Hương Lan ở Mỹ : Phải ở nhờ phòng khách một tiệm vàng, sáng dậy là phải đi
“Hát xong, chúng tôi về lúc khuya muộn để ngủ rồi sáng sớm lại phải đi. Nhà người ta bán vàng nên tôi ngại lắm, không muốn ở” – danh ca Hương Lan nói.
Hương Lan là một danh ca nổi tiếng của dòng nhạc Bolero trước và sau năm 1975. Tên tuổi cô gắn liền với trung tâm Thúy Nga và cộng đồng người Việt tại Mỹ. Nữ danh ca cũng là một trong những thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho âm nhạc hải ngoại.
Tuy nhiên, trước khi định cư và thành công tại Mỹ, danh ca Hương Lan từng trải qua quãng thời gian khó khăn, chật vật khi đặt chân đến đất Pháp.
Cụ thể, thời gian đầu, Hương Lan cùng người chồng đầu và cha ruột sang Pháp định cư. Khi đó, cô đang mang thai người con trai thứ hai và hạ sinh khi mới đặt chân tới Pháp được vài tháng.
Dù mới sinh con, nhưng Hương Lan đã phải đi làm thuê ở nhà hàng kiếm sống và hỗ trợ chồng học tiếng Pháp cũng như học nghề. Tại chương trình Nghệ thuật kim cổ, Hương Lan tâm sự:
“Thời gian ở Pháp, tôi cũng hội ngộ lại nhiều anh chị em nghệ sĩ, trong đó có Phượng Mai, cô bạn chơi thân thiết với tôi từ nhỏ.
Hôm ấy, tôi đang đi trên đường thì bất ngờ gặp Phượng Mai, liền gọi lại. Phượng Mai gặp lại tôi xúc động, khóc quá trời. Tôi hỏi vì sao khóc thì Phượng Mai bảo vừa bị đuổi khỏi nhà trọ, không biết ở đâu.
Tôi thấy thế mới dẫn Phượng Mai tới chỗ tôi ở rồi hai đứa ở chung với nhau. Thời điểm ấy, tôi cũng chưa mướn được nhà, phải ở nhờ một tiệm vàng của chị bạn rồi đi tìm nhà.
Tôi và Phượng Mai phải ngủ tại phòng khách của người ta, tít trên tầng cao vút, sáng họ dậy làm việc là chị em tôi cũng phải đi ra ngoài vì ở mãi thì cũng ngại.
Nhưng vì chưa có việc nên chị em tôi cứ phải lang thang ngoài đường cả ngày, giữa thời tiết giá rét. Gần chiều tối chúng tôi mới về nhà sửa soạn quần áo, trang điểm đi hát.
Hát xong, chúng tôi về lúc khuya muộn để ngủ rồi sáng sớm lại phải đi. Nhà người ta bán vàng nên tôi ngại lắm, không muốn ở.
Tôi và Phượng Mai tiếp tục đi tìm nhà thì gặp một người chị là gái vũ trường, chơi thân thiết khi còn ở Việt Nam. Chị ấy thấy chúng tôi ngoài đường, lập tức tới hỏi han rồi rủ về ở chung.
Chúng tôi về nhà người chị đó thì thấy nó khá nhỏ, chỉ có một phòng của chị và phòng của con trai cùng một phòng khách. Chị ấy nhường hai phòng ngủ cho chúng tôi còn bản thân chị với con trai ngủ ngoài phòng khách. Đó là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên.
Ngày đó, tôi đắt show hơn Phượng Mai nên tối nào cũng đi hát rồi dẫn Phượng Mai đi theo ngồi nghe.
Tôi thấy Phượng Mai ngồi dưới liền hỏi: “Mày có thích hát không? Thích thì tao giả bệnh cho mày lên hát thay”. Nói xong, tôi ra bảo chủ phòng trà là mình bị bệnh, xin cho Phượng Mai hát thay. Thế là Phượng Mai hát thay tôi mấy đêm liền.
Thời gian đó, cộng đồng người Việt mình sinh sống ở quận 5 Paris rất đông, còn quận 13 chủ yếu người Hoa. Nhờ đó mà tôi có nhiều show để hát tại Pháp”