Cái giá của phụ nữ mạnh mẽ độc lập là sự cô đơn?
Chúng ta dạy các bé gái hãy sống là chính mình; con có thể là một cô bé hiền lành rụt rè hay là một cô gái mạnh mẽ, độc lập. Đôi khi nỗi cô đơn cũng đến cùng những điều ấy nhưng mọi thứ đều ổn thôi, không sao.
Tôi vừa xem hết một chương trình hẹn hò thực tế X. Xem xong tập cuối, cậu bạn tôi chép miệng thở dài.
Phụ nữ độc lập sẽ trở thành một người phụ nữ cô đơn sao hả bạn?
Chương trình với một anh chàng đi tìm niềm hạnh phúc cho cuộc đời mình bằng nhiều thử thách, để từ hơn 20 cô gái tham dự chọn ra một “Ms. Perfect” cuối cùng đi tới hạnh phúc. Khi còn lại hai người phụ nữ, anh đã chọn chị gái hiền lành, dịu dàng – tất nhiên không có gì để chê chị cả, còn người chàng trai có vẻ như thực sự thích hơn từ tập đầu tới tập cuối là một chị gái học vấn giỏi giang, tri thức, thông minh, có nét quyến rũ tự tin và chủ động.
Có lẽ tới những giây phút cuối cùng như vậy, cùng nhau vượt qua bao thử thách thì lựa chọn ai và từ chối ai cũng là điều khó khăn. Dẫu vậy, luật chơi là luật, tình yêu không có chỗ cho 3 người, anh chàng độc thân phải đưa ra quyết định và tham khảo ý kiến của mẹ.
Người mẹ đã khuyên con trai rằng những người phụ nữ mạnh mẽ thường không hướng về gia đình, hoặc kể cả có hướng đi chăng nữa nhưng khi không chịu nổi, họ sẽ bứt ra mà không thương tiếc. Trong khi những người phụ nữ yếu đuối hơn thì cần gia đình, họ sẽ luôn ở gần bên chồng mình dù cuộc sống có khó khăn như thế nào.
Khi đặt câu chuyện đó như một tình huống thực tế chứ không phải show truyền hình được dàn dựng, đó thực sự là một cái kết buồn; người ta buồn vì không biết trách ai trước quyết định cuối cùng như vậy. Câu chuyện cuối cùng không ai sai, chị gái yếu đuối ngọt ngào dĩ nhiên không có gì sai, chị gái mạnh mẽ càng không, anh chàng độc thân muốn ổn định không sai và bà mẹ càng có lý do chính đáng khi nhiều người phụ nữ nào cũng muốn con trai lấy một người vợ để ổn định cuộc sống gia đình.
Đây không phải một câu chuyện vô tiền khoáng hậu, nhưng mỗi lần người ta lại thấy nó lấp ló đâu đó trong một dáng hình mới: Một câu chuyện tình buồn trên báo, một người phụ nữ mạnh mẽ đâu đó quanh bạn hay một gameshow thực tế. Nếu đó là ý đồ của đạo diễn chương trình cho một cái kết hay những câu thoại tạo nên một khung tính cách cho nhân vật thì điều họ đã chạm vào thực sự là vấn đề của định kiến giới; người ta biết nó tồn tại, nhưng đôi khi chỉ tặc lưỡi cho qua hoặc thậm chí cũng nghĩ như vậy.
Câu chuyện phụ nữ mạnh mẽ thì cô đơn muôn thuở vẫn là chủ đề để người ta tranh cãi; đàn ông mạnh mẽ thông minh thì tấp nập người theo, phụ nữ mạnh mẽ là bị gán cho những tính cách, xu hướng mà thậm chí người ta còn không nghĩ tới cũng nên. Chị gái mạnh mẽ ngậm ngùi chia tay chương trình có bao giờ nghĩ như người mẹ của anh chàng độc thân rằng vì mình mạnh mẽ nên sẽ dễ dàng từ bỏ gia đình không?
