Ông bà cụ ngoài 90 tuổi lọ mọ tìm tấm tôn khắp xóm sau bão số 9
Thiệt hại do bão số 9 ở Quảng Ngãi vô cùng tàn khốc, nhiều người dân xót xa khi nhà cửa hư hỏng, hoa màu mất trắng, nhặt từng tấm tôn dựng lại nhà.
Người dân Quảng Ngãi điêu đứng sau bão
Ba ngày sau bão, khung cảnh hoang tàn vẫn hiện hữu khắp mọi nơi tại xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Dọc theo con đường làng, cây cối đổ ngả nghiêng, nhiều căn nhà bị gió giật tốc mái trở nên trống hoác. Đáng nói, những gia đình bị sập nhà hầu hết thuộc diện khó khăn, họ điêu đứng trước thực tại đổ nát.
Theo báo Tuổi Trẻ đưa tin, căn nhà đơn sơ của cặp vợ chồng ông Dương Màng (trú tại xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) bị đánh sập do bão số 9 đổ bộ. Ông Màng kể lại:“Chừng 30 phút bão nổi thì mái nhà bị cuốn bay. Sau đó gió đánh sập luôn gian nhà chính, vợ chồng tôi nhìn mà rụng rời”. Lúc này, vợ chồng cụ Màng đang trú bão nhờ trong căn nhà kiên cố của hàng xóm.
Bão tan, hai cụ trở về căn nhà đổ nát của mình, nhặt nhạnh những vật dụng còn sót lại trên đống gạch nhưng chỉ còn vài đôi đũa tre và ba cái xoong méo. Rồi họ bảo nhau đi quanh xóm cố tìm lại những tấm tôn thất lạc để che mưa, che nắng. Chẳng thể ngờ rằng ở độ tuổi “gần đất xa trời”, cặp vợ chồng già lại rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Bà Phan Thị Mót (vợ ông Màng) chân đi khập khiễng, phải chống nạng nhưng vẫn cố giúp chồng nhặt những gạch lành lặn để sửa nhà. Bà Mót nói đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng này sau 70 năm chung sống với nhau.
May mắn thay, ông bà được hàng xóm láng giềng giúp đỡ lúc hoạn nạn. Theo đó, thợ hồ trong làng đến phụ ông Màng dựng lại vách từ những viên gạch cũ. “Mấy cháu giúp dựng lại vách tường, còn tôn làm mái nhà chẳng biết lấy tiền đâu mua. Từ khi bão tan, vợ chồng tôi sống tạm dưới chái bếp, tối gió thổi lạnh lắm mà hai vợ chồng phải ráng”, cụ già bộc bạch.
Không riêng gì trường hợp của vợ chồng cụ Màng, bà Trần Thị Xí (64 tuổi) cùng xã, mắt mờ chân chậm lại chỉ sống đơn độc một mình phải sang nhà người thân trú tạm. Căn nhà cấp 4 của bà cũng nứt toác sau trận đại hồng thủy. Thậm chí, bà Xí không dám ngủ trong nhà vì không biết sẽ sập lúc nào.
Dù không ở gần biển, thế nhưng thiệt hại do bão số 9 ở xã Nghĩa Thương vô cùng nặng nề, đánh sập nhiều căn nhà và mái nhà bị cuốn theo gió giật mạnh. Chưa hết, ngôi làng ven biển Sa Cần như xã Bình Đông, huyện Bình Sơn còn phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp hơn sau cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên.
Cụ thể, căn nhà của bà Phạm Thị Tý (82 tuổi, xã Bình Đông) bị xóa sổ trong nháy mắt. Hiện bà Tý phải trú tạm ở một trụ sở tiền trạm cho người dân tránh bão. Bà xót xa giãi bày: “Về cũng không biết ở đâu. Nhà tôi trước được nhà nước làm cho, mười mấy năm ở ngon lành, vậy mà chỉ sau trận bão tôi mất nhà. Giờ tuổi này biết sống sao đây?”
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Vũ – chủ tịch UBND xã Bình Đông chia sẻ: “Địa phương rất cần sự hỗ trợ của toàn xã hội để khôi phục cuộc sống cho bà con. Nhất là những người mất nhà sau bão, họ gặp quá nhiều khó khăn và không đủ sức tự khôi phục lại nhà cửa”.
Thiệt hại do bão số 9 tại Quảng Ngãi
Báo Dân Sinh thông tin thêm, tính đến 10h30 sáng ngày 30/10, tỉnh Quảng Ngãi có 194 nhà dân bị sập, 100.816 căn nhà bị tốc mái, gần 300 trụ sở cơ quan và 151 điểm trường học bị hư hỏng.
