Việt Nam chế thiết bị đặc biệt, tự sửa chữa tàu ngầm
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả nhưng vận hành phải đơn giản, Việt Nam đã sản xuất được thiết bị đặc biệt trang bị trên tàu ngầm Kilo.
Chế thành công thiết bị mới
Theo truyền hình QPVN, nguồn năng lượng chính khi lặn dưới biển của tàu ngầm Kilo được lấy từ hệ thống ắc quy công suất lớn được đặt ở hai khoang riêng biệt trên tàu.
Khi thiết kế, nhà sản xuất đã xây dựng một hệ thống đặc biệt chuyên hỗ trợ cho trắc thủ giám sát và vận hành tổ hợp hai buồng ắc quy trên. Đó chính là hệ thống SKDAB (СКДАБ), hệ thống kiểm tra và dự báo hỏng hóc ắc quy.
Hình ảnh thiết bị kiểm tra SKDAB.
Nhưng do nhà sản xuất luôn tìm cách cải tiến các hệ thống điện tử, khí tài điện tử trên tàu theo hướng hiện đại hóa và tích hợp cao, gây ra khó khăn trong công tác bảo đảm kỹ thuật.
Một sáng kiến tiêu biểu đã góp phần làm tăng độ ổn định, độ bền của vũ khí trang bị kỹ thuật, tiết kiệm thời gian, công sức của bộ đội, trở thành trợ thủ đắc lực trong kiểm tra, phát hiện hỏng hóc đối với phần mềm và phần cứng của hệ thống SKĐAB để từ đó đưa ra phương án khắc phục đảm bảo hoạt động thông suốt cho hệ thống.
Đó chính là “Thiết bị cầm tay kiểm tra ắc quy và hệ thống SKDAB trên tàu ngầm Kilo-636” của Viện Công nghệ thông tin (Viện CNTT) thuộc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Viện KHCNQS).
Thiếu tá Phạm Văn Hậu, Nghiên cứu viên phòng Đảm bảo kỹ thuật, Viện CNTT, Viện KHCNQS, Chủ nhiệm đề tài cho biết, để có được sản phẩm hoàn chỉnh, phải kết hợp khảo sát quá trình trắc thủ vận hành, bảo dưỡng với bản chất của hệ thống.
Khi chưa có thiết bị, trắc thủ phải chui xuống hầm ắc quy và tháo lên, mang về trạm để kiểm tra. Nhưng khi có thiết bị, có thể cầm trực tiếp xuống tàu và lắp, kết nối với thiết bị.
Sản phẩm trong nước sẽ đọc những thông số từ đối tượng và hiển thị, từ đó đưa ra cảnh báo về các chỉ số vượt ngưỡng (điện trở cách điện, mức axit, nhiệt độ, điện áp ắc quy) hoặc vấn đề gì đang trục trục trặc. Từ đó, trắc thủ có thể xử lý ngay tại chỗ, thay thế tại tàu hoặc có biện pháp phù hợp, không cần mang lên trạm kiểm tra.
Tự bảo dưỡng tàu ngầm
Không chỉ sản xuất thành công thiết bị đặc biệt bắt bệnh cho tàu ngầm, theo hình ảnh do Báo Hải quân đăng tải mới đây cho thấy Nhà máy X52 (Cục kỹ thuật Hải quân) đã có thể đưa tàu ngầm vào bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định.
X52 là dự án trọng điểm của Bộ Quốc phòng nhằm xây dựng một trong những nhà máy đóng tàu quy mô nhất toàn quân, sau gần 2 năm triển khai thì chương trình này đã sắp hoàn thành.
Kiểm tra kỹ thuật tàu ngầm Kilo 636 tại Nhà máy X52.
Trong khi chờ hoàn thiện cơ sở vật chất, Nhà máy X52 đã chủ trì lưu động sửa chữa kết thúc bảo hành 1 tàu ngầm và bảo dưỡng kỹ thuật nhiều tàu ngầm khác tại đơn vị, đây là tiền đề để cấp trên tin tưởng giao những nhiệm vụ khó hơn.
Mục tiêu được đề ra của X52 đó là đến năm 2019 có thể đưa tàu ngầm vào bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định của nhà sản xuất ngay tại nhà máy, thay vì sửa chữa lưu động tại cảng đơn vị vốn khó đảm bảo mọi điều kiện tối ưu.
Tuy nhiên, căn cứ vào bức ảnh mới nhất do Báo Hải quân Việt Nam đăng tải thì tiến độ hoàn thành dự án có vẻ như đã vượt dự kiến, khi đã có tàu ngầm vào Nhà máy X52 để tiến hành công tác kiểm tra kỹ thuật và bảo dưỡng.
Như vậy cái đích gần nhất của Nhà máy X52 đó là tự tin sửa chữa các hạng mục trên tàu ngầm vốn yêu cầu độ phức tạp, chính xác và trình độ cao đã được vượt qua, sắp tới đơn vị sẽ tiến bước tới những chân trời mới xa hơn.
Để làm được điều này, lực lượng chuyên môn kỹ thuật được lựa chọn cử đi đào tạo trong và ngoài nước, cán bộ kỹ thuật công nghệ có kinh nghiệm trong thiết kế, nghiên cứu đóng mới và sửa chữa tàu thuyền không ngại nhận nhiệm vụ khó.
Không chỉ có nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật tàu ngầm, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam còn thông tin rằng tương lai của X52 phải là một trong những nhà máy đóng tàu có quy mô lớn nhất toàn quân, đây là một chỉ dấu rất đáng lưu ý.
Thực tế cũng chỉ ra rằng bên cạnh vai trò đảm bảo kỹ thuật cho tàu ngầm, rất nhiều lớp tàu chiến mặt nước cũng như tàu vận tải cũng đang vào Nhà máy X52 để tiến hành sửa chữa lớn, cho thấy tính đa năng của đơn vị.
Hy vọng rằng trong tương lai không xa, từ Nhà máy X52 sẽ cho ra đời những chiến hạm cả tàu nổi lẫn tàu ngầm với lượng giãn nước lớn và vũ khí trang bị hiện đại để bảo vệ vững chắc chủ quyền tổ quốc trên biển.
Theo Tuấn Vũ/ Báo Đất Việt