Bầu cử tổng thống Mỹ 2020: Châu Âu chọn Trump hay Biden?
Việc Donald Trump tái cử Tổng thống Mỹ sẽ kéo dài những tháng ngày rạn nứt của mối quan hệ liên Đại Tây Dương. Nhưng nếu Joe Biden chiến thắng, ngọn lửa tự chủ đầy tham vọng mà châu Âu đang nhen nhóm có thể sẽ lại sớm lụi tàn.
Đầu tháng 9/2020, tập đoàn bảo hiểm R+V lớn nhất nước Đức công bố kết quả cuộc thăm dò truyền thống hàng năm mà tập đoàn này đã thực hiện từ 28 năm qua, với chủ đề quen thuộc “những gì mà người Đức sợ hãi nhất”.
Trong một năm 2020 lịch sử với toàn thế giới, khi đại dịch Covid-19 tạo nên cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội lớn nhất trong hơn một thế kỷ qua với hầu hết các quốc gia trên thế giới, điều bất ngờ là virus Sars-CoV-2 chỉ đứng thứ… 17 trong danh sách sợ hãi của người Đức. Người Đức lo ngại hơn về việc đời sống trở nên đắt đỏ, tình hình kinh tế khó khăn, nghĩa vụ đóng thuế gia tăng.
Và trên hết, người Đức sợ nhất Donald Trump. 53% trong số hơn 2400 người Đức được R+V khảo sát nói rằng, Tổng thống Mỹ là mối đe dọa lớn nhất.
Cuộc khảo sát của R+V không chỉ rõ khía cạnh nào của vị Tổng thống Mỹ khiến người Đức lo ngại nhất, nhưng hầu hết giới phân tích có chung quan điểm, rằng chính sách đối ngoại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành trong 4 năm qua tạo nên sự bất mãn, lo âu lớn nhất đối với người Đức.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các lời lẽ chỉ trích, tấn công đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức, cùng việc Mỹ đơn phương rút khỏi hàng loạt các cam kết quốc tế như thỏa thuận hạt nhân Iran hay Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu… tạo ra một sự bất an lớn cho người Đức, bởi khi nước Mỹ bị cuốn theo chủ nghĩa biệt lập và từ bỏ vai trò của mình trên thế giới, một thời kỳ hỗn loạn có thể ập đến, trước khi một trật tự mới hợp lý hơn được thiết lập.
Cuộc khảo sát ở nước Đức, cường quốc số 1 châu Âu với các công dân nổi tiếng với tư duy lý tính, là một chi tiết nhỏ nhưng lại nói lên nhiều điều về cách mà châu Âu đánh giá Tổng thống Mỹ, Donald Trump. Với châu lục này, Tổng thống Mỹ trong vài năm qua đang tấn công vào các nền tảng quan trọng nhất của mối quan hệ chiến lược truyền thống liên Đại Tây Dương như khối quân sự NATO hay việc vận hành thế giới trên các giá trị của chủ nghĩa đa phương.
Do đó, tuy không có các bình luận công khai nhưng qua những gì thể hiện trên truyền thông, hay gián tiếp qua các phân tích của các quỹ nghiên cứu… thì hầu như toàn bộ, hay đại đa số dư luận, chính giới và chính phủ các nước châu Âu đều không ủng hộ ông Donald Trump. Một số ít ỏi tài liệu chính thống lọt ra ngoài lại tràn ngập các đánh giá vô cùng nặng nề về Tổng thống Mỹ, như báo cáo của cựu Đại sứ Vương quốc Anh tại Mỹ, ông Kim Darroch, rằng “ông Donald Trump thiếu năng lực và có thể sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình trong ô nhục”.
Đa số các bình luận ở châu Âu thời gian qua so sánh những gì hiện nay trong quan hệ châu Âu-Mỹ còn tệ hơn nhiều thời điểm châu Âu chia làm hai phe phản đối và ủng hộ Mỹ tại cuộc chiến Iraq 2003. Bởi những rạn nứt hiện nay là một sự chệch hướng nghiêm trọng và có tác động lâu dài, thay đổi hẳn quan điểm địa chính trị của châu Âu.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 này, vì thế, gần như chắc chắn sẽ không phải là tin tức được chào đón ở Berlin, Paris hay Brussels.