Đừng nghĩ đơn giản về cuộc sống tại Australia
Cuộc sống và giá cả tại Úc cũng không hề rẻ chút nào, hai bó rau muống cũng cỡ 1,5 AUD, tứ là khoảng 28.000 VNĐ.
Tôi có vài lời xin chia sẻ cùng với tác giả bài viết Thu nhập 419 triệu nên ở lại Hà Nội hay sang Australia? và tất cả các bạn, những người đang có dự định sang Úc lập nghiệp
Tôi hiện đã học xong chương trình đại học tại University of New South Wales (UNSW). Tôi cũng vừa thành lập một công ty chuyên về website và ứng dụng, đồng thời cũng góp vốn tham gia thêm một công ty thứ hai chuyên tư vấn định cư, nghề nghiệp và học tập tại Úc.
Tôi nói qua đôi chút về mình để các bạn hiểu rằng tôi cũng có kha khá kinh nghiệm học, làm việc và kinh doanh tại Sydney nói riêng và Úc nói chung. Tôi xin chia sẻ với các bạn một số quan điểm như sau:
Thứ nhất, công việc của bạn trai chị Hà hiện là Financial Consultant (tư vấn tài chính), vậy thu nhập trung bình của anh ấy phải được 70.000 AUD/năm (hơn 1,3 tỷ VNĐ) trước thuế, (tính theo tỷ giá 1AUD = 19.073 VNĐ).
Tại sao lại có thể cao như thế? Vì trước tiên anh ấy sinh năm 1977, những người như thế chắc chắn phải có nhiều kinh nghiệm. Ở Úc, càng lớn tuổi, số tiền công ty phải trả cho những nhà tư vấn càng cao.
Anh ấy nói với chị anh ấy được 40.000 AUD/ năm (gần 763 triệu VNĐ) sau thuế. Đây là mức lương còn thua cả một sinh viên chạy bàn ở những nhà hàng khá tốt tại Úc.
Lương công việc tay chân cấp cao bên này trung bình là 20 AUD/giờ (381 nghìn VNĐ). Một ngày làm 8 giờ, vị chi 160 AUD/ngày (hơn 3 triệu VNĐ). Một năm sẽ có thu nhập khoảng 56.960 AUD (hơn 1 tỷ VNĐ) trước thuế, đấy là chưa kể lương, thưởng cuối năm, tiền tip (bo) và tiền được thưởng thêm nếu sinh viên làm việc luôn những ngày cuối tuần hoặc những dịp nghỉ lễ.
Tôi xin nói một chút về mức thuế bên này cho chị rõ, mức thu nhập từ 0-18.200 AUD không phải trả thuế. Từ 18.201-37.000 AUD sẽ đóng thuế 19%. Thu nhập từ 37.001-80.000 AUD, thuế phải trả là 3.572 + 32.5% của số tiền vượt quá 37.000 AUD. Vậy với 56.960 AUD/năm (hơn 1 tỷ VNĐ), thuế phải trả là 32.5% x (56.960 – 37.000) + 3572 = 10.059 AUD (gần 192 triệu VNĐ). Số tiền bạn sinh viên nhận được sau thuế là 46.901 AUD/năm (hơn 894 triệu VNĐ).
Như chị thấy số tiền sau thuế của chồng tương lai của chị và một sinh viên đại học nhận được một năm không quá chênh lệch. Nhưng có một sự khác biệt cực kỳ lớn giữa công việc, kinh nghiệm, tuổi đời của cả hai.
Tại sao lại có thể như thế? Với sự khác biệt về kinh nghiệm và tuổi tác trên mà lương của anh ấy nhận được mỗi năm còn thua cả một sinh viên ư? Chưa hết, anh ấy còn là người New Zealand thì chắc chắn anh ấy phải được trả cao hơn sinh viên. Bởi với quốc tịch New Zealand, anh ấy đuợc xem giống như là người Úc rồi.
Tôi nghĩ chị nên cẩn thận, xem xét kỹ người bạn của mình. Tôi không biết nhiều về anh ấy ngoại trừ những thông tin qua lời kể của chị, nhưng tôi cảm thấy chị nên cẩn thận với anh bạn này.
Hai là tôi muốn chia sẻ về vấn đề sang Úc làm việc cùng chồng tương lai của chị. Thị trường việc làm tại Úc hiện nay cần nhất những ngành mà người Úc thường không theo đuổi, chẳng hạn như kế toán, y tá, bác sĩ…
Đối với ngành nghề HR (nhân sự) mà chị đang theo đuổi, chị sẽ rất khó khăn khi muốn tìm việc tại đây. Vì người Úc theo học những ngành như HR, PR, marketing, kinh doanh rất nhiều mà họ còn khó kiếm việc, thì trong trường hợp của chị để kiếm việc đúng với lĩnh vực của chị là cực kỳ khó khăn.
