân viên người Mỹ nào làm được.
Có lẽ vì vậy nên khi tôi nhảy tiếp sang làm cho Công ty Sodexo, ông vẫn nhắn tin tiếc nuối “Vin Diesel (tên nam tài tử người Mỹ được đồng nghiệp gắn cho tôi), nơi này không còn được như xưa khi thiếu cậu!”. Một tin nhắn giá trị hơn những giấy khen mà tôi được ông tặng trước đó.
Làm việc cho Sodexo, tôi lại tiếp tục được phát huy sở trường “đụng gì làm nấy”. Lúc thì làm ở bộ phận catering cung cấp suất ăn đồ uống cho sự kiện trong trường đại học, lúc thì bán hàng thức ăn nhẹ cho cổ động viên bóng chuyền. Khi thì phục vụ phòng VIP khách xem bóng bầu dục có khi bán bánh mì phục vụ sinh viên.
Mỗi nơi tôi đều học hỏi thêm nhiều điều thú vị trong công việc và không còn lạ lẫm với việc các đồng nghiệp Mỹ của mình thường phải làm thêm 2,3 công việc khác mới đủ sống.
Từ đó mà tự an ủi bản thân rằng: Ở Mỹ chẳng có công việc gì là hái ra tiền cả. Bởi nếu tôi biết rõ chỗ nào để hái thì chẳng phải ngồi gõ lóc cóc gửi bài như thế này rồi!
Nguồn: Thanh niên