Du học sinh: Những góc khuất ở nhờ nhà người thân khi đi du học
Nhiều bạn trẻ đi du học muốn ở nhờ gia đình người thân. Việc này có thể giúp họ thời gian hòa nhập ban đầu nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập.
Tâm lý của nhiều người Việt Nam là sống và làm việc ở nước ngoài sẽ kiếm được tiền, cuộc sống hạnh phúc. Phụ huynh khi gặp thân nhân từ nước ngoài về rất hy vọng có thể gửi gắm con cái du học. Từ tìm trường, đưa đón tại sân bay, ở chung nhà đến tìm việc làm thêm…, nhiều cha mẹ gần như “phó thác” hoàn toàn cho “người thân Việt kiều”.
Nhiều bất tiện khi ở chung
Có người thân, họ hàng bên nước bạn định sang du học trước mắt có những sự thuận lợi nhất định. Giữa một quốc gia rộng lớn và xa lạ, một mình bạn sống và học tập ắt sẽ có những khó khăn. Việc có người thân đang sinh sống tại nước bạn theo học có thể hỗ trợ được bạn, ít nhất là về tinh thần.
Vì kiêng nể, hầu hết người thân ở nước ngoài sẽ nhận lời giúp đỡ. Tuy nhiên, đây có thể là khởi đầu của hàng loạt câu chuyện dở khóc cười xảy đến với du học sinh.
Khi bạn đến nhà người thân ăn ở tá túc, với nhiều người, họ cảm thấy áy náy khi được giúp đỡ và muốn đóng góp chia sẻ những công việc hoặc chi phí sinh hoạt trong gia đình để bày tỏ sự biết ơn.
Nhiều bạn giúp đỡ họ nấu nướng, giặt giũ, quét dọn nhà cửa; thậm chí các việc này bạn phải hoàn toàn chủ động và không để họ nhắc nhở. Thời gian đầu; bạn có thể cảm thấy việc này làm để cám ơn sự nhiệt tình giúp đỡ của họ khi họ đã giúp đỡ bạn khi mới sang. Nhưng sau đó; khi lịch học và làm thêm dày đặc. Nếu không có nhiều thời gian tham gia việc nhà như trước; và thiếu sự cảm thông từ phía thân nhân; nhiều bạn sẽ cảm thấy rằng mình bị ràng buộc, mất tự do. Bạn muốn có nhiều thời gian hơn để học tập, du lịch, thư giãn. Nhưng vì nể nang mà phải quên đi nhu cầu của bản thân để làm vui lòng người thân.
Sống chung với gia đình người thân, bạn sẽ nhận được sự quan tâm chăm sóc. Nhưng đôi lúc cũng cảm thấy không thoải mái khi sự quan tâm đó trở thành để ý, quản lý.
Khi những mâu thuẫn nảy sinh, thì họ có thể liên lạc về phàn nàn với ba mẹ bạn ở nhà. Người ở nhà đôi khi không hiểu rõ ngọn ngành; bạn lại bận rộn ít thời gian chia sẻ; dễ dẫn tới những bất đồng ngày một lớn giữa những mối quan hệ từ gần đến xa.
Nhiều bạn rơi vào hoàn cảnh không có ai tin cậy để có thể tâm sự, giãi bày dẫn đến trầm cảm, tự kỷ do các gánh nặng về thi cử, học tập cộng với việc sống chung với những người gây áp lực, gò bó cuộc sống của các bạn.
Nên sống tự lập
Lời khuyên cho các bạn tân sinh viên từ những người trong cuộc là:
Nếu có nhà người thân ở đất nước du học thì thời gian đầu nếu muốn có thể xin ở nhờ để làm quen với môi trường. Đến khi quen rồi và có khả năng thì nên chuyển ra ngoài sống tự lập. Nếu bạn có thể đi làm thêm được thì tốt. Ngoài việc kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình thì còn học được nhiều kĩ năng sống.
Cha mẹ nên hiểu thực tế này để có cái nhìn chia sẻ với con cái nơi đất khách. Khi du học, bạn trẻ sẽ đối mặt nhiều thử thách rất khó giải thích chỉ bằng tin nhắn hoặc vài cú điện thoại. Phụ huynh nên để con mình tự lập trong suy nghĩ và hành động.
Thay vì ép buộc hay tìm cách kiểm soát con thông qua người thân ở nước ngoài, cha mẹ nên lắng nghe, tìm hiểu về nơi con mình đang học, từ đó hợp tác với chúng để giải quyết vấn đề. Du học sinh cũng nên chủ động tìm hiểu lối sống và sự nhiệt thành giúp đỡ của thân nhân khi giao tiếp.
Những bạn mong muốn tìm kiếm không gian riêng tư để học tập, có thể hỏi bạn bè, cố vấn trong trường; tham gia các diễn đàn, dịch vụ địa phương để có thông tin chính xác, trước khi quyết định. Sau đó; hãy chia sẻ với ba mẹ thật chi tiết cụ thể những thông tin đó. Nói cho ba mẹ biết những hoạch định, suy nghĩ của mình, tạo niềm tin cho gia đình để họ yên tâm rằng không có họ bên cạnh, bạn vẫn có thể xoay sở.
Vậy nên cuộc sống du học, khi bắt đầu cho một chặng đường mới với nhiều trải nghiệm cả niềm vui cùng những khó khăn thử thách, bạn cần có một tâm thế sẵn sàng và kiên định. Dù trải nghiệm hoàn cảnh nào, tự túc “đơn thương độc mã” hay sống cùng người thân họ hàng hãy mạnh mẽ, kiên cường lên nhé. Một câu nói của ai đó rất hay rằng: “Khi bạn muốn kết thúc hãy nghĩ đến lý do để bạn bắt đầu”. Chúc bạn thành công.