Thử cảm giác mạnh với cây cầu treo Geierley dài nhất nước Đức
Cây cầu treo nằm ở khe núi Geierley, bắc ngang qua thung lũng, nối liền hai thị trấn Mörsdorf và Sosberg, gần biên giới của Đức với Luxembourg.
Cây cầu có tổng chiều dài là 360m, được xây dựng bằng dây cáp và đang giữ kỷ lục là cây cầu dây văng dài nhất nước Đức. Hai trụ cầu được dựng ở hai quả núi, lòng cầu được kết nối bằng những mảnh gỗ rất chắc chắn.
Tổng trọng lượng của cây cầu là 77,5 tấn, lòng cầu rộng 85cm với tổng trọng tải tối đa là 50 tấn tương đương với 600 người nếu mỗi người nặng 80kg.
Ý tưởng xây dựng cây cầu treo bằng dây nhen nhóm từ năm 2006 nhằm mục đích đổi mới làng và phát triển cộng đồng tại thị trấn Mörsdorf nhưng rất tiếc thời điểm đó dự án đã bị từ chối vì bị cho rằng “không khả thi”.
Tới năm 2010, ba thành viên thị trấn là ông Mörsdorfer Ingo Börsch, Hans-Peter Platten và Thị trưởng hiện tại Marcus Kirchhoff tiếp tục đề xuất ý tưởng và thúc đẩy để dự án nhanh chóng được thực hiện.
Vào tháng 4/2010, Hội đồng thành phố đã thông qua quyết định cơ bản về việc xây dựng cây cầu và đi đến kết luận: Cây cầu là khả thi.
Cuối cùng cho đến ngày 23/12/2014 với sự tài trợ của Tiểu bang Rhineland-Palatinate và Quỹ Phát triển Nông thôn châu Âu cũng như các khoản đóng góp từ các cộng đồng địa phương xung quanh, cây cầu được chính thức khởi công xây dựng bởi một công ty của Thụy Sĩ.
Chỉ trong vòng 6 tháng, với khoản đầu tư xây dựng hơn 1,2 triệu euro, câu cầu được khánh thành vào ngày 26/5/2015. Việc quy hoạch và xây dựng cầu treo Geierlay liên quan đến một số lượng lớn các công ty: Kiểm tra tính khả thi, chuyên môn bảo tồn thiên nhiên, phân tích cảnh quan, tính toán tĩnh, khảo sát đất…
Thật thú vị khi đi bộ qua cây cầu ở độ cao 100m so với phía dưới, vắt ngang qua thung lũng cây cối xanh um tùm vào mùa hè cùng dòng suối róc rách chảy.
Nhưng có lẽ đẹp nhất là đi vào mùa thu, bạn có cảm tưởng như đang bước đi trên một thung lũng toàn vàng và trên đầu là bầu trời trong xanh bao la. Thử thách vượt qua cầu ở độ cao 100m không dành cho những ai yếu tim hay sợ độ cao. Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều những khuôn mặt với muôn vàn trạng thái khác nhau.
Người hồ hởi sung sướng vì thỏa mãn cảm giác mạnh, người vừa đi vừa sợ tay bám chặt vào thành cầu vì cảm giác sắp bị văng ra khỏi cầu. Có những người lớn đi nhưng không dám nhìn xuống dưới.
Nhưng cũng có đứa trẻ thì tung tăng chạy nhảy vô tư trên cầu. Có cả những chú chó được chủ chiều chuộng cho đi dạo trên cây cầu nhưng tiếc rằng chú cún con sợ hãi nằm bẹp không chịu di chuyển.
Nói tóm lại, nhờ có cây cầu mà nền kinh tế của hai thị trấn có sự phát triển vượt bậc vì khách đến đây không chỉ có cơ hội được trải nghiệm đi qua cây cầu mà còn được trải nghiệm qua những hoạt động dã ngoại trong rừng và ngủ qua đêm cũng vô cùng thú vị. Số liệu thống kê cho thấy đến thời điểm này, ngôi làng bé nhỏ đã đón chào khoảng 750.000 lượt người ghé thăm.
Hoàng Nguyên Bình (từ Cộng hòa Liên bang Đức)