Ca sĩ tỷ phú Bích Tuyền sống trong biệt thự 1600 tỷ: Chăm 5 con riêng của chồng Tây, U50 mới sinh con đầu lòng
Bích Tuyền là hậu phương vững chắc cho ông xã doanh nhân, vừa vun vén tổ ấm, vừa hỗ trợ chồng kinh doanh và tự phát triển sự nghiệp riêng.
Người mẹ nào cũng là siêu nhân. Với ca sĩ Bích Tuyền, trải nghiệm làm mẹ càng thêm đặc biệt. Cô sinh con gái đầu lòng ở tuổi ngoài 40 nhưng trước đó, giọng ca dân ca Việt Nam đã nuôi dạy 5 người con riêng của ông xã Gerard Williams. Vừa bận bịu với những đứa trẻ, vừa cùng chồng tạo dựng cơ nghiệp, người đẹp đến từ Cần Thơ vẫn làm tốt mọi trọng trách. “Món quà” nữ ca sĩ dành tặng các con là tình yêu thương vô bờ bến, sự hướng thiện và trái tim hướng về quê hương Việt Nam,… – hành trang quý báu giúp các con thành người.
Bích Tuyền hạnh phúc bên chồng Tây, các con riêng của chồng cùng con gái đầu lòng – bé Sophia.
Bích Tuyền là giọng ca nổi tiếng của dòng nhạc dân ca – quê hương. Thời trẻ, cô thường xuất hiện với hình ảnh xinh đẹp mặn mà trong tà áo dài thướt và mái tóc đen mềm mại, hát những ca khúc ngọt ngào như Anh nhớ về thăm mẹ, Trầu cau, Hoa tím lục bình, Tiếng cuốc đêm trăng, Bẽ bàng bướm đậu mù u… Bẵng đi một thời gian, khán giả ít được thấy Bích Tuyền trên sân khấu.
Sau khi kết hôn với một kỹ sư công nghệ ở Mỹ, cô chuyên tâm kinh doanh và khá kín tiếng. Phải thông qua Vlog của Quang Lê, công chúng mới biết thêm về cuộc sống giàu sang của giọng ca quê Cần Thơ tại Mỹ. Cô hiện sống trong biệt thự 1600 tỷ, được ưu ái gọi là “ca sĩ tỷ phú”, sở hữu khối tài sản kếch xù và 2 công ty.
Cơ ngơi khủng của vợ chồng cô tại Mỹ.
Đối lập với điều kiện kinh tế vượt trội, vợ chồng Bích Tuyền dạy con giản dị, cho các bé học trường công lập và giáo dục các con biết trân trọng sức lao động. Lắng nghe tâm sự của Bích Tuyền trong vai trò làm mẹ, để hiểu hơn những tâm tư và tình cảm của nữ ca sĩ.
Các con riêng của chồng rất thân và yêu thương mình như mẹ ruột
Chuyện tình của chị nhận được nhiều chú ý. Cơ duyên nào giúp chị và ông xã tỷ phú gặp gỡ và quyết định tiến đến hôn nhân?
Thời điểm đó, bạn mình làm chủ một công ty hẹn hò trên mạng nên kêu mình đăng ký thử. Lúc đó mình thấy hão huyền lắm (cười) nhưng nể bạn nên cũng tham gia. Khi tạo profile trên web hẹn hò, có một phần giới thiệu bản thân trong 200 chữ. Thế là mình mới nói với bạn: “Tôi không thể nào tìm bạn tri kỷ chỉ bằng đoạn giới thiệu 200 chữ, như vậy không thể hiện hết được cảm xúc, mình yêu/ ghét cái gì nên thôi không đăng ký đâu”. Thế là bạn mới bảo kỹ sư thiết kế cho mình một cái profile đặc biệt, muốn giới thiệu bản thân bao nhiêu cũng được mà không bị giới hạn chữ. Mình viết đâu đó cũng khoảng 4 trang A4, dài dữ lắm, kèm theo rất nhiều hình ảnh. Thông thường, những người tìm bạn trên mạng không ai đọc được tới trang cuối hết. Mỗi ngày mình cũng nhận được hàng trăm email kết bạn, mình không trả lời hết được, chỉ xoá bớt đi thôi.
