Bí quyết nào đưa Messi thành thiên hạ vô song về sút phạt trực tiếp?
Lionel Messi đã ghi 46 bàn thắng từ đá phạt trực tiếp trong sự nghiệp. 12 bàn trong số đó được thực hiện kể từ đầu năm 2018 tới giờ, nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào khác ở 5 giải hàng đầu châu Âu có thể làm được.
Rõ ràng, qua nhiều năm thi đấu, Messi đã tôi luyện bản thân trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mang tính biểu tượng của giới túc cầu này. Mỗi quả sút phạt giờ đây là một cơ hội để siêu sao 31 tuổi tạo nên sự khác biệt, làm cho những người chứng kiến thích thú còn đối thủ không khỏi lo lắng.
Đồng đội của Messi là Sergio Busquets có tiết lộ hồi cuối năm ngoái rằng trong các buổi tập, số 10 của Barca “đầu tư” cho mỗi quả phạt không khác gì trong các trận đấu chính thức. “Ngay cả khi tập luyện cậu ấy vẫn đạt tỷ lệ sút phạt thành công rất cao. Không cầu thủ nào có thể so sánh với Messi”, anh kết luận chắc như đinh đóng cột.
Vậy thì, đâu là bí quyết đằng sau những quả phạt siêu hạng của Messi và làm thế nào anh trở thành người giỏi nhất?
Phóng viên báo Marca tường thuật một pha sút phạt của Messi thế này: “Anh vỗ vỗ lên trái bóng, ngẩng đầu, cong người rồi đưa nó nằm gọn lưới”. Thực sự đó chỉ là những gì chúng ta có thể nhìn thấy bề ngoài, yếu tố khoa học phía sau những cú đá đó mới phức tạp hơn chúng ta biết.
Tư thế sút phạt đặc trưng của Messi
Các báo cáo ghi nhận Messi đã thay đổi kỹ thuật sút phạt trong những buổi tập thời gian qua, đồng thời sử dụng những hình nộm làm rào chắn giữa trái bóng và cầu môn để tăng độ thử thách.
Chân của Messi khi thực hiện cú đá thường nghiêng một góc 50 độ. Anh đặt gần như toàn bộ chân trụ của mình trên mặt đất trước khi chân còn lại tiếp xúc vào bóng, giúp tạo ra sự ổn định và kiểm soát tốt hơn với cú đá.
Sau đó, để cải thiện độ chính xác, Messi cong vai và ngực khi vuốt bóng, hơi gù người một chút về phía trước.
Báo Sport đã hỏi ý kiến một số chuyên gia khoa Vật lý Đại học Barcelona để tìm hiểu kỹ hơn và họ cho biết, Messi (vô tình hoặc hữu ý) đã áp dụng Hiệu ứng Magnus để tạo nên độ ổn định kinh ngạc cho những cú sút phạt.
Hiệu ứng này mô tả hiện tượng một vật thể (quả bóng) tự xoay quanh nó thì ở phía dòng không khí cùng chiều với chiều quay của quả bóng, chuyển động của các phân tử không khí tăng lên, còn ở phía còn lại vận tốc của các phân tử khí giảm đi. Điều này tạo ra sự chênh lệch áp suất tĩnh và xuất hiện lực tác dụng lên quả bóng theo phương thẳng đứng, hướng cắt các dòng khí cùng chiều với chiều quay của quả bóng. Do đó, quả bóng sẽ bay theo quỹ đạo đường parabol (trích dẫn từ Wikipedia – PV).
Mô tả hiệu ứng Magnus
Messi làm điều này giỏi hơn bất kỳ ai khác trong thế giới bóng đá. Chỉ cần nhìn vào tư thế sút phạt “như lập trình” của anh là đủ hiểu. Với kỹ thuật được mài dũa đến mức nhuần nhuyễn này, Messi có thể ghi những bàn sút phạt từ nhiều vị trí, góc độ khác nhau trên sân.
Nhưng không chỉ có thế, ngôi sao người Argentina còn tiết lộ một mẹo tinh quái để thêm gia vị vào những quả phạt của mình, đó là tạo ra trò chơi cân não với thủ môn đối phương. Mục đích là Messi sẽ để thủ môn phải đoán xem anh sẽ sút vào góc nào, và thường họ sẽ rất khó đoán chính xác.
“Đúng vậy. Thành thật mà nói tôi thích sút bóng qua đầu hàng rào cầu thủ, nhưng thỉnh thoảng tôi lại biến tấu một chút để thủ môn không biết mình sẽ làm gì. Tôi muốn họ sẽ bối rối cho đến tận khi tôi tung ra cú sút”.
“Tôi nghĩ lý do là vì tôi thích thủ môn luôn đối mặt với sự hoài nghi”, Messi giải thích với kênh ESPN.
Một điều rất thú vị nữa là ở trận derby Catalunya giữa Barca và Espanyol rạng sáng nay, Messi đã hạ thủ môn Diego Lopez từ quả phạt trực tiếp sáng tạo theo phong cách sục bóng Panenka.
Việc thay đổi kỹ thuật sút so với thường lệ, mặc dù có thêm sự “giúp đỡ” từ cái đầu của Victor Sanchez và trở thành lý do để Marca (đơn vị trao danh hiệu Pichichi) từ chối bàn thắng thuộc về Messi, một lần nữa cho thấy M10 vẫn đang tiếp tục “đầu tư” vào kỹ năng sút phạt dù cho hiện giờ anh có lẽ đã là thiên hạ vô song.
Cú sút phạt kiểu Panenka khiến tất cả ngỡ ngàng