Thế nào thì gọi là đình, đền, chùa, miếu, phủ?
Tâm linh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người Việt. Dọc dải đất hình chữ S có rất nhiều địa điểm thờ cúng như đình, đền, chùa, miếu, phủ,… tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được sự khác biệt về ý nghĩa cũng như nghi thức thờ cúng ở những địa điểm đó.
Phân biệt đình, đền, chùa, miếu, phủ
Đình là gì?
Đình là nơi thờ Thành hoàng của các làng, đồng thời là nơi hội họp, bàn việc của dân làng. Đình được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.
Thành hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề). Dưới các triều vua thường có sắc phong cho Thành hoàng, vì hầu hết Thành hoàng đều có công với nước. Dân làng, hay phường hội đi lập nghiệp nơi khác cũng xây miếu, đền thờ Thành hoàng quê gốc của mình tại nơi ở mới.
Đình làng Nghĩa An (Ảnh minh họa: Di sản Quảng Trị)
Xung quanh ngôi đình thường có những cây đa cổ thụ, hồ sen và một khoảng sân vẫy gọi chim về làm tổ. Kiến trúc đình làng cũng mang đậm dấu ấn văn hóa độc đáo và tiêu biểu cho điêu khắc truyền thống. Đình thường cao ráo, thoáng mát, nóc có tượng đôi rồng lượn tranh lấy quả châu, trên các thanh xà ngang là những bức hoành phi câu đối. Nơi thiêng liêng nhất để thờ thần là điện thờ.
Thời xưa, đình làng là trụ sở hành chính của chính quyền tựu trung đủ mọi lề thói từ rước xách hội hè, khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt, họp việc làng, xử kiện cùng những quy củ nhất định, có sự phân biệt chiếu trên, chiếu dưới.
Đến thế kỷ 18, Việt Nam có khoảng 11.800 làng xã, mỗi làng có một cụm kiến trúc với tôn giáo đình đền chùa với hàng trăm pho tượng và những đồ thờ cúng trang trí khác nhau. Có thể nói thế kỷ 16 – 18 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đình làng với những tên đình danh tiếng như: Thổ Hà, Trùng Thượng, Trùng Hà, Tây Đằng, Chu Quyến, Hoàng Sơn… Nhưng do tàn phá của chiến tranh, điều kiện môi trường, thiên nhiên, mưa nắng mà bóng dáng của những ngôi đình cổ truyền thống dần dần mai một.
Đền là gì?
Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị Thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian.
Đền Hùng (Ảnh minh họa: Vietlike Travel)
Các đền nổi tiếng có thể kể đến ở nước ta như Đền Hùng, đền Kiếp Bạc, đền Sóc, đền Trần… thờ các anh hùng dân tộc.
Đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Quán Thánh… thờ các vị thánh theo truyền thuyết dân gian.
Chùa là gì?
Chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni. Mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, chiêm bái, vãn cảnh, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ Phật giáo.
Ở một số nơi, chùa cũng là nơi cất giữ xá lị và chôn cất các vị đại sư.
Chùa Hang (An Giang) (Ảnh minh họa: Me trip)
Miếu là gì?
Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có quy mô nhỏ hơn đền. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, thể hiện ở tên gọi của miếu – tên gọi theo đối tượng được thờ thường phiếm chỉ và tượng trưng.
Ví dụ: miếu Cô, miếu Cậu, miếu thờ thần núi gọi chung là miếu Sơn thần, miếu thờ thần nước gọi là miếu Hà Bá hoặc miếu Thủy thần. Miếu thờ thần đất gọi là miếu thổ thần hoặc thần Hậu thổ.
Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân sinh. Ở một số nơi, trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày hiện hóa (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị.
Ba Thắc cổ miếu (Sóc Trăng) (Ảnh minh họa: Thanh Niên)
Phủ là gì?
Phủ là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu (tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam). Một số nơi thờ tự (ở Thanh Hóa) gọi đền là phủ. Có thể hiểu Phủ là nơi thờ tự Thánh Mẫu khá sầm uất, mang tính chất trung tâm của cả một vùng lớn, vượt ra ngoài phạm vi địa phương, thu hút tín đồ khắp nơi đến hành hương (tương tự như chốn Tổ của sơn môn đạo Phật).
Ngôi phủ sớm nhất còn lại hiện biết là điện thờ các thần vũ nhân ở chùa Bút Tháp, có niên đại vào giữa thế kỷ XVII.
Phủ Tây Hồ (Hà Nội) (Ảnh: Trip Advisor)
Nghi lễ thờ cúng ở đình, đền, chùa, miếu, phủ
Lễ vật
Lễ chay gồm hương hoa, trà, quả… dùng để dâng Phật, Bồ Tát. Lễ chay cũng được dùng để dâng ban Thánh Mẫu, tuy nhiên nếu dâng Thánh Mẫu thì cần chú ý sắm thêm đồ vàng mã như tiền vàng, nón, hài,…
Lễ mặn gồm thịt gà, lợn, giò, chả… được làm cẩn thận, nấu chín. Nếu có lễ này thì đặt tại bàn thờ Ngũ vị Quan lớn, tức là ban Công đồng.