Email của anh Gerard làm mình thấy là anh thực sự quan tâm và muốn làm bạn với mình. Anh ấy cứ gửi liên tục. Khi mở ra đọc, mình cảm nhận được lời văn rất trân trọng nhưng mà mình cũng chỉ đọc thôi chứ không trả lời.
Dù chưa gặp mặt nhưng anh Gerard đã có ấn tượng sâu sắc với chị. Anh ấy làm thế nào để chinh phục cô ca sỹ Việt Nam xinh đẹp?
Anh cứ kiên nhẫn gửi mail như thế, đến một ngày anh ngỏ lời mời mình đi hẹn hò là bạn. Thế là mình cũng đồng ý trao đổi số điện thoại. Sau đó, mới nhận ra trước đây hai người ở cùng thành phố. Lần đầu tiên mình gọi điện cho anh, hai người nói chuyện suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó tụi mình hẹn gặp mặt ngoài đời. Anh kể anh làm kỹ sư, có con nhiều lắm rồi hỏi mình có sợ không. Mình mới trả lời là: “Tôi thích lắm, tôi không thích đẻ nên có nhiều con vậy thì tôi nuôi luôn, không lo bị “bể” dáng” (cười).
Lúc đó 2 người đi nghe nhạc sống nên mình rủ anh ra nhảy. Ban đầu, anh từ chối vì cả đời chưa bao giờ nhảy đầm. Sau cùng anh đồng ý với điều kiện anh nhảy xong thì phải được hôn một cái. Có một anh người Mỹ đứng gần đó, thấy mình là người Việt Nam thì khen: “Em đẹp quá” bằng tiếng Việt. Mình cũng trò chuyện qua lại. Lúc sau ông xã mình mới hỏi: “Em thích người Mỹ nói tiếng Việt phải không?”. Mình mới trả lời là: “ Đúng. Em không chỉ thích người Mỹ nói tiếng Việt mà còn thích người Mỹ biết phong tục tạp quán Việt Nam. Sau này anh mà muốn hẹn hò với em thì còn nhiều thứ phải học lắm. Nếu anh muốn “thắng” được trái tim em thì còn phải hát được tiếng Việt nữa cơ”. Mình có đưa anh hai bài là Riêng một góc trời của Tuấn Ngọc và Bình minh sẽ mang em đi của Đàm Vĩnh Hưng.
Lúc đó mình chỉ nói để anh ấy thấy khó mà lui. Vậy mà trong vòng vài tháng, anh đã học hát được tiếng Việt. Mình ngạc nhiên lắm vì anh làm kỹ sư rất bận rộn, còn phải chăm 5 đứa con, vậy mà vẫn có đủ thời gian học hát. Hát xong anh mới nói: “Now you have to be my girlfriend” (Bây giờ em phải là bạn gái của anh).
Khi quen nhau, hai người đi biển, đi du lịch khắp nơi, cắm trại,… mà không bao giờ vượt quá giới hạn cho tới tận ngày kết hôn. Tụi mình muốn mọi thứ đến một cách tự nhiên, yêu nhau từ tâm hồn, trái tim đến khối óc. Anh có nói kể từ khi gặp mình, cuộc sống anh thay đổi theo hướng rất tích cực. Mình lo lắng cho các con anh, giúp anh có thêm sức sống và niềm tin vào tình yêu. Hai đứa tìm thấy hạnh phúc từ cái nắm tay, cùng ngồi ngắm biển, tâm sự, chuyện trò,…
Vậy còn gia đình chị thì sao? Bố mẹ chị phản ứng như thế nào khi biết con rể tương lai là kỹ sư tài năng làm việc tại công ty công nghệ lớn hàng đầu nước Mỹ?
