Thực tập thế này, sinh viên ngành Y sẽ thành Bác sĩ thế nào?
Hiện nay, các bệnh viện (BV) không chỉ quá tải về bệnh nhân mà cả sinh viên. Vì vậy việc đi thực tế lâm sàng của SV gặp nhiều khó khăn.
Bệnh nhân không thích sinh viên thực tập
Đặng Hữu Lãm (SV năm 4 khóa Y4 trường ĐH Y Thái Bình) kể lại lần đi thực tập tại bệnh viện Đa khoa Nam Định. Cậu cho biết: “ Y3, Y4 chủ yếu là đi thăm hỏi bệnh nhân để nắm các bệnh, làm bệnh án và trực. Nhưng nhiều sinh viên quá mà bệnh nhân thì ít có nên chỉ có vài bạn được trực tiếp nắm bệnh và nghe được bác sĩ giảng”.
Lãm lý giải thêm: “Thường thì bệnh nhân không tin tưởng vào sinh viên thực tập, thậm chí có người khó tính chỉ cho bác sĩ khám thôi. Mình không thể trách người ta được, có trường hợp bệnh lạ, hiếm bị sinh viên “làm phiền” suốt cả buổi để hỏi thông tin nên họ cáu gắt, khó chịu”.
SV Y khoa bắt đầu đi lâm sàng từ năm 3 để thực hành và làm quen với các kỹ năng khám, theo dõi bệnh. Bắt đầu từ năm 3, ngày thực tập ở bệnh viện ngày càng dày đặc hơn. Nhưng vì lượng sinh viên được phân cùng vào một bệnh viện quá đông nên nhiều khi họ chỉ còn cách đứng ngoài ghi và chép hoặc “ngồi chơi xơi nước” đợi hết giờ về.
Theo khảo sát của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, khoảng 70% SV thực hành ở BV chủ yếu chỉ nghe và ghi. Tại khoa Truyền nhiễm BV hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), thường chỉ có từ 40-50 bệnh nhân nhưng có khi lên tới 150 SV của Trường ĐH Y Hải Phòng đến thực tập.
Được biết một khóa SV Y 3 Thái Bình đi lâm sàng ở bệnh viện Đa khoa Nam Định là khoảng hơn 500 sinh viên và được chia thành hai đợt, nhưng lần nào cũng quá tải bởi bệnh viện thì ít bệnh nhân, mà còn sinh viên ngành Y của trường cao đằng, trung cấp khác nữa.
Từ đầu năm nay, tại bệnh viện Nhi Trung ương có hơn 170 sinh viên Y4 đa khoa vào thực tập. Bạn Trang (Y4, ĐH Y HN) đang loay hoay ở hành lang chuẩn bị thăm hỏi bệnh nhân, Trang chia sẻ về ngày đầu tiên ở đây: “Bọn mình được chia thành nhóm từ 4 – 5 người đến từng phòng bệnh để hỏi han, nắm tình hình bệnh nhân và ghi vào sổ y bạ. Mình cũng chưa biết ngày đầu tiên đi thực tế sẽ như thế nào”.
“Đi học lâm sàng không phải làm gì, ai sai gì làm nấy, chủ yếu là đi trực. Sinh viên nào chăm chỉ, năng nổ thì còn nghe bài giảng được. Được bác sĩ nhớ mặt, tin tưởng thì cho đi cùng để khám hoặc vào phòng mổ”, Tuấn ( SV Y4 trường ĐH Y Thái Bình) chia sẻ.
Còn việc học lý thuyết thì cũng tương tự. “SV đông thì đương nhiên các thầy sẽ không thể theo sát hết, không thể bắt tay chỉ việc mà chỉ giảng chung, nên mạnh ai nấy nghe. Sinh viên nào chăm chỉ, có ý thức thì sẽ học nhanh, còn không thì chỉ có nghe câu được câu chăng”, Đạt (SV Y4, ĐH Y HN) nói.
Thực tế, theo ghi nhận của PV báo GDVN tại các khoa phòng BV Nhi Trung ương thì mỗi phòng có đến chục sinh viên, thậm chí còn kín cả cửa phòng và tràn ngoài hành lang. Nhiều bạn không biết làm gì đành phải đứng túm tụm nói chuyện hay chơi với bệnh nhi cho đỡ buồn.
Buồn vui kỳ thực tập SV ngành Y
Kỳ lâm sàng của sinh viên Y khoa cũng thật đặc biệt hơn so với những kỳ thực tập của các trường bình thường khác. Hàng ngày chứng kiến các vết thương, nhiều bạn còn bị ngất khi thấy máu, mặc dù đã học được và được làm quen trong trường 3 năm. Không ít sinh viên còn run run, hồi hộp khi được bác sĩ bảo tiêm hay khám cho bệnh nhân…
Đạt (SV ĐH Y HN) nhớ lại: “Có đêm bác sĩ cho theo phụ ca mổ, mình mừng quýnh vì có tin tưởng mới gọi mình vào cùng. Thế là chôn chân trong phòng mổ từ 10h – 7h sáng hôm sau, chưa kịp chợp mắt đã phải vội vã đi học tiếp. Mắt cứ díp lại mà không dám nghỉ”.
Nhiều sinh viên ngán ngẩm, buồn rầu bởi rất nhiều lần đến thực tập mà bị bác sĩ ở bệnh viện xua đuổi, không được giúp đỡ mà còn bị chửi te tua. Như trường hợp của Mạnh (một SV trường Y) giờ vẫn ấm ức bởi một lần đang hí hửng được bác sĩ cho vào phòng mổ để quan sát. Nhưng đến 3h sáng, lên đến phòng đã bị bác sĩ điều dưỡng đuổi thẳng cổ và còn mắng là “bọn sinh viên chỉ làm vướng chân tay thôi”.
Nhiều sinh viên nghành Y mong muốn rằng có nhiều cơ sở để thực hành hơn, đặc biệt là giảm tải số lượng sinh viên cùng thực tập tại một khoa. Về phía bệnh viện nên tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học hỏi kinh nghiệm trước khi ra ngoài làm nghề. “Mình hi vọng có thêm thời gian để thực tập bởi thực tế và lý thuyết khác xa nhau, còn quá nhiều thứ để học hỏi, rèn luyện”, Lãm nói.
Nhìn cảnh sinh viên ngành Y thực tập theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa thế này, chắc chắn có một tỉ lệ không nhỏ trong số đó sẽ thành những Bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân theo kiểu “Đau bụng thì uống… nhân sâm”. Đây thực sự là một nỗi lo của ngành Y và của toàn xã hội.
Theo Kim Ngân/ giáo dục Việt Nam