Lễ đồ sống gồm có trứng, gạo, muối hoặc thịt mồi (1 miếng thịt lợn khoảng vài lạng). Đây là lễ dành riêng cho việc dâng cúng quan Ngũ hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Công đồng Tứ Phủ. Theo lệ thì 5 quả trứng vịt sống đặt trong 1 đĩa muối gạo; hai quả trứng gà sống dặt trong 2 cốc nhỏ, 1 miếng thịt mồi được khía thành năm phần (ko đứt rời), không nấu chín (để sống). Kèm theo lễ vật này cũng có thêm tiền, vàng mã.
Cỗ mặn sơn trang gồm những đồ như cua ốc, bún ớt, chanh quả… Nếu có gạo nếp cẩm nấu xôi, chè thì càng tốt (những đồ này sắm theo con số 15, mỗi loại 15 cái, tương ứng 15 vị được thờ tại ban Sơn Trang).
Lễ ban thờ Cô, thờ Cậu thường gồm đồ oản, quả, hương hoa, đồ vàng mã như hia hài, nón áo, gương lược… và những đồ vật tượng trưng những đồ chơi người ta hay làm cho trẻ nhỏ (cành hoa, con chim, chiếc kèn, cái trống…)
Lưu ý:
– Lễ Phật không dùng lễ mặn, vàng mã.
– Tiền giấy âm phủ và đồ vàng mã không được đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát.
– Không nên đặt tiền thật lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức.
– Lễ vật không bắt buộc, không cần câu nệ nhưng đã sắm thì phải đúng, đủ, đặt đúng nơi nếu không sẽ phản tác dụng.
(Ảnh minh họa: Giáo dục)
Dâng hương
Lễ Trình
Theo lệ thường, trước tiên phải lễ thần Thổ Địa (hay còn gọi là thủ đền) trước, gọi là Lễ Trình, cáo lễ với Thần linh cho phép được tiến hành lễ tại đền, chùa, miếu, phủ. Sau đó, bày lễ vật ra các mâm rồi đặt lên các ban.
Thứ tự đặt lễ
Khi dâng lễ phải kính cẩn dùng hai tay kính cẩn đặt lên các ban. Khi đặt lễ và hành lễ phải lễ từ ban thờ chính rồi mới ra tới ban ngoài cùng (thường lễ ban cuối cùng là ban thờ Cô, thờ Cậu). Chỉ sau khi đã đặt xong lễ vật lên các ban mới được thắp hương.
Thứ tự hành lễ (khấn vái)
1. Lễ tại ban thờ Đức Ông (Đức Chúa)
Đức Ông (hay còn gọi là đức chúa ông, thủ hộ già lam chân tể…) là người đã bỏ vàng ra lát khu vườn của Thái Tử Kỳ Đà nước Xá Vệ để nhằm mua được khu vườn xinh đẹp đó xây tịnh xá cúng dàng đức Phật đến thuyết pháp. Sau này hai người đã cùng dâng cúng khu vườn nổi tiếng đó lên đức Phật để làm một ngôi tịnh xá đó là Kỳ Viên Tịnh Xá.
Do công đức lúc sinh thời làm nhiều việc phúc và ủng hộ Phật pháp nên ngài được làm Long Thần hộ pháp tại các chùa (miền bắc Việt Nam). Trong tiềm thức dân gian ngài là vị thần Chủ tể của Chùa, là thập bát long thần ủng hộ Phật pháp và là vị thần trong coi trong chùa, bảo hộ cho trẻ em. Lễ Đức Ông trước xuất phát từ tục Lễ Ông tiền chủ, Bà tiền chủ trước khi tiến hành các nghi lễ khác.
2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh ba hồi chuông rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
3. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái đường. Khi thắp hương lên đều có ba hoặc năm lễ. Nếu chùa có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (Nhà Hậu)
5. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.
(Ảnh minh họa: Người Đồng Hành)
Thứ tự Hạ lễ
Sau khi đợi hết một tuần nhang, vái ba vái trước mỗi ban thờ rồi hạ tiền vàng để đem đi hóa. Khi hóa tiền vàng cần hóa từng lễ một, từ lễ ở ban thờ chính cho tới lễ ở các ban khác, cuối cùng là lễ ở ban thờ Cô, thờ Cậu. Hóa tiền vàng xong mới hạ lễ dâng cúng. Khi đặt lễ thì đặt từ Ban chính ra ban ngoài, còn khi hạ lễ thì ngược lại, phải hạ ban ngoài cùng đến ban chính. Riêng các đồ lễ ở ban thờ Cô, thờ Cậu như gương, lược… thì để nguyên trên ban thờ.
Thụ lộc sao cho đúng?
Dân gian quan niệm: “Lộc bất tận hưởng”, có nghĩa là phải “tản lộc” đi càng nhiều càng tốt thì mới tiếp tục nhận được nhiều lộc của Thần, Phật. Người nào hưởng lộc một mình là vô phúc, sẽ bị cô quả, cô độc. Vì thế, mỗi khi đi chùa, lên đình về mà có lộc thì các cụ đều chia cho con cháu. Nhà nào con cháu đông, phải chia lộc càng nhiều thì càng có phúc.
Sau buổi lễ, người đi lễ thường dành một phần lộc nhỏ đặt vào khay cúng với một số tiền tùy tâm để biếu người thủ đền, cũng coi như việc công đức cho nhà chùa, đền.
Huỳnh Hạ Vũ (tổng hợp)
Theo Đời sống & Pháp lý