Kể ra thì cũng hơi buồn cười. Mỗi tuần anh Gerard đều đến nhà tặng hoa cho mình. Có một lần mình đi công tác, đúng ngay dịp sinh nhật mẹ nên có nhờ anh ấy tặng quà giúp. Anh bảo để anh mua hoa tới. Mình mới nói: “Mẹ em ghét hoa lắm. Anh mua giùm em 2 con cua với 2 con tôm hùm”. Đó là lần đầu tiên trong đời anh vô chợ Việt Nam lựa đồ sống ở trong hồ như vậy.
Anh gõ cửa nhà thì gặp ba mình. Anh quýnh lắm vì mình có nói ba rất khó mà nếu ba không ưng ai là mình “gạch sổ” liền. Anh mang tôm cua đến và cả hoa nữa. Ba mình gọi điện kể thì mình bảo đó là bạn, làm quản lý chợ bán tôm cua. Suốt khoảng 6 tháng hai đứa hẹn hò, ba mẹ vẫn hiểu lầm ảnh bán tôm cua, còn nhờ ảnh mua hàng khuyến mãi giùm. Trong khi đó, anh là một trong những kỹ sư giỏi nhất của hãng công nghệ lớn hàng đầu nước Mỹ.
Anh ấy bực mình lắm nên có phàn nàn: “Anh không có thích bị ba mẹ em hiểu lầm như vậy. Anh có nhiều bằng sáng chế và nhân viên cấp dưới. Sao em lại nói anh đi bán tôm càng?”. Mình mới giải thích là mình không muốn ba mẹ bị ấn tượng bởi vẻ hào nhoáng và danh hiệu bên ngoài, mà phải thương yêu anh vì chính con người anh. Sau đó, anh mời ba mẹ mình đi ăn rồi giải thích: “Con rất yêu con gái bác. Và con muốn hai bác biết con là một kỹ sư, chế tạo ra con chip trong điện thoại mọi người đang xài”. Ba mẹ mình hoang mang lắm, tự nhiên người bán tôm càng hoá ra là kỹ sư công nghiệp. Hai bên nói chuyện qua lại như một buổi gặp mặt chính thức. Khoảng 1 năm sau, anh cầu hôn mình đúng ngày Valentine năm 2013.
Chuyện tình của anh chị lãng mạn quá! Sau khi kết hôn, vợ chồng mình lên kế hoạch có con ra sao?
Vợ chồng mình kết hôn năm 2013, phải 2 năm rưỡi sau, tụi mình mới có con và sinh Sophia vào năm 2016. Lúc đó mình đã 42 tuổi. Hai đứa cầu nguyện mẹ Maria suốt là “Vợ chồng con muốn có con mà sao khó quá”. Cuối cùng, mình đi làm thụ tinh nhân tạo. Mỗi ngày ông xã phải tiêm cho mình 4 mũi, trong vòng 3 – 6 tháng. Mình sợ kim tiêm nhất trên đời. Thế nên thay vì mướn y tá, anh đã học rồi chích cho mình. Khi biết tin mình có con, ba mình và ông xã ôm nhau khóc nhiều lắm vì hạnh phúc. Đến khi có bầu, mình mới cầu xin thêm: “Con có con trai nhiều rồi, mẹ cho con một bé gái đi”. Vậy mà con thực sự là bé gái, trong gia đình đã có 5 cậu con trai!
Có con ở tuổi U50, chị có gặp khó khăn hay bị ảnh hưởng sức khoẻ?
Vào ngày sinh con, mình thê thảm lắm, nằm trong phòng sinh 28 – 29 tiếng đồng hồ mà đẻ hoài không được dù tử cung đã mở hoàn toàn. Mình mới nói với ông xã: “Anh ơi, chắc em chết mất. Em không thở được nữa”. Chồng mình sợ quá, nên mới la lên gọi bác sĩ, rồi mình được đẩy vào phòng mổ liền. Lúc chích thuốc mê, mình không phản ứng với thuốc. Thế là bác sĩ phải chụp thuốc mê cho mình. Chụp thuốc mê khi sinh rất nguy hiểm nên ông xã ở bên ngắt mình liên tục.
