Nhóm học sinh Bỉ đội nón lá Việt, giễu cợt châu Á giữa đại dịch Covid-19
Một bức ảnh chụp nhóm học sinh trường Waregem College (Bỉ) đang khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Nguyên nhân là bởi những người này đội nói lá Việt Nam, mặc đồ truyền thống châu Á và chế giễu người da vàng cũng như dịch Covid-19.
Dân mạng bức xúc vì nón lá Việt Nam, Kimono Nhật Bản, trang phục truyền thống Trung Quốc cùng dịch Covid-19 bị nhóm học sinh Bỉ lôi ra làm trò đùa
Ảnh: Chụp màn hình
Đem châu Á cùng đại dịch Covid-19 ra làm trò
Bức ảnh đang gây phẫn nộ từ cộng đồng người châu Á xuất phát từ một hoạt động của nhóm học sinh trường Waregem College của Bỉ. Trong ảnh, các cô cậu học trò người Bỉ đội nón lá Việt Nam, nam mặc áo mang phong cách Trung Quốc hay hóa trang thành gấu trúc, loài vật đặc trưng của đất nước tỉ dân. Trong khi đó, nữ diện trang phục Kimono của Nhật Bản. Trong nhóm, một nữ sinh tươi cười đưa tay lên mắt làm động tác “nhại” lại đặc điểm mắt híp của một bộ phận người châu Á. Đáng nói, nhóm này giơ tấm bảng ghi dòng chữ “Corona Time” với ý chế giễu dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ châu Á. Hình ảnh này sau đó đã được đăng lên trên mạng xã hội.
Hình ảnh nhóm học sinh Bỉ có những hành động kỳ thị người châu Á khiến dư luận tức giận
Ảnh: Chụp màn hình
Waregem1, một đài phát thanh của khu vực Waregem và Deerlijk (Bỉ), sau đó đã đưa tin về hoạt động của nhóm học sinh này cùng bức ảnh kể trên lên website của đài. Thêm vào đó, đơn vị kể trên cũng dẫn link tin lên fanpage nhà đài cùng dòng chú thích: “Các học sinh ở Waregem ăn mặc như người Trung Quốc và giới thiệu về virus Corona”. Cũng từ đây, bức ảnh bắt đầu thu hút sự quan tâm của cộng đồng châu Á. Không chỉ lên án hành động phân biệt chủng tộc của nhóm học sinh Bỉ, nhiều người phẫn nộ khi dòng chú thích để dòng chữ “ăn mặc như người Trung Quốc”. Hàng loạt ý kiến cho rằng người viết dòng chữ này không hiểu rõ văn hóa châu Á bởi trong ảnh không chỉ có đồ phong cách Trung Quốc mà còn có chiếc nón lá của Việt Nam và Kimono, quốc phục của Nhật Bản.
Sau khi nhận đủ lời chỉ trích từ cộng đồng châu Á, đài Waregem1 đã xóa bài trên website lẫn fanpage trên Facebook đồng thời đăng bài đính chính vào chiều 11.3 (giờ Việt Nam). “Website của chúng tôi hiện đang ngoại tuyến (tạm ngưng hoạt động). Một thông điệp đến từ những học sinh ở Waregem và những bộ trang phục của họ đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng châu Á. Xin đính chính về vấn đề này: những biên tập viên của chúng tôi chỉ báo cáo về những vấn đề có thật và chưa từng đưa ý kiến cá nhân của mình vào đó. Chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì với tấm ảnh cả, chúng tôi là một đài phát thanh, không phải một trường học. Bài viết có nhắc đến nguồn của bức ảnh, nó xuất phát từ một tweet (bài đăng Twitter)”, phía Waregem1 bày tỏ. Đơn vị phát thanh này nhấn mạnh: “Nếu như ai cảm thấy khó chịu bởi vấn đề này thì chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc báo cáo độc lập của mình, trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.
Đừng đùa cợt trên nỗi đau của châu Á
Những tưởng sẽ phần nào làm nguôi cơn giận từ dân mạng châu Á song bài viết đính chính của Waregem 1 giống như “châm dầu vào lửa”. Bên dưới bài đăng của đài phát thanh này cũng như trên mạng xã hội, cư dân mạng đồng loạt phản ứng gay gắt trước hành vi phân biệt chủng tộc cũng như trò đùa nhạy cảm giữa thời điểm dịch Covid-19 bùng phát toàn thế giới. Đa số ý kiến cho rằng hành vi của nhóm học sinh này là xem thường văn hóa, cũng như đụng chạm đến nỗi đau của châu Á, nơi có số người tử vong vì dịch bệnh đang ngày một gia tăng.
Sau khi nhận “gạch đá” từ người châu Á, đài phát thanh Waregem 1 đăng bài đính chính, khẳng định chỉ đưa tin đơn thuần và không liên quan đến bức ảnh
Ảnh: Chụp màn hình
Bình luận dưới bài viết đính chính trên trang fanpage Waregem1, một người Việt bức xúc: “Mọi người ơi, chúng ta hãy lập trang kêu gọi chữ ký, yêu cầu giải thích những hành động không tôn trọng văn hóa các nước, kỳ thị người châu Á, yêu cầu các bạn học sinh này phải công khai xin lỗi”. Một người dùng nhận xét: “Đây là bài viết “phản ánh sự thật”, Sự thật á? Ủa thế ổ dịch ở châu Âu như Pháp, Ý thì ở đâu? Sao không mặc đồ Pháp, Ý mà phản ánh”. Một người dùng phẫn nộ: “Thích đùa giỡn trên nỗi khổ của người khác à. Nón lá của chúng tôi, các người đội không xứng”.
Không chỉ bị cư dân mạng Việt Nam công kích trên fanpage. Hình ảnh phản cảm của nhóm học sinh này còn được đăng tải trên khắp các diễn đàn, tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Một tài khoản giận dữ: “Nam mặc đồ Trung Quốc, nữ mặc đồ truyền thống Nhật và đội nón lá Việt Nam cầm tấm bản: Corona đang đến. Không phải kỳ thị chứ là gì nữa?”. “Nhìn kỹ mặt ai cũng sáng láng mà ý thức thì ngược lại thế nhở”, một khán giả bày tỏ. Ngoài ra, không ít người lên tiếng chỉ trích về vụ việc: “Nghiệp tới nhanh như một cơn gió. Tâm dịch thế giới đang ở đâu rồi?”, “Cà khịa Trung, Nhật và Việt Nam à?”, “Kém ý thức, đây là sự tiến bộ của nhân loại sao?”…
Đặc biệt, có người còn kêu gọi cộng đồng mạng gửi báo cáo đến Hội đồng thành phố Waregem để xử lý vụ việc. Cụ thể, chủ khoản này để lại bình luận kèm đường link phản ánh hành động vô nhân đạo giữa thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát: “Các bạn rảnh thì vào đây gửi một cái report tới Hội đồng thành phố Waregem về cái bài phân biệt. Hơn nữa thì vào đây coi danh sách các nhà báo trong vùng và gửi email kèm ảnh tới về trang nó. Mình đã gửi đến hơn 20 nhà báo rồi, còn các bạn?”.