Người Việt Nam ở nước ngoài: “Bất kể có điều kiện hay không, đều muốn về nước vì tình thân yêu và tin tưởng”

Những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài, họ theo dõi tình hình dịch COVID-19 trong nước với ít nhiều lo ngại, thế nhưng chưa bao giờ bất an. Đối với họ, Việt Nam đã kiểm soát dịch thực sự hiệu quả, gia đình và người thân đã được bảo vệ thực sự an toàn.

 

Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh hay Pháp đều là những quốc gia nơi mà dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến căng thẳng và phức tạp. Tùy vào tình hình thực tế, mỗi quốc gia lại có những biện pháp kiểm soát dịch và khuyến cáo khác nhau, người dân vì thế mà cũng có những phản ứng và thái độ khác nhau đối với dịch.

Tại những quốc gia được cho là vùng dịch ấy, lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tương đối nhiều, thậm chí có không ít gia đình Việt đã định cư nhiều năm. Đa số họ đều khá tin tưởng và tuân thủ nghiêm túc những khuyến cáo từ nước sở tại, tất nhiên thôi, họ đang sống dưới một nền y học tiên tiến và khoa học. Thế nhưng theo chia sẻ của rất nhiều người Việt Nam từ vùng dịch quốc tế, dù là lý trí hay tinh thần, thì họ vẫn tin tưởng rằng Việt Nam là nơi an toàn, vững tâm nhất để trở về.

Từ vùng dịch châu Âu: Nơi người dân không đeo khẩu trang bất kể là trường học hay siêu thị, ga tàu

Có lẽ do sự khác biệt về quan điểm và khuyến cáo y tế, không như ở Việt Nam, người dân ở những nước châu Âu như Anh và Pháp đều có thái độ không mấy tích cực với việc đeo khẩu trang.

Chị H.Vân (36 tuổi) đã cùng gia đình định cư đến 6 năm tại Pháp chia sẻ, người Pháp chỉ đeo khẩu trang khi bản thân thực sự bị bệnh nặng, bởi đối với họ việc đeo khẩu trang có thể khiến những người khác xa lánh, gây tâm lý hoang mang, lo sợ.

Kể cả khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, những đứa nhỏ nhà chị Vân đến lớp mà đeo khẩu trang cũng phải nhận cái lắc đầu của giáo viên. Nếu lo lắng quá, chị Vân chỉ biết dặn con rửa tay thường xuyên bằng chai gel chị đã chuẩn bị sẵn trong cặp.

Chị Vân kể: “Cho đến giờ mình vẫn chẳng thấy dân Pháp phản ứng gì cả, mọi người coi COVID-19 như bị cúm thường thôi. Ngoài đường không ai đeo khẩu trang, lác đác vài người châu Á đeo.

Chính phủ khuyến cáo rằng chỉ ai bị nhiễm bệnh mới cần đeo khẩu trang, muốn phòng tránh virus thì chỉ cần rửa tay, chào nhau thì đừng thơm má, hạn chế cầm vào những chỗ nắm tay chung ở nơi công cộng.

Nhà mình bên này ai đi làm vẫn đi làm, ai đi học cũng vẫn phải đi học (chỉ có 2 tỉnh nhiều người nhiễm COVID-19 nhất mới đóng cửa trường học). Ban đầu thằng bé con nhà mình đeo khẩu trang đi học nhưng cô giáo không muốn, mọi người ngồi cạnh cũng ái ngại, nên giờ bé chỉ mang theo gel rửa tay đi học mà thôi”.

Ga tàu Chatelet tại Paris rất đông nhưng không ai đeo khẩu trang – Ảnh: H.Vân

Hay như N.Oanh (25 tuổi, du học sinh tại London, Anh) cũng chia sẻ, tại Anh người dân rất rất ít đeo khẩu trang, khẩu trang chủ yếu chỉ dành cho những ai bị bệnh. Thay vào đó, người Anh sử dụng gel rửa tay rất nhiều, những kệ hàng bán gel rửa tay luôn trong tình trạng trống trơn và chính phủ cũng luôn khuyến cáo người dân giữ sạch tay của mình.

“Phản ứng của mọi người phần lớn là rất bình tĩnh. Đa số mọi người đều biết tới khuyến cáo về vệ sinh phòng dịch đó là rửa tay thường xuyên. Người Anh mua rất nhiều nước rửa tay để phòng dịch.

Không có chuyện mọi người đeo khẩu trang đâu vì đối với họ khẩu trang chỉ dành cho người thực sự có bệnh, và việc đeo khẩu trang sẽ khiến cho người xung quanh hoảng loạn không cần thiết” – N.Oanh chia sẻ.


Những kệ gel rửa tay trống trơn bên trong các siêu thị tại London. Người dân được quy định chỉ được mua 2 chai mỗi người – Ảnh: N.Oanh

Bất kể có điều kiện hay không, đều muốn về Việt Nam vì tình thân yêu và tin tưởng
Nhật Bản cũng là nơi dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra đáng lo ngại. Chị P.Ly (28 tuổi) là 1 người Việt Nam đã cùng gia đình sống tại Nhật 3 năm, chị kể rằng tại Nhật người dân đang rất lo lắng vì dịch, khắp nơi đều bàn tán xôn xao những tin tức mới nhất.