Đến khi Sophia ra đời, cả người con tím tái. Chồng chị mới hoảng hốt: “Trời ơi, con không thở”. Bác sĩ phải móc cuống họng để con ói ra, bé mới tỉnh dậy. Khi vượt cạn sinh Sophia, mình cảm giác như đứng trước “cửa tử”. Sau khi sinh Sophia, vợ chồng mình cũng nói với nhau là cả hai đã lớn tuổi, có một đứa con là món quà trên cả tuyệt vời nên bây giờ chỉ cần cố gắng nuôi dạy đàn con thật tốt, để các con thành người. Mình không tham lam sinh thêm nữa. Sophia lúc nào cũng năn nỉ mẹ có thêm em. “Mẹ đẻ đi, em buồn quá không có ai chơi với em”. Chị mới nói là mẹ không đẻ được nữa rồi dắt em đi mua búp bê. Vợ chồng mình thực sự không muốn sinh thêm vì sợ gặp nguy hiểm đến tính mạng thì không có ai lo cho các con.
Cô bé Sophia đáng yêu là “trái ngọt” trong cuộc hôn nhân của ca sĩ Bích Tuyền và ông xã.
Sophia là con gái đầu lòng của chị nhưng là người con thứ 6 của anh Gerard. Chắc hẳn anh có nhiều kinh nghiệm hơn và đỡ đần chị rất nhiều trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh?
Từ đó đến giờ mình không có rành chăm em bé mới sinh như thế nào. Ngày Sophia chào đời mình mới nói với với ông xã: “Anh ơi giờ con nhỏ xíu à, sao mình tắm được đây. Em sợ con “bể” quá”. Xong ông xã mình mới trấn an: “Em nằm đó đi, để anh chỉ cho”. Rồi anh chỉ mình tắm con, mặc tã cho em bé, mình học lại. Cái gì khó khăn nhất thì ông xã mình lo, tại anh “chuyên trị” con nít, có kinh nghiệm chăm 5 con rồi. Anh còn hiểu được tiếng khóc của con thể hiện điều gì, là con đang mệt hay đang đói.
Mình rất may mắn khi sinh con ra, có ba mẹ và chồng túc trực liên tục. Mình cho con bú sữa mẹ suốt một năm và cảm nhận được thiên chức làm mẹ quá vĩ đại. 6 tháng liền mình không ngủ vì Sophia bị trào ngược. Con uống bao nhiêu sữa thì đều ói ra. Mỗi lầ như thế mình phải đưa con đi tắm ngay. Có nhiều hôm 2 – 3 giờ sáng, trời mùa đông rất lạnh, mình run rẩy ngồi dậy mở nước ấm để tắm con. Mình chỉ sợ con bị bệnh thôi. Con ói 5 – 6 lần/ngày. Mình ngủ trên ghế luôn để tiện chăm sóc con, vì nếu nằm xuống thì khi ngồi dậy, vết mổ rất đau.
Lúc Sophia chào đời, con trai út và kế út mới được vài tuổi thôi, vẫn còn ngôi xe đẩy nên việc chăm sóc các con cũng rất vất vả. Mỗi lần mình đưa các con đi trung tâm thương mại là “3 đầu 6 tay” lo không xuể luôn.
Dường như chị rất thân thiết với con riêng của chồng? Mối quan hệ của chị với các bé như thế nào?
Mấy đứa nhỏ tốt lắm. Mình ở bên các con từ nhỏ, khi cậu con trai út mới vài tháng tuổi và chăm sóc cả đàn con. Dù mang tiếng “mẹ kế” nhưng các con riêng rất thân và yêu mình như mẹ ruột vậy. Có chuyện gì các con cũng đi kiếm mình để tâm sự. Các con cần hay muốn gì cũng nói với mình đầu tiên, chứ không phải nói với ba. Trẻ em rất ngây thơ, khi mình cho các con tình yêu chân thật, các con sẽ cảm nhận được và đáp lại.
