Pháp tăng dự trữ khẩu trang, xét nghiệm COVID-19
Do số người nhiễm COVID-19 mới được phát hiện vẫn gia tăng rất mạnh, Chính phủ Pháp phải đặt thêm số lượng lớn khẩu trang y tế cho các lực lượng chống dịch, đồng thời tăng công suất xét nghiệm, sớm phát hiện những người có nguy cơ nhiễm bệnh.
Thông báo về tình hình bệnh dịch Covid-19 trong một ngày qua, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết, tính tới chiều tối 21-3, tổng số người nhiễm COVID-19 ở Pháp là 14.459, tăng 1.847 so một ngày trước. Có thêm 112 ca qua đời, nâng tổng số lên 562 ca. Hiện có 6.172 người đang được điều trị tại bệnh viện và 1.525 người đang trong tình trạng sức khỏe xấu.
Ông Olivier Véran cho rằng, tình hình dịch bệnh ở Pháp vẫn diễn biến rất phức tạp, sự lây lan chưa có chiều hướng suy giảm. Vì vậy, “chìa khóa” để khống chế thành công dịch bệnh là mọi người “ở yên trong nhà”, tránh lây lan thêm và để các nhân viên y tế tập trung chăm sóc, cứu chữa những người đã bị nhiễm. Ông cũng nói rằng, Hội đồng khoa học của Chính phủ sẽ xem xét và thông báo vào ngày 23-3, về “thời gian” cũng như “mức độ” phong tỏa sẽ được áp dụng trong những tuần tới.
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ của du khách trên đại lộ Promenade des Anglais, ngày 20-3, tại Nice, TP sát biển ở miền nam nước Pháp. (Ảnh: REUTERS – ERIC GAILLARD)
Cùng việc kiểm soát gắt gao sự di chuyển của người dân, ngăn chặn sự lây lan, Chính phủ Pháp đang phải đối mặt với vấn đề rất cấp bách hiện nay, đó là sự thiếu hụt trầm trọng về khẩu trang y tế. Tất cả các lực lượng chống dịch bệnh hiện nay, gồm nhân viên y tế, cảnh sát, cứu thương… chưa được cung cấp đủ khẩu trang y tế và tiếp đó là khoảng 67 triệu dân, chưa kể đến hàng triệu người nước ngoài.
Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết, hơn 250 triệu khẩu trang đã được đặt và sẽ phân phối trong hai tuần tới cùng 40 mẫu khẩu trang đang được thử nghiệm để sản xuất hàng loạt. Nhu cầu sử dụng tại Pháp hiện ở mức 24 triệu chiếc/tuần.
Khả năng xét nghiệm của Pháp cũng còn hạn chế, chưa đến 5.000 lượt/ngày nếu so các nước khác như Đức, lên tới 160 nghìn xét nghiệm/tuần. Đây là một trong những lý do dẫn tới tỷ lệ qua đời rất thấp ở Đức (83 người, tương đương 0,3% số nhiễm) so với Pháp (562 người, 2,2%) và các nước Tây Âu khác. Dù số người bị nhiễm được xác nhận mỗi ngày ở Đức cao hơn ở Pháp nhưng tỷ lệ qua đời thấp hơn nhiều do những ca bệnh nặng được phát hiện sớm.
Vì vậy, Bộ trưởng Y tế Pháp cho biết, nước này sẽ tăng năng lực xét nghiệm để kịp thời phát hiện những người bị nghi nhiễm COVID-19 hoặc những người không có biểu hiện rõ ràng dù có bệnh. Ông nói, chúng tôi hy vọng sẽ sớm phát triển được phương pháp chẩn đoán đơn giản và nhanh hơn. Có như vậy, việc ngăn chặn sự lây lan và điều trị mới hiệu quả.
Ngày 21-3, Hiệp hội các bác sĩ gây mê và hồi sức cấp cứu Pháp đã đề nghị Tổng thống áp dụng biện pháp “ngăn chặn toàn bộ và ngay lập tức”. Theo đó, tất cả những người không phải thực hiện nhiệm vụ chống dịch “phải ở yên trong nhà trong một thời gian dài”, vì đây là cách duy nhất để cứu chữa những người bị nhiễm bệnh dịch. Nếu các biện pháp ngăn chặn di chuyển không được thực thi triệt để, tình hình sẽ còn xấu hơn, trong khi các nhân viên y tế đang phải chịu thêm nhiều sức ép: bệnh nhân tăng hằng ngày, điều kiện xuống cấp ở các bệnh viện và kiệt sức về thể chất và tinh thần. Thực tế đã chứng minh, biện pháp ngăn chặn di chuyển có hiệu quả trong việc khống chế sự lây lan của bệnh dịch.
Cũng như các nhân viên y tế, hơn 100 nghìn cảnh sát Pháp đang phải chịu nhiều rủi ro khi làm nhiệm vụ giám sát việc thực hiện lệnh hạn chế di chuyển của người dân. Phát biểu trên kênh truyền hình BFMTV, ông Rocco Contento, đại diện của Công đoàn cảnh sát (SGP) cho biết, hiện phải cách ly 5.000 cảnh sát, trong đó có 650 người ở Paris vì có các triệu chứng nhiễm dịch bệnh Covid-19. Hiện, không có đủ điều kiện tiến hành xét nghiệm cho các lực lượng cảnh sát. Vì vậy, kể từ ngày 21-3, cảnh sát Pháp được phép đeo khẩu trang phòng dịch khi tiếp xúc với những người bị kiểm tra.
Xếp hàng trước một cửa hàng bánh ở Paris sau khi áp dụng biện pháp giữ khoảng cách phòng ngừa lây nhiễm. (Ảnh: Le Monde)
Tình hình bệnh dịch ở các nước châu Âu khác vẫn diễn ra trầm trọng, nhất là ở Italy. Có thêm 793 người qua đời và 6.557 ca nhiễm mới được phát hiện. Đây là con số kỷ lục và rất đáng lo ngại kể từ khi dịch bệnh xảy ra ở nước này.
Tại Tây Ban Nha, số người qua đời đã lên tới 1.326, tăng 285 ca và có thêm 3.803 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tổng số người nhiễm là 25.374. Đức tiếp tục là nước có số người nhiễm mới được phát hiện nhiều thứ ba ở châu Âu, thêm 2.365 ca và 16 trường hợp qua đời. Chính phủ nước này chuẩn bị đưa ra gói hỗ trợ kinh tế lên tới 822 tỷ euro, giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng bệnh dịch.
Dù dịch bệnh bùng phát muộn hơn các nước khác trong khu vực EU, Thụy Sĩ cùng với Hà Lan, Bỉ và Áo không thể ngăn chặn kịp thời sự lây lan. Số người nhiễm và qua đời vẫn gia tăng không ít. Hà Lan và Bỉ đều xác nhận thêm 30 trường hợp qua đời do COVID-19.
Nguồn: nhandan.com.vn