Càng xem Quỳnh Búp Bê càng thấy phụ nữ dựa vào chính mình là yên tâm nhất!
Xem Quỳnh Búp Bê, anh Cảnh đi lại có anh Nghĩa đến, ai cũng mong Quỳnh và Lan sẽ có một người đàn ông đứng ra bảo vệ. Nhưng bạn có nhận ra rằng từ đầu đến cuối những cô gái trong Quỳnh Búp Bê chỉ có thể dựa vào chính mình hoặc nương tựa vào nhau.
Xem những hình ảnh được cho là rò rỉ đoạn kết của Quỳnh Búp Bê, nhiều người không khỏi cảm thấy sốc. Chẳng nhẽ cuối cùng Nghĩa (Duy Hưng) lại bỏ mạng dưới tay My Sói (Thu Quỳnh) thật sao? Vậy là người đàn ông chân chính duy nhất còn sót lại, niềm hy vọng cuối cùng của chị em cũng sẽ tan như mây khói thật sao? Mà ngẫm lại, từ đầu đến cuối nào có ai che chở được cho Quỳnh (Phương Oanh) hay cứu vớt cuộc đời Lan (Thanh Hương).
Quỳnh – tưởng vớ được cọc, ai ngờ chỉ là rễ bèo
Vốn là nhân vật chính nên Quỳnh được ưu ái xây dựng nên một câu chuyện đời gắn với nhiều người đàn ông hơn cả. Quỳnh xuất thân là một cô gái miền núi, chân chất, thật thà. Cha Quỳnh mất sớm nên như các cụ đã nói “Còn cha gót đỏ như son/ Đến khi cha chết gót con đen sì”, cuộc đời Quỳnh rẽ sang một trang mới đầy u tối và tủi nhục. Mất đi người đàn ông giúp mình gánh vác cả bầu trời, Quỳnh lại có một người cha dượng khác máu tanh lòng, người đã cưỡng hiếp đến mức cô có thai.
Thời còn làm gái ở Thiên Thai, Quỳnh toan lợi dụng Phong (Trọng Lân) để muốn một bước leo lên làm bà chủ. Ai ngờ Phong ác quá nên Quỳnh đâm sợ hãi, cảm thấy không thể dựa vào được nữa. Thế là bao nhiêu tất cả hy vọng của đời Quỳnh lại dồn sang Cảnh (Doãn Quốc Đam), Quỳnh nói với Cảnh hãy mang hai mẹ con cô đi thật xa.
Quỳnh với Cảnh không phải là sự lợi dụng lẫn nhau, giữa họ còn hơn cả một chữ “yêu” nữa. Đó chính là lòng thương, sự đồng cảm giữa những kẻ cùng đường như nhau. Tiếc là số Quỳnh không tài nào thoát khỏi kiếp “hồng nhan bạc phận”. Hai người dắt tay nhau đi trốn, tưởng đã thoát khỏi “động quỷ” nhưng rồi Cảnh lại gục chết ở cổng thiên đường. Tự do đối với Quỳnh còn có nghĩa lý gì khi bên Quỳnh không còn Cảnh cũng chẳng có con.
Cuộc đời Quỳnh như nước chảy bèo trôi, dạt vào bến trong thì được nhờ, sa vào bến đục thì phải chịu. Dòng đời xô đẩy thế nào Quỳnh lại gặp được Thịnh (Hải Anh), một người đàn ông hiền lành, tử tế, lại là ông chủ của Quỳnh. Nhưng người đàng hoàng thì đời nào chấp nhận một người từng là gái giang hồ như Quỳnh? Cuối cùng Thịnh cũng chẳng thể vượt qua những định kiến, áp lực mà ở bên Quỳnh đến cùng. Người phụ nữ như Quỳnh, muốn được hạnh phúc thì phải gặp được người đàn ông mạnh mẽ, có lòng vị tha vô cùng lớn mà tìm được người đàn ông như thế, có lẽ còn khó hơn cả lên trời.