Sophia lúc mới sinh, 3 – 4 tháng đã biết nghêu ngao hát. Mình thường cho con nghe nhạc bé Xuân Mai. Các anh trai cứ vây quanh Sophia. Dù là người Mỹ bản địa nhưng các con toàn ru em bằng tiếng Việt: “Thương là thương, thương cục vàng” rồi còn hát tiếng Việt nữa. Mình cười bể bụng luôn.
Ngoài việc cho con nghe nhạc Việt Nam, vợ chồng chị có kế hoạch giúp Sophia tìm hiểu thêm về quê mẹ không?
Mình luôn muốn các con, nhất là Sophia, dù đẻ ở Mỹ nhưng lúc nào cũng tìm về cội nguồn, nhớ về quê hương Việt Nam. Ở sân vườn, ba mẹ mình trồng toàn trái cây Việt như bưởi, cóc, ổi, xoài,…
Hiện tại gia đình đang thuê gia sư để dạy bé sử dụng tiếng Việt thành thạo. Chồng chị luôn nói Sophia phải học tiếng Việt để hiểu về văn hóa của Việt Nam. Anh Gerard hiểu rất rành văn hóa Việt Nam, gần như biết tất cả phong tục tập quán. Từ nhỏ, Sophia đã theo học trường của các Sơ, biết tiên học lễ hậu học văn. Gia đình mình cũng đề cao kính trên nhường dưới. Dù sinh ra ở Mỹ nhưng mỗi khi đi học về là Sophia đều “Ạ” bà ngoại.
Dù làm ăn thành công như thế nào thì con cái nên người mới quan trọng nhất.
Tên tuổi chị giờ đây gắn liền với ông xã tỷ phú, biệt thự 1600 tỷ. Nhiều người cho rằng chị “đổi đời” nhờ lấy chồng giàu. Sự thật ra sao, thưa chị?
Hồi xưa, anh trưởng ban nhạc của mình qua đời nên ban nhạc tan rã. Sau đó, mình cũng không có nhu cầu đi hát nữa, vì thị trường âm nhạc đang chuyển mình thay đổi. Mình mới quyết định chuyển sang làm xuất nhập khẩu. Sau đó, mình có một thời gian làm việc trong văn phòng luật lớn nhất thành phố. Vì vậy mình có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, luật pháp. Chính mình là người động viên ông xã nghỉ việc ở công ty để lập nghiệp.
Lúc đó mình nói với anh: “Vô thương bất phú. Dù anh có giỏi như thế nào nhưng anh làm cho người ta thì anh chỉ mãi làm thuê thôi chứ không giàu lên được”. Ông xã mình sợ lắm, sợ kinh doanh thua lỗ rồi phá sản, gia đình lại đông con. Mình khuyên anh: “Phá sản cũng không sao. Nếu phá sản thì mình làm lại từ đầu. Ngày xưa, em từ Việt Nam qua Mỹ, mình chỉ có 2 kiện hành lý thôi. Lúc anh mới ra trường, anh cũng “trắng tay” còn bị nợ học phí nữa. Nếu chẳng may mình phá sản thì mình tiếp tục yêu nhau rồi mở công ty thêm lần nữa”. Nhờ vậy anh ấy tự tin hơn. Anh tập trung phát triển chuyên môn, còn mình lo giấy tờ, mọi việc còn lại.
