Nga thống lĩnh ở Syria: “Mỹ xin tên lửa S-300 đừng rình mồi để KQ Israel tự do đi chợ”!
Có một điều có thể chứng thực là từ khi Nga tuyên bố chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria, không phận quốc gia Trung Đông này bỗng nhiên trở nên an toàn lạ thường.
Vài ngày trước, Nga tuyên bố đã hoàn thành việc nâng cấp các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PM-2 dành cho Syria lên chuẩn S-300PMU-2 Favorit với nhiều sửa đổi để tích hợp được với hệ thống phòng không Nga đang hoạt động tại quốc gia Cận Đông này.
Đây có thể coi là bước đi tiếp theo của Moscow hiện thực hóa việc “khóa kín” không phận Syria trước các mối đe dọa đến không chỉ từ Israel, mà còn cả từ Mỹ và đồng minh.
Động thái trên của Moscow cũng một lần nữa khẳng định, nhưng tuyên bố đao to, búa lớn của Tel Aviv về việc sẵn sàng tiêu diệt S-300 ngay khi được chuyển giao Syria cuối cùng vẫn chỉ là… lời nói.
Ma trận hư hư, thực thực Nga và Syria bày ra sau thảm kịch máy bay trinh sát IL-20 bị bắn hạ đang đạt hiệu quả rõ ràng với việc Không quân Israel, cũng như liên quân im tiếng và dường như đã biến mất khỏi không phận Syria.
Ai đang điều khiển S-300? Syria hay Nga…
Như thông tin được công khai, Nga đã chuyển giao miễn phí cho Syria 3 tổ hợp S-300PM-2 cùng 300 đạn tên lửa. Các tổ hợp này sau khi tới Syria đã được các chuyên gia Nga chỉnh sửa tương đương với biến thể xuất khẩu S-300PMU-2 Favorit.
Tuy nhiên, điểm khác biệt của S-300 dành cho Syria là có khả năng tích hợp với hệ thống phòng không Syria, cũng như của Nga đang triển khai tại nước này thông qua hệ thống điều khiển trung tâm tự động hóa Polyana D-4.
Hệ thống điều khiển trung tâm tự động hóa Polyana D-4.
Điều đó đồng nghĩa với việc S-300 của Syria vừa là một thành phần của hệ thống phòng không Syria, vừa nằm trong hệ thống tích hợp của Nga với các tổ hợp S-400 và S-300VM-4 tại Hmeymin và Tartus.
Vấn đề này chắc chắn cả Israel, Mỹ và đồng minh đều nắm rõ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, trong tác chiến ai sẽ là người điều khiển các tổ hợp S-300 Nga vừa chuyển giao? Syria hay chuyên gia Nga?
Điều này đã bày ra ma trận hư hư, thực thực đối với cả Israel và Mỹ. Chắc chắn không ai muốn mạo hiểm khí cụ chiến tranh đắt tiền như máy bay chiến đấu hay sinh mạng phi công để thử hiệu quả của tổ hợp S-300PMU-2 vốn đã quá nổi tiếng.
Tuy nhiên, nếu xét về mặt kỹ thuật, trong thời gian ngắn kể từ thời điểm chiếc IL-20 bị bắn hạ và Nga chuyển giao S-300 cho Syria, các kíp điều khiển của Syria kể cả được chuẩn bị trước cũng khó lòng làm chủ được khí tài hiện đại và phức tạp như S-300PM-2 sửa đổi.
Thông thường, để đào tạo các kíp điều khiển S-300 trong nhà trường quân sự Nga cần tới 4-5 năm. Dù Nga mới đây có công bố các hình ảnh đào tạo các kíp điều khiển S-300 của Syria, nhưng nhiều khả năng đó chỉ là những hình ảnh nhằm mục đích…”trấn an” Israel và Mỹ.
Thực tế, thông qua Polyana D-4, Nga hoàn toàn có khả năng chiếm quyền điều khiển hoàn toàn các tổ hợp S-300 chuyển giao cho Syria khi cần thiết. Các kíp điều khiển Syria sẽ đóng vai trò giám sát và học hỏi, cũng như cơ động trận địa theo các phương án đã lên kế hoạch.
Tên lửa S-300 Nga đã trực chiến ở Syria. Ảnh minh họa.
Dù không công bố, nhưng tình huống như vậy hoàn toàn có thể xảy ra và Israel, kể cả Mỹ đều không muốn đối đầu với S-300 được điều khiển bới các kíp chuyên gia lão luyện của Nga thông qua Polyana D-4. Khi máy bay bị S-300 bắn hạ ai có thể biết đó là kết quả của kíp điều khiển Syria hay Nga.
Đó có thể coi là thành công của Nga và Syria khi sử dụng binh pháp trong thực có hư, trong hư có thực khiến đối phương không dám mạo hiểm. Và hiệu quả của điều này đã được thể hiện rõ ràng!
Không phận Syria bất ngờ trở thành vùng trời an toàn
Những thông tin đồn đoán hay tuyên bố của các bên liên quan tới việc Nga chuyển giao S-300 cho Syria không bao giờ hiệu quả bằng những biểu hiện thực tế.
Có một điều có thể chứng thực là từ khi Nga tuyên bố chuyển giao S-300 cho Syria, không phận quốc gia Trung Đông này bỗng nhiên trở nên an toàn lạ thường. Những hành động đi vào như đi chợ của máy bay chiến đấu Israel, Mỹ và liên quân dường như đã chấm dứt.
Nào những tuyên bố cứng rắn về sử dụng biện pháp quân sự, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hay tên lửa hành trình tầm xa… rồi cũng chỉ được thể hiện bằng những chuyến trinh sát điện tử bên ngoài ô phòng không của S-300.
Tên lửa S-300 Nga đã trực chiến ở Syria. Ảnh minh họa.
Các cuộc không kích đã chuyển từ Syria sang Dải Gaza của Palestine, nơi không có phòng không. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn với tuyên bố mới đây từ phía Mỹ thuyết phục Nga cho phép không quân Israel hoạt động trở lại ở vùng trời Syria.
Rõ ràng, cả Israel, Mỹ và đồng minh đều không muốn mạo hiểm khi Gấu Nga đã lên tiếng, cũng như thế trận bày sẵn ở Syria. Những hành động quân sự chỉ làm leo thang căng thẳng và không ai có thể giành ưu thế tuyệt đối trong cuộc chơi giữa các ông lớn.
Vậy khi giải pháp quân sự đã không đạt hiệu quả, bước đi tiếp theo của Israel là gì? Có lẽ hợp thời nhất chính là ngồi vào đàm phán với Nga và Syria. Sau những sự việc xảy ra, Damascus và Moscow cần tín hiệu nhượng bộ từ Tel Aviv.
Các bên đều có những con bài để có thể đánh đổi và Israel nên biết vị thế của mình. An ninh của Israel sẽ không bao giờ được đảm bảo nếu thiếu Syria và ngược lại.
Sự hiện diện quân sự của Iran, cũng như các nhóm vũ trang dòng Shitte trong lãnh thổ Syria là minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Quyết định cuối cùng có lẽ đang nằm trong tay Israel. Liệu Tel Aviv có đến với vòng nguyệt quế hòa bình để hỗ trợ giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến Syria? Điều đó thật khó có thể dự đoán đặc biệt với bối cảnh hiện tại ở Syria…