Những người đàn ông từng lướt qua cuộc đời Quỳnh chẳng có ai đủ chắc chắn cho Quỳnh dựa vào, họ chỉ có thể là những chiếc rễ bèo để Quỳnh bám víu trong những thời khắc ngắn ngủi mà thôi.
Lan – hóa điên dại cũng chỉ vì đàn ông
Nếu anh chồng hụt của Lan không khốn nạn đến thế, nếu cha của Lan không hà khắc đến thế, nếu anh trai Lan mạnh mẽ hơn thì có lẽ đời Lan đã đỡ khổ hơn một tí. Tại sao cô lại chấp nhận lấy một người mà ngay từ đầu cô đã biết anh ta là loại chẳng ra gì? Thì cô cũng nào có ra gì? Thân từng làm gái còn mong gì kén chọn, còn mơ gì hạnh phúc? Đời người đàn bà khổ đến thế là cùng, lúc nào cũng phải kiếm người đàn ông để bấu víu. Lan bảo cô chỉ cần có đứa con, có cái để mà hy vọng thôi, rồi cuộc đời đến đâu thì đến. Nhưng dòng đời lại đưa cô đến một kết cục mà cô chẳng thể nào ngờ.
Lan không có cơ hội tìm một người đàn ông mang cho mình hạnh phúc, khi những người đàn ông ruột thịt trong chính gia đình cũng chẳng bảo vệ được cô. Cô bị cha ruột khinh ghét, hắt hủi vì quá khứ từng làm gái. Đến tận lúc chết ông vẫn không tha thứ, khiến Lan phải mang mặc cảm tội lỗi suốt đời. Lan có anh trai nhưng người đàn ông bần cố nông ấy, ngoài việc dắt trâu ra đồng lại xách cày về thì có làm được điều gì hơn nữa đâu. Trong gia đình anh ta vẫn là người đối xử với Lan tử tế nhất, nhưng bấy nhiêu thôi cũng chẳng đủ chống đỡ cho những gì Lan đã phải chịu đựng. Cả thế giới làm Lan phát điên, cô không thể sống như một người bình thường được nữa.
My Sói – lọc lõi, thạo đời nhưng lại yêu một tên khốn
My Sói, kẻ luôn ngạo mạn tự nhận mình “ngon”, là cựu “vơ đét” của Thiên Thai ngày ấy lại chưa bao giờ yêu được người đàn ông tử tế. My từng “câu dẫn” Cảnh, không rõ vì lợi dụng hay thật lòng nhưng bị Cảnh cự tuyệt phũ phàng. Sau đó My trở thành người yêu của Kiên, một kẻ ngoài cái mã ra thì chẳng được cái gì. My yêu Kiên như nuôi trai bao vậy, mang tiếng người yêu mà nào có được danh chính ngôn thuận bao giờ, Kiên luôn lấy nghề nghiệp của My ra làm cái cớ để được “yêu kín”, không công khai với mọi người.
Xem Quỳnh Búp Bê, nhiều khán giả chẳng hiểu Kiên có gì hấp dẫn mà khiến kẻ sành sỏi như My Sói đến non tơ như Đào đều dính “bả”. Kiên có học thức, làm giảng viên đàng hoàng mà lại là kẻ đào mỏ. Đã thế Kiên còn lén lút, dùng tới hai chiếc điện thoại để tiện bề “cua” gái. Đào ngây thơ dễ bị dụ đã đành, My Sói lọc lõi, thạo đời đến thế mà sao vẫn đâm đầu vào một kẻ chẳng ra gì thế My?
Thế nên càng xem Quỳnh Búp Bê càng ngộ ra chân lý: đừng có mất thời gian đợi người đàn ông nào đến cứu vớt cuộc đời mình. Phụ nữ, tốt hơn hết chỉ có thể dựa vào chính mình. Đó mới là chỗ dựa vững chắc nhất.