Ở Việt Nam 7 năm, chàng trai Canada không dám về quê hương
Jesse Peterson – một chàng trai Canada đã sống ở Việt Nam 7 năm. Jesse thường đùa rằng giờ anh chẳng còn dám về Canada nữa. Để lý giải về nỗi “sợ hãi” này, mời các bạn cùng đọc bức thư mà Jesse gửi cho bố mình ở Canada.
Năm ngoái bố gọi cho tôi:
– Khi nào con sẽ về Canada?
– Chắc con sẽ ở đây luôn, bố ạ!
– Con thích cuộc sống ở Việt Nam à?
– Con ở Việt Nam gần bảy năm rồi. Giờ nếu về Canada con phải bắt đầu lại từ đầu. Với con, thực sự mà nói thì sống ở đâu cũng được. Hiện tại, ở Việt Nam con có rất nhiều bạn bè. Phải nói là con đang sống trong một “cộng đồng yêu thương”. Hơi phức tạp, nên con viết email cho bố nhé. Chào bố.
Tôi soạn email và gửi cho bố.
Gửi bố thân yêu của con,
Bố có bao giờ nghe về số Dunbar chưa? Đó là lý thuyết mà mình chỉ có thể biết rõ về khoảng 150 người. Não của mỗi con người chỉ có thể biết đầy đủ và chi tiết thông tin về một người như: tên của họ, gia đình họ, họ ở đâu…Đó là những thông tin mình cần biết về một người đủ để xem họ là một người bạn, một người thân quen của mình. Họ sẽ nằm trong số 150 người trong “cộng đồng” bạn bè, gia đình, hàng xóm của mình. Khi mình biết hơn 150 người, mình sẽ dần dần quên thông tin về một người mà mình lâu không gặp. Nếu người 151 đến thì người số 1 phải rời đi để nhường chỗ. Não con người cũng có giới hạn dung lượng giống như ổ cứng máy tính vậy, bố ạ.
Ở Canada khi con đi học tiểu học, con biết rất nhiều người, có thể là gần 150 người; bao gồm cả bạn bè, hàng xóm, gia đình. Khi con lớn lên, con đi học xa thì con dần mất những mối quan hệ này, và phải rất khó để bắt đầu xây dựng lại. Nhưng con cố gắng vượt qua, rồi con cũng có bạn bè mới. Sau đó, con nhập ngũ và bắt đầu cuộc sống quân đội trong năm năm. Ở quân đội, họ biết rất rõ về sức mạnh tập thể, cộng đồng. Những người lính bên cạnh con giống như anh em trai, tất cả các mối quan hệ rất khắng khít, những người đồng đội đoàn kết, gắn bó giúp cho tổ chức phát triển bền vững.
Khi con rời quân đội, con phải bắt đầu xây dựng một công đồng mới. Con đã đi Nhật Bản, con có vài mối quan hệ, họ là những người khá là gần gũi với con. Một năm sau, con lại rời Nhật Bản đến Việt Nam.
Ở Việt Nam con sống ở Sài Gòn, rồi chuyển ra Thái Bình, rồi đến Hà Nội và sau đó quay trở lại Sài Gòn. Con “xây dựng” rồi “phá bỏ” rồi lại “xây dựng” lại từ đầu “cộng đồng Dunbar 150” của con nhiều lần. Nhưng hiện tại “cộng đồng 150” của con là những người rất tuyệt vời. Con đã quen biết rất rất nhiều người và con đã chọn lọc những người cực kỳ tốt để ghi nhớ và họ nằm trong danh sách 150 của con.
Bố có biết ở miền Tây Việt Nam (đồng bằng sông Mekong), từ lâu đời, họ gắn bó mật thiết với nhau trong một cộng đồng. Ở các miền quê Việt Nam họ gọi đó là “tình làng nghĩa xóm”. Con muốn lấy ví dụ cho bố dễ hình dung. Sẽ có những người, những nhà chuyên bán ván, bán gỗ để đóng ghe thuyền. Một gia đình khác có xưởng đóng ghe thuyền cần nguyên vật liệu để sản xuất. Và có một nơi sẽ nhận những chiếc thuyền mới được đóng ra lò, còn nguyên tinh tươm để chào mời khách hàng đến mua làm phương tiện ngược xuôi khắp các kênh rạch chằng chịt của miền Tây. Họ giúp đỡ nhau trong cuộc sống và liên kết với nhau bởi công việc của họ. Không ai là người xa lạ, mọi người đều là gia đình.
Giờ con rất hạnh phúc với những gì con đã và đang xây dựng cho cuộc sống của con ở Việt Nam. Nếu con lại “phá bỏ”, quay về Canada để bắt đầu lại và phải cố gắng trong mấy năm nữa để “xây dựng” lại thì con nghĩ con sẽ rất buồn, buồn giống kiểu bị thất tình.
Con không về Canada thì mời bố sang Việt Nam chơi nhé! Không có lạnh dã man như Canada đâu. Hẹn gặp bố một ngày gần nhất
Con trai của bố,
Jesse Peterson.
thanh niên