Thiệt hại hoa màu: gần 1.300 ha cây ăn quả, cây keo bị đổ; 650 ha đất ruộng bị sa bồi tàn phá; 65 công trình thủy lợi bị bồi lấp; 14 tuyến giao thông bị chia cắt do sạt lở… Tổng thiệt hại ước tính lên đến 3.200 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xin đề xuất trung ương hỗ trợ 490 tỷ đồng để mua giống cây trồng phục vụ cho vụ mùa Đông Xuân 2020-2021; hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai…
Quảng Ngãi: Giá ngói, tôn tăng gấp nhiều lần sau bão số 9
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi hiện đang có hàng nghìn hộ dân không mua được tôn, ngói để lợp nhà sau cơn bão số 9. Không chỉ khan hiếm, một số nơi giá ngói, tôn còn được đẩy cao gấp nhiều lần bình thường, người dân nơm nớp lo sợ trong trận bão sắp tới.
“Ngói này giá 20.000 đồng/viên, ngày thường chỉ có 6.000 đồng/viên, trong khi đó ngói còn bị sứt mẻ, không lành lặn. Bây giờ nhà ai cũng bị sập hoặc bị bay mái, sắp tới còn có bão số 10. Chúng tôi phải chạy vạy vay tiền mua ngói lợp nhà mà người ta nỡ bán với giá trên trời”, chị Nguyễn Thị Tâm, trú xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) vừa xếp ngói lên xe vừa nói trong bức xúc.
Chia sẻ với phóng viên, chị Tâm cho biết, ngoài việc mua tôn, ngói chị còn phải thuê thợ để lắp đặt, sửa sang. Toàn tỉnh có hàng nghìn hộ dân cần sửa chữa nhà cửa, giá thuê thợ cũng không phải rẻ.
Các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Bình Sơn (Quảng Ngãi) mỗi ngày đều có đến hàng trăm người dân chen lấn đi mua vật liệu xây dựng về sửa chữa nhà, nhiều người không khỏi lớn tiếng, tranh cãi vì cho rằng mình đang bị chặt chém.
Tìm về xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi, người dân cũng đang đổ dồn ra các đại lý lớn để mua ngói về lợp nhà.
Ông Nguyễn Văn Sang – một trong những người dân tại đây than thở: “Nhà tôi mới dựng 2 tháng trước, lúc ấy giá ngói Bình Định là 6.000 đồng/viên, bây giờ ra đại lý họ báo 10.000 đồng/viên nhưng đã hết hàng. Sửa nhà tránh mưa gió là việc không thể ngừng nên tôi ra phía ngoài mấy ông chạy xe ba gác lấy ngói giá 25.000 đồng/viên. Người ta mỗi ngày bán 300-500 viên ngói, lời mấy triệu đồng.”
Bà Nguyễn Thị Phụng – chủ đại lý gạch ngói Ba Phụng (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho biết, đại lý vẫn giữ giá như bình thường. Ngói nóc Bình Định nhập về 6.000 đồng/viên, bán ra 7.000 đồng/viên. Ngày 30/10, đại lý vẫn giữ giá này.
Riêng 1/11, cước phí vận chuyển tăng nên giá nhập ngói về đã tăng lên 9.000 đồng/viên, đại lý bán ra 10.000 đồng/viên.
Theo thông tin từ báo Pháp Luật (PLO), ngày 30/10, theo ghi nhận từ phóng viên, cũng tại huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, người dân thậm chí phải chạy xe lòng vòng hàng trăm cây số, đến nhiều nơi nhưng vẫn không mua được ngói về lợp nhà.
“Tôi chạy từ huyện Mộ Đức ra TP Quảng Ngãi, chạy vòng vòng nhiều nơi khác nữa mà vẫn không tìm mua được một viên ngói nào. Một số chỗ người ta bán đúng giá nhưng đã hết, có chỗ thì giá bị đẩy lên gấp đôi, hoặc nhiều lần. Đặc biệt có nơi viên ngói nát (ngói cũ) lên tới 40.000 đồng/ viên” – anh Trần Như Yên, người dân xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức chia sẻ.
Ngày 28/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – ông Đặng Văn Minh đã phát thông báo triển khai các biện pháp để bình ổn thị trường, chống các hành vi lợi dụng bão lũ để thu lợi bất chính.
Bên cạnh đó ông Minh cũng yêu cầu Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố sát sao trong việc thực hiện bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Sáng 1/11, lực lượng quản lý thị trường đã về các cửa hàng, đại lý bán vật liệu xây dựng để khảo sát giá. Theo ghi nhận, lực lượng phát hiện có tình trạng đẩy giá như người dân phản ánh, các cửa hàng, đại lý này sau đó đã bị nhắc nhở và được yêu cầu ký cam kết bán bình ổn giá cho người dân. Các chủ xe ba gác găm hàng, tăng giá tôn, ngói cũng đã rời đi khi lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra.