Người Canada: Khi nỗi cô đơn trở thành “món đặc sản” đầy nguy hiểm
Gió lạnh thổi hun hút trong một chiều thứ Bảy cuối mùa thu dọc con phố Ottawa, thành phố Kitchener (bang Ontario, Canada).
Quãng 5 giờ chiều thì trời đã bắt đầu tối và vắng người qua lại. Ở sân sau căn nhà số 311, trong ánh đèn mờ đục, một người đàn ông chừng 50 tuổi lúi húi bật bếp chiếc lò nướng ngoài trời, đặt lên đó 2 miếng burger. Thêm vài chai bia, đó là bữa tối BBQ cuối tuần lý tưởng cho người đàn ông độc thân như George. Trong căn bếp nhà số 319 cùng dãy phố, Rob cũng chừng 50 tuổi đang khui mấy thứ đồ hộp cho vào lò vi sóng. Đó là bữa tối của anh và con chó béo tròn Khloe. Anh cũng sống độc thân hơn 10 năm sau ngày ly dị vợ và con gái. Căn nhà chúng tôi nằm giữa, một cặp vợ chồng người Việt cùng 3 đứa con, cũng đang chuẩn bị bữa tối và chờ thêm vài người khách đồng hương.
Tưởng như cởi mở mà lại cô đơn và khép kín
Hình ảnh người Canada sống độc thân (hộ gia đình 1 người) không có gì lạ. Tổng điều tra dân số cho biết có 28% người Canada trưởng thành sống một mình, cao nhất kể từ khi lập quốc năm 1867, và cao nhất so với các nhóm hộ gia đình còn lại. Cơ quan Thống kê Canada cũng báo cáo rằng cứ 4 trong 10 cặp kết hôn ở Canada kết thúc bằng ly hôn (cao nhất ở Quebec là 5/10), và tỷ lệ hộ gia đình không có con đã vượt trên tỷ lệ hộ gia đình có con. Nghiên cứu mới đây năm 2017 trên các trường đại học cao đẳng toàn quốc đưa ra con số 66% sinh viên “cảm thấy rất cô đơn” trong năm qua, 30% “cảm thấy rất cô đơn” trong 2 tuần trước, và sự cô đơn ở sinh viên nữ nhiều hơn nam.
Nhận xét về điều này, David Ness, giám đốc tư vấn cho sinh viên trường Đại học Manitoba phát biểu, “Có tới 30,000 sinh viên trong khu học xá, cùng vài ngàn cán bộ nhân viên. Người đông đến vậy, nhưng nhiều sinh viên vẫn thấy hoàn toàn cô đơn. Họ phải có các kỹ năng cá nhân để kết nối với ai đó”. Khách du lịch và những người lần đầu đến Canada có thể cảm nhận rằng cuộc sống có màu sắc văn minh lịch sự, và mọi thứ dường như rất ổn. Người Canada gặp nhau trên đường dù không quen biết vẫn hỏi thăm nhau một câu kinh điển “Hi! How are you?” (Xin chào, anh/chị khỏe không?) và câu trả lời cũng luôn kinh điển “I am good. Yourself?” (Tôi ổn, bạn thế nào?).
Những câu hỏi đáp này mang đầy tính xã giao, áp dụng mọi nơi, mọi lúc, người quen, đồng nghiệp hay chưa từng gặp, và nó không có nghĩa sẽ bắt đầu cho một cuộc hội thoại cởi mở hơn. Hầu hết sẽ đi vào ngõ cụt ngay, bởi các chủ đề hội thoại là rất giới hạn. Những chủ đề cá nhân như việc làm, thu nhập, con cái, hôn nhân, sinh hoạt gia đình, đảng phái là tuyệt đối cấm kỵ trừ khi rất thân thiết hoặc ai đó tự mở lòng. Đồng nghiệp hay hàng xóm chỉ nói với nhau những thứ vô thưởng vô phạt về thời tiết, vật nuôi, cắm trại mùa hè, trượt tuyết mùa đông, và tốt nhất thì đừng phàn nàn gì. Canada không có gì nổi trội về khoa học, văn hóa, thể thao hay giải trí nên việc bình luận về một bộ phim hay, một chương trình TV tốt, một nghệ sĩ hay chính trị gia được yêu mến là điều hiếm khi xảy ra.
Canada là một đất nước của sự tĩnh lặng, ở mọi khu dân cư, ngoại trừ khu vực downtown của các thành phố lớn. Có lẽ phong cách Anh (Canada đang thuộc chế độ quân chủ lập hiến của nữ hoàng Anh), khí hậu lạnh và dân cư thưa thớt có những ảnh hưởng nhất định ở đây. Nhân viên công sở, nhà nước, trường học tương đối kiệm lời. Phong cách công sở của Canada đề cao làm việc nhóm, nhưng lại yêu cầu không tạo ra mâu thuẫn, nên các cuộc họp thường không có tranh cãi gay gắt, mang đầy tính thỏa hiệp với các giải pháp an toàn, trách nhiệm tập thể. Văn hóa công sở và cũng như ngoài đời, người Canada kiên nhẫn và ít phản biện, vì thế các đề nghị đột phá nhìn chung ít khi được chấp thuận. Khá giống với Việt nam, cuối mỗi năm cán bộ nhân viên đều phải nộp những nhận xét lẫn nhau lên bộ phận nhân sự, nên tốt nhất là không tạo ra mâu thuẫn với bất kỳ ai.
Các sinh viên nước ngoài, nhất là từ châu Á, khi du học Canada đừng quá trông đợi sự cởi mở, thân thiện của các bạn sinh viên bản xứ và cả thầy cô giáo. Họ lịch sự vừa đủ, lặng lẽ và khép kín. Sẽ rất ít khi thấy người Canada bộc lộ suy nghĩ thực và thẳng thắn về một điều gì đó, ngay cả của chính họ. Các lớp học trong trường phổ thông Canada cũng hiếm khi ồn ào, lũ trẻ trông ngoan, ít mơ mộng, tự tạo những rào chắn trong giao tiếp và không thích lắm những trò đùa cợt thường thấy. Lớp học trong trường đại học thường kết thúc bài giảng đúng giờ, bởi các sinh viên không ham tranh luận. Người Mỹ thường bộc lộ tính cách và cảm xúc của họ tức thời và mãnh liệt khi chứng kiến một điều gì đó khác thường hay một sự kiện rất vui, thì ngay cả khi được hỏi, người Canada có thể nói “Tôi rất vui” với một giọng chậm rãi và thờ ơ. Đối với người Canada, Mỹ là “gã hàng xóm” thô lỗ và ồn ào.
Trong văn hóa châu Á, gia đình là thành lũy và chỗ dựa quan trọng cho mọi thành viên, nên ít nhiều những người bước vào tuổi trưởng thành thường ỷ lại. Người Canada cũng như nhiều quốc gia khác, coi trọng sự tự lập và thường bắt đầu năm 18 tuổi, bao gồm cả tự lập tài chính. Điều đó mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng mang đi rất nhiều mối dây liên hệ với gia đình.
Cha mẹ không trợ giúp nhiều và không can thiệp cuộc sống riêng của con, nên nhiều sự kiện quan trọng như đổi chỗ làm, lập gia đình, sinh con, mua nhà đều là riêng tư và có thể tùy chọn để chia sẻ. Vì công việc, vì địa lý, các thành viên trong gia đình có khi chỉ gặp nhau một lần mỗi năm, hay nhiều năm. Thay vào đó là văn hóa gửi thiệp trong mọi sự kiện, những tấm thiệp màu sắc, ghi sẵn những dòng chữ yêu thương kinh điển, nhưng vô cảm.
Sự cô đơn nguy hiểm
Cô đơn mang tới nhiều hệ lụy. Bộ y tế Canada đưa ra cảnh báo rằng cô đơn còn nguy hiểm hơn cả béo phì ở quốc gia này, và nó mang tới tình trạng rối loạn tâm thần, trầm cảm, và lạm dụng các chất gây nghiện. Trung tâm nghiện chất và sức khỏe tâm thần của Canada đưa ra con số rằng ở bất kỳ năm nào, cứ 1 trong 5 người Canada đã hay đang mắc rối loạn tâm thần, và ở tuổi 40, 1 trong 2 người Canada đã hay đang mắc rối loạn tâm thần.
Khoảng 4,000 người Canada tự tử mỗi năm, và chỉ trong năm 2017, 3 sinh viên tại đại học Waterloo của tôi đã tự tử theo cùng một cách: nhảy từ lầu cao xuống đất. Trong lứa tuổi phổ thông, 34% học sinh trung học tại tỉnh bang Ontario được xác nhận là có rối loạn tâm lý (lo lắng hay trầm cảm) ở mức độ vừa đến nặng. Con số mới nhất từ trung tâm nghiên cứu Đại học Waterloo cho biết 76% học sinh trung học Canada (lớp 9-12) đã từng uống rượu (nam nữ bằng nhau), và 36% học sinh trung học Canada đã từng sử dụng cần sa (nam nhiều hơn nữ). Một đất nước phát triển không hề đảm bảo rằng cuộc sống của các cá nhân là lành mạnh.
Các chương trình và giải pháp được công bố rầm rộ trên thông tin đại chúng nhưng tình trạng vẫn không hề được cải thiện. Thời gian chờ đợi trung bình ở Ontario cho việc được nhận tư vấn và liệu pháp điều trị là 6 tháng đến 1 năm. 75% trẻ em rối loạn tâm thần ở Canada không nhận được dịch vụ điều trị chuyên khoa.
Khi cô đơn thành “đặc sản”
Cô đơn ở Canada đã là một đặc sản, một thuộc tính cố hữu. Sự cô đơn ở Canada có thể mường tượng như khi bạn nghe bài hát “Hey You” của nhóm Pink Floyd về những người giam mình trong bốn bức tường. Thậm chí còn hơn thế, sự cô đơn dễ thấy ngay cả trong dòng người đông nghẹt đang đi trên phố, hay trong siêu thị mua bán. Họ đi qua nhau, và như không có bất kỳ sự liên hệ nào. Những người Canada có cơ hội sống ở nước ngoài, như Jesse Peterson đang ở Việt Nam làm giáo viên và nhà báo, đều tìm thấy niềm vui và hạnh phúc mà họ chưa hề có. Bạn đọc anh ấy xem.
Joe Ruelle, blogger nổi tiếng người Canada từng sống ở Việt nam với nickname Dâu, tác giả 2 cuốn sách tiếng Việt, nói rằng người Việt nam có thể dạy rất nhiều cho người Canada về cuộc sống gần gũi của gia đình, tận hưởng hạnh phúc đang có và sự gắn kết thành viên trong cộng đồng. Jesse và Joe không khen xã giao, họ nói đúng sự thật thôi.
* Mọi nhân vật trong bài là người thực, với tên thật, và đồng ý được đưa lên báo.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
TS, BS Nguyễn Công Nghĩa (Đại học Waterloo, Ontario, Canada) /Thời đại