Chúng ta không phải là chị ấy để hiểu được tính cách thực sự của một con người – thế giới quan ấy phức tạp hơn rất nhiều so với vài tính từ mà người ta gán cho ai đó. Mạnh mẽ là một khái niệm trừu tượng để nhiều chàng trai vin vào để rồi gạt bỏ một cô gái. Horoscope còn có Sun và Moon để nhắc tới tính cách bên ngoài và bên trong, một người phụ nữ mạnh mẽ bên ngoài đâu có nghĩa là bên trong cũng mạnh mẽ? Và kể cả họ có “mạnh mẽ” từ trong ra ngoài thì đó cũng không phải là một điều tiêu cực, con người ai cũng muốn được yêu thương, không phải vậy sao? Vậy ai sẽ yêu những người phụ nữ mạnh mẽ, giỏi giang?
Cô đơn từ bao giờ lại thành “đặc quyền” của phụ nữ mạnh mẽ, độc lập trong mắt nhiều nam giới? Có phải từ thời mẹ còn dạy con gái phải biết mềm mỏng, nhẹ nhàng trước các bạn trai, từ lúc 9/10 bạn trai thích con gái nhẹ nhàng, yếu đuối một chút.
Tôi từng xem một đoạn video khảo sát mẫu người phụ nữ yêu thích của nam giới Nhật Bản. Kết quả cho thấy đa phần các bạn tham gia phỏng vấn đều thích bạn gái thấp bé, nhỏ người, dịu dàng và biết làm nũng, không một anh chàng nào chọn mẫu bạn gái mạnh mẽ, độc lập, thông minh.
Sẽ chẳng thể quy chụp cho một thế hệ, một nhóm đông nam giới vi 2 vấn đề: một mẫu số chưa đủ lớn và câu chuyện tình yêu, cảm xúc vốn là trò chơi của tâm trí từng cá nhân không thể áp đặt. Nhưng người ta cũng tự hiểu được quy luật ngầm trong chuyện tình cảm rằng các chàng trai luôn thích những người phụ nữ dịu dàng, hiền lành để có thể bao bọc, che chở. Đó chính là vô thức tập thể trong chuyện tình cảm, một “cái bóng” của lịch sử tiến hóa mà chúng ta khó có thể vượt qua.
Tôi tin vào một điều rằng sự mạnh mẽ và mong muốn có một mối quan hệ tích cực không phải một chiếc đồng hồ cát mà cát chảy vào bên nào nhiều thì bên kia sẽ ít đi. Là một người phụ nữ mạnh mẽ đơn giản chỉ việc cô ấy hiểu rõ bản thân và tự tin vào chính mình. Nếu đến một lúc nào đó trong chuyện tình yêu, bạn nhận ra rằng điều quan tâm ở người phụ nữ ấy không còn ở những xúc cảm mà chỉ là những thứ hơn thua khi so sánh với bản thân, thứ hằn học đó đã không còn là tình yêu nữa.
Có người nói chị mạnh mẽ sẽ quên đi nhanh, sẽ đứng dậy và tìm một cuộc sống khác. Tuy nhiên, nỗi đau công bằng với tất cả mọi người; chị cũng sẽ buồn, người mạnh mẽ có buồn chứ không phải không. Hôm nay có thể là anh chàng độc thân này, ngày mai sẽ là một anh chàng độc thân nào đó. Vậy nhiều người sẽ phải chấp nhận: mạnh mẽ hay độc thân?
Phụ nữ mạnh mẽ hay độc lập, dù là ai đi chăng nữa, cũng xứng đáng được yêu thương – đó là một chân lý, một phần của ý niệm nguyên bản nhất về tình yêu con người khi “mạnh mẽ” hay “độc lập” chỉ là những thứ mang tính tương đối.
Tôi đoán rằng những người phụ nữ mạnh mẽ ấy, có lẽ họ cũng không cần ai “khóc thuê” cho cuộc đời mình nhưng đó là câu chuyện vượt ngoài ranh giới của nửa dân số – đó là câu chuyện mà nếu “nâng tầm” lên, là của toàn xã hội. Một ngày mới lên vẫn là ngày đẹp đẽ với những cô gái mạnh mẽ, họ vẫn sống lạc quan, vui vẻ là chính mình nhưng với những người vẫn giữ những định kiến như vậy về phụ nữ, có lẽ họ đã bỏ lỡ một điều tuyệt đẹp khác trong cuộc sống.
*Bài viết chứa quan điểm các nhân của tác giả
LALA/Helino