Thời gian đầu, hai vợ chồng cũng “trầy da tróc vảy”. Sophia mới 3 tuổi thôi, vừa bận rộn con nhỏ, vừa khởi nghiệp lại còn bị công ty lớn chèn ép. Hai vợ chồng mình đúng nghĩa xây dựng sự nghiệp từ bàn tay trắng. Thế mà chưa đầy 2 năm sau, đã có người trả hơn 2 tỷ đô để mua lại công ty. Sau đó dịch Covid-19 tới, mình mới quyết định bán công ty và dọn về miền Nam nước Mỹ. Hiện tại, mình còn sở hữu một công ty sự kiện – âm nhạc ở cả Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra mình đang khởi nghiệp một công ty thực phẩm. Ước mơ của mình là đem ẩm thực Việt Nam giới thiệu ra thế giới. Mình may mắn gặp được những người giỏi nhất trong đội ngũ. Trong tương lai, có rất nhiều điều đáng mong chờ.
Sophia sinh trưởng trong một gia đình có điều kiện kinh tế, là một đứa trẻ “sinh ra từ vạch đích”. Chị nghĩ sao về điều này?
Sophia rất may mắn vì con sinh ra trong gia đình có ba mẹ và nhiều anh trai yêu thương, kinh tế tốt. Từ khi sinh con, vợ chồng mình làm ăn rất thành công. Sophia được 3 tuổi thì mình mở công ty, đến khi con 5 tuổi mình bán công ty trị giá hơn 1 tỷ đô.
Dù vậy, với mình, dù làm ăn thành công như thế nào thì con cái nên người mới quan trọng nhất. Từ khi con ở trong bụng mẹ, mình đã nói chuyện với con sau này lớn lên con phải trở thành người có ích cho xã hội, phải biết yêu thương và từ bi. Dù nhiều người cho rằng con còn nhỏ chưa biết gì nhưng mà mình cứ kiên nhẫn thì con sẽ thấm nhuần lời mẹ dạy.
Mình nhận thấy Sophia có trái tim rất nhân hậu. Ví dụ như khi con đi ăn kem, con thấy một người khó khăn đứng ở bãi đỗ xe, con liền buồn hiu. Mình hỏi thì con mới nói: “Con thấy bà đứng đó, bà bị đói bụng nên con đau lòng quá. Mình mua kem cho bà ấy đi mẹ”. Mình cũng mua kem để con mang đi cho. Thế là con xin thêm: “Mẹ giàu lắm, mẹ cho bà một cục tiền đi”. Con mang tiền cho bà rồi nói: “God bless you”. Lúc nào Sophia cũng biết chia sẻ và nghĩ cho người khác.
v
Anh chị có nguyên tắc gì đặc biệt trong việc nuôi dạy con?
Khi có con, vợ chồng mình cũng ngồi xuống nói chuyện về cách dạy con để hai đứa không bị đụng chạm. Anh có chia sẻ nguyên tắc tất cả các con của anh chỉ được mua một món quà vào ngày sinh nhật và Giáng sinh. Còn những ngày còn lại, các con không được vòi đồ chơi. Mỗi lần mình dắt các con đi trung tâm thương mại, các con chỉ dám nhìn rồi sờ các món đồ chơi chứ không dám mua, chỉ dám chọn 1 món duy nhất. Mỗi lần qua nhà họ hàng thấy anh chị em họ có nhiều đồ chơi, Sophia hay hỏi: “Sao nhà mình nghèo dữ vậy mẹ. Rachel có cả một núi đồ chơi luôn”.
Ông xã chị muốn các con hiểu được giá trị của lao động và đồng tiền. Anh luôn dạy con: “Tiền không mọc trên cây” nên phải lao động để có được. Ví dụ Ben mua muốn hồ cá trị giá 275 đô. Anh dư tiền mua hồ và cá cho con nhưng anh lại bảo bé mỗi cuối tuần làm vườn, rửa xe hoặc dọn dẹp trong 1 – 2 tháng. Sau đó, anh trả công cho con để các bé đi mua hồ cá mình yêu thích. Anh ấy không bao giờ nói với các con nhà dư dả hay đáp ứng vô điều kiện yêu cầu của con. Mình nghĩ đây là cách giáo dục hay vì các con rất ngoan, không bao giờ biết vòi vĩnh.
Từ 3 tuổi, Sophia đã tập xếp quần áo bỏ vào tủ, tự dọn dẹp đồ chơi. Nếu em bày đồ đầy nhà, để cho người giúp việc làm thì ba sẽ vứt tất cả vào thùng rác. Thỉnh thoảng con vẫn than: “Sao làm con nhà giàu khổ quá vậy”. Ví dụ như người giúp việc giặt quần áo thì con phải tự xếp đồ của mình. Tuy không làm việc nặng nhưng ba luôn muốn em biết hỗ trợ mọi người, tự lập sớm.
Như vậy dù gia đình giàu có nhưng anh chị vẫn nuôi dạy con rất giản dị. Các con có được hưởng đặc quyền gì so với bạn bè cùng trang lứa?
Mình sống trong khu nhà giàu, làm hàng xóm với ông chủ hãng nước tăng lực, bà chủ thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Mình có hỏi thăm và biết các bé trong khu toàn học trường tư hay trường Do Thái, học phí sẽ từ 1400 – 2500 USD/tháng. Còn tất cả các con của mình đều học trường công và học rất giỏi. Vợ chồng mình muốn các con phát triển tự nhiên, hoà đồng và không có suy nghĩ mình giàu hơn ai.
Sophia không biết hàng hiệu là gì. Các con chỉ mặc quần áo siêu thị, bình dân. Mình nghĩ con nít lớn nhanh lắm nên mua đồ quá mắc tiền sẽ rất phí. Thay vào đó, mình sẽ sử dụng tiền để giúp đỡ người khó khăn, làm từ thiện, đầu tư,… Vợ chồng mình không có nhu cầu để con làm quen với thương hiệu đắt tiền.
Gia đình mình đã đầu tư vào việc giáo dục con ra sao?
Hiện tại, sau giờ học, Sophia sẽ học thêm tiếng Việt và đàn piano tại nhà. Ngoài ra con còn học thanh nhạc và múa tại một trường nhạc gần nhà. Con còn đang muốn học thêm lớp diễn xuất. Con có tâm sự: “Sau này lớn lên em muốn làm ca sĩ nổi tiếng, hát trong sân vận động chứ không hát chỗ nhỏ nhỏ giống ba mẹ đâu. Mẹ thấy ca sĩ katy Perry không? Mỗi lần cổ đi hát là có một đoàn đi theo rất bự. Sau này con muốn được như vậy, một bên làm quần áo, trang điểm, một bên múa phụ hoạ”. Con có ước mơ rất lớn nên mình cũng đầu tư cho con rèn luyện kỹ năng.
Sophia yêu thích âm nhạc như thế, chị có ủng hộ con theo đuổi con đường nghệ thuật?
Mình rất sợ nhưng không ngăn cản con. Vợ chồng mình ủng hộ con theo đuổi đam mê nhưng vẫn khích lệ con học tập. Sophia rất nể ba nên con sẽ vẫn phải học hết đại học, vừa học văn hoá, vừa rèn luyện năng khiếu.
Chi phí học thêm các môn năng khiếu rất đắt đỏ. Chị có thể bật mí thêm về khoản chi này?
Học phí lớp đàn piano khoảng 1200 đô, học nhảy, luyện thanh, múa,… Tổng chi phí rất nhiều, xấp xỉ 3000 USD. Nếu một gia đình công nhân viên đi làm bình thường thì mình nghĩ rất khó trang trải kinh tế và đầu tư đúng mức cho con theo đuổi đam mê nghệ thuật. Bình thường các bé chỉ học vài lớp thôi nhưng vì Sophia thích nên mình tạo điều kiện để con học hết những điều con đam mê. Ví dụ như khi học đàn piano, con có bảo: “Đàn này bự quá mẹ. Lỡ sau này con muốn trình diễn tại chỗ, bưng đàn piano theo rất khó. Nên con muốn học ghi-ta nữa”. Con lý sự lắm, cô giáo còn bảo nên cho con theo nghề luật sư (cười).
Sophia đam mê nghệ thuật từ bé, ước mơ trở thành ca sĩ giống mẹ.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!