Thị trường công việc văn phòng được chính phủ Úc rất quan tâm, họ thường động viên các doanh nghiệp phải mướn người Úc. Đơn cử như trường hợp công ty của tôi, để thành lập nó tôi phải có ít nhất một Director (giám đốc) là người có quốc tịch (PR) Úc hoặc là công dân Úc (citizenship).
Thứ ba là việc mua căn hộ trả góp tại Úc, điều này không khó. Chị có thể vay đến 80% với lãi suất dao động 5% nếu chị chứng minh được thu nhập của mình bên Việt Nam đủ để trả lại ngân hàng vaà còn một số điều kiện khác chị phải hoàn thành trước khi được vay.
Thứ tư là vấn đề sinh sống và làm việc tại bang Canberra, thành phố này có khoảng 411.000 dân. Mức thuê nhà ở đây trung bình trên cả bang là 420 AUD/tuần (8 triệu), mức thuê cao thứ ba trên cả nước Úc. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,2 – 3,9 % với khoảng 168 doanh nghiệp phá sản mỗi năm. Trong khi đó chỉ có khoảng 24.825 doanh nghiệp đang hoạt động tại bang này.
Tôi xin gởi chị một số thông tin về cái nhìn về khía cạnh tài chính kinh tế của bang Australia Capital Territory, thành phố Canberra. Từ đó chị có thể thấy rằng tìm việc tại Sydney đã là một chuyện cực khó và tìm việc tại Canberra lại còn khó khăn gấp nhiều lần.
Giá cả các mặt hàng sinh hoạt thường ngày tại Úc không hề rẻ chút nào.
Tôi cũng muốn nói với chị rằng cuộc sống tại đây cũng không hề rẻ chút nào, đơn cử 1kg cá basa giá 8 AUD (hơn 152 nghìn VNĐ), 1kg đùi gà là 5 AUD (hơn 95 nghìn VNĐ), 1kg thịt heo khoảng 10 AUD (190 nghìn), hai bó rau muống cũng cỡ 1.50 AUD và một trái dừa cũng 1.50 AUD (gần 29 nghìn)…
Tiền ăn uống khoảng 120 AUD/tháng (gần 2,3 triệu) cho một người đó là thực đơn rất tiết kiệm, không cầu kỳ. Tiền nhà tầm 700 AUD/tháng/người (hơn 13 triệu) nếu chị mướn những căn nhà xa xa thành phố một chút như ở khu người Việt tại Cabramatta.
Tiền đi lại khoảng 200 AUD/tháng (3,8 triệu) với phương tiện chính là tàu lửa và xe buýt. Rồi còn tiền bảo hiểm, tiền sinh hoạt chung, tiền thuốc men mỗi khi trở trời … Vị chi tất cả vào khoảng 1500 AUD/tháng/người (gần 29 triệu). Đấy là tôi tính theo kiểu sinh viên qua Úc du học. Nếu chị đang muốn lập gia đình thì các chi phí có thể tăng lên 1,5% hoặc gấp đôi.
Cuối cùng tôi muốn nói rằng cuộc sống ở Úc không hề đơn giản. Mọi chuyện đều sẽ rất khó khăn nếu chị không có một người thân bên Úc lẫn ở Việt Nam hướng dẫn cho chị tường tận những gì chị sẽ phải trải qua và làm thế nào để thành công hay đơn giản hơn có một công việc ổn định.
Về vấn đề visa thì tôi nghĩ chị không phải lo nếu chị cưới anh chàng New Zealand kia. Nhưng như tôi đã nói ở trên, chị nên xem xét cẩn thận những gì anh ấy nói với chị.
Qua Úc là một lựa chọn chính xác nhưng đi như thế nào, đi với ai, qua bên đó rồi kiếm việc ra sao, những cơ hội nào để mình có thể nhập được quốc tịch và được ở lại? Đó là những câu hỏi tôi nghĩ chị nên tìm câu trả lời trước rồi mới tính đến chuyện sang Úc cùng anh chàng ấy.
Nếu chị không giải đáp được những câu hỏi và những vấn đề tôi đã nêu ở trên thì tôi khuyên chị cứ ở Việt Nam cho lành. “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục quê nhà vẫn hơn”.