“Nhưng mọi người tin theo khuyến cáo của chính phủ lắm, được khuyên gì là luôn áp dụng theo rất nghiêm túc” – chị Ly nói.

Đó cũng là chia sẻ từ chị H.Vân ở Pháp hay cô bạn N.Oanh ở Anh. Quả thực dù là nơi có dịch nhưng Nhật Bản, Anh và Pháp vẫn là những đất nước có nền y học tiên tiến, người dân có nhiều lý do để tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ sức khoẻ từ chính quyền.

Dẫu vậy, những người Việt Nam ở vùng dịch ấy đều chia sẻ rằng muốn về nước.
Ở Việt Nam có gia đình và người thân, trong lúc lo lắng cho sức khoẻ thì ai cũng muốn về bên gia đình mình. Và hơn hết, bằng cả tinh thần và lý trí, họ tin tưởng Việt Nam đã và đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt, nếu mình chẳng may bị bệnh thì Việt Nam sẽ là nơi cứu chữa nhanh chóng nhất, trách nhiệm và hiệu quả nhất.

“Những cuộc gọi từ ba mẹ ở Việt Nam sang thì chỉ có mọi người ở nhà lo lắng cho mình thôi, lo không biết ở Nhật mà chẳng may nhiễm virus có được cách ly và cứu chữa trách nhiệm như ở Việt Nam không. Thật là nghe mọi người nói thế mình buồn cười, mình sẽ không để mình bị bệnh, nhưng cũng yên tâm lắm, vì lực lượng y tế nước ta đang làm rất tốt, tốt đến nỗi ai cũng tin tưởng luôn kìa” – chị P.Ly nói.

Lại quay trở lại với những người Việt ở vùng dịch châu Âu. Tại Pháp, chị H.Vân chia sẻ rằng lý do duy nhất khiến gia đình chị không về Việt Nam vào thời điểm này là sợ gây ảnh hưởng đến người khác, chứ đối với chị ở Việt Nam là được đảm bảo về sức khoẻ.

“Sáng ra là mình lướt 1 vòng các báo Việt rồi đến báo Tây. Đọc rồi mới thấy chắc Việt Nam mình chống dịch tốt nhất thế giới. Giờ mình muốn về Việt Nam quá, về tránh dịch,… nhưng thôi, mình nghĩ “hãy ngồi yên khi Tổ quốc cần”.

Bên Pháp nếu có triệu chứng của dịch nhẹ thì cũng ngồi nhà cách ly thôi, không được cho vào viện chữa đâu. Mình thấy tất cả biện pháp mà ở nhà đang thực hiện rất tốt, cảm thấy yên tâm cho người nhà ở Việt Nam lắm” – chị Vân tâm sự.

Câu chuyện về đại gia Jonathan Hạnh Nguyễn chi tiền tỷ để thuê chuyên cơ đưa con gái là Thảo Tiên từ Anh về Việt Nam cũng là một ví dụ lớn về sự tin tưởng đối với công tác kiểm soát dịch bệnh nước nhà. Ông Jonathan Hạnh Nguyễn hoàn toàn có đủ điều kiện kinh tế để yêu cầu những phương pháp khám chữa tốt nhất cho con gái mình tại bất cứ đâu, nhưng vị đại gia vẫn chọn cách đưa con về Việt Nam.

Đại diện truyền thông của gia đình ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói trên báo chí:

“Bản thân Thảo Tiên có thể ở lại nước Anh, nhưng ông Jonathan Hạnh Nguyễn và vợ rất lo cho con, rất tin tưởng vào hệ thống y tế chống dịch bệnh tại Việt Nam. Đó là sự tin tưởng rất lớn với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Thời tiết Việt Nam thuận lợi cho việc điều trị và việc gần gia đình sẽ có thể động viên tiếp sức cho con gái trong thời gian cách ly… Việc thuê chuyên cơ riêng rất đắt tiền và rất khó khăn, nhưng gia đình quyết định để bảo vệ sức khỏe cho con gái”.

Ở nước ngoài, có những tỷ phú đã lên kế hoạch sử dụng máy bay riêng để đi khỏi vùng dịch, có cả những đại gia thuê sẵn giáo sư chăm sóc sức khoẻ cá nhân là chuyên gia y tế hàng đầu.

Thế nhưng ở Việt Nam lại khác, mọi người đều tin tưởng vào nền y tế đại chúng, công tác phòng chống COVID-19 đã tạo được niềm tin và sự vững tâm đối với những người Việt Nam trong nước và tại nước ngoài, cả những người có cuộc sống bình dân lẫn những người có điều kiện kinh tế khá giả, giàu có.

 

Nguồn: Kênh 14