Vì sao giá xăng Mỹ lập đỉnh dù không thiếu dầu thô
Công suất lọc dầu giảm và phải bán thêm nhiên liệu cho châu Âu khiến nguồn cung xăng ở Mỹ thắt chặt, đẩy giá lên kỷ lục.
Gần đây, giá xăng ở tất cả 50 bang của Mỹ lần đầu tiên đạt mức 4 USD mỗi gallon (3,7 lít), bất chấp giá dầu thô toàn cầu hạ nhiệt từ mức đỉnh xác lập sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Giá dầu thô Mỹ WTI đang dao động quanh mức 115 USD mỗi thùng, giảm so với mức hơn 120 USD mỗi thùng vào tháng 3.
Giá dầu thô cao sẽ góp phần làm tăng chi phí xăng dầu. Nhưng theo các lãnh đạo công ty và chuyên gia phân tích năng lượng, thủ phạm chính khiến giá xăng tại Mỹ vẫn cao là năng lực lọc dầu.
Vì nhu cầu nhiên liệu giảm trong đại dịch, các công ty hóa dầu trên khắp thế giới, không riêng gì Mỹ, đã đóng cửa vĩnh viễn các nhà máy cũ và ít lợi nhuận những năm qua. Theo JPMorgan Chase, công suất lọc dầu toàn cầu giảm khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày trong thời gian đại dịch, riêng Mỹ giảm một triệu thùng.
Tình hình trầm trọng hơn khi bão ở Vịnh Mexico, nơi có tổ hợp hóa dầu lớn nhất thế giới, làm hư hại một số nhà máy. Một số công ty đang tiến hành bảo trì các nhà máy lọc dầu nên phải tạm dừng hoạt động.
Nguồn cung xăng ra thị trường của Mỹ. Đồ họa: WSJ
Các chuyên gia đang lo ngại rằng tình hình có thể tệ hơn khi Mỹ bước vào mùa cao điểm di chuyển hè và nhiều nền kinh tế nới lỏng các hạn chế với Covid-19. Tại Mỹ, nhu cầu xăng đạt đỉnh năm 2018 với mức trung bình khoảng 9,33 triệu thùng mỗi ngày và giảm trong thời gian đại dịch xuống 8 triệu thùng mỗi ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
EIA dự báo nhu cầu năm nay và năm sau sẽ hồi phục lên trung bình khoảng 8,9 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi đó, nhu cầu về dầu diesel, nhiên liệu chính cho vận tải đường bộ và những ngành công nghiệp khác, cũng tăng vọt khi hoạt động kinh tế tăng lên.
“Ít ai có thể dự đoán được tốc độ mà nền kinh tế Mỹ phục hồi sau lần đóng cửa ban đầu. Nền kinh tế đang phát triển có nghĩa là nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng”, Jonathan Wolff, Phó giáo sư Kinh tế tại Đại học Miami, nhận định.
Công suất lọc dầu giảm cũng đang kéo tỷ suất lợi nhuận của các công ty lọc dầu lên mức kỷ lục. Theo nhà tư vấn RBN Energy, biên lợi nhuận để sản xuất xăng ở Bờ Đông đang đạt mức 50 USD mỗi thùng, tăng từ mức dưới 10 USD mùa xuân năm 2020. Cùng với đó, biên lợi nhuận để sản xuất dầu diesel tăng vọt lên hơn 100 USD mỗi thùng cuối tháng 4 và hiện tại là khoảng 60 USD mỗi thùng.
“Việc hợp lý hóa công suất các nhà máy lọc dầu đã diễn ra trong vài năm qua, tiếp tục góp phần làm cho nguồn cung bị thắt chặt”, Giám đốc điều hành Joseph Gorder của Valero cho biết. Valero là HÃNG lọc dầu lớn thứ hai của Mỹ. Trong quý I, họ ghi nhận mức lợi nhuận tốt nhất kể từ năm 2015.
Một cây xăng tại Mỹ. Ảnh: Reuters
Tại sao các nhà máy lọc dầu lại đóng cửa nếu đang có lãi? Nhu cầu tăng thường kéo theo đầu tư nhiều hơn để tăng cung, nhưng các nhà máy lọc dầu không vội tăng công suất. Đó là vì trước đại dịch, nhu cầu năng lượng sạch của Mỹ và khu vực khác trên thế giới tăng cao.
Khi đại dịch bùng phát, các công ty nhân cơ hội đó đóng cửa các nhà máy cũ tại Mỹ, Australia và châu Âu. Dù nhu cầu nhiên liệu hiện tăng trở lại, quan điểm của các công ty lọc dầu là nhu cầu dài hạn vẫn không đổi. Một nhà máy lọc dầu có thể mất tới 20 năm để thu hồi vốn đầu tư, khiến tình hình kinh doanh hiện tại của một nhà máy mới trở nên mờ mịt.
Khi bão Ida làm hư hại nhà máy lọc dầu Alliance của Phillips 66 ở Louisiana, công ty đã đóng cửa vĩnh viễn nó thay vì đầu tư hơn một tỷ USD để sửa chữa. Một số công ty đang chuyển đổi các nhà máy lọc dầu thành các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học và các sản phẩm xanh khác. Phillips 66 hồi tháng 5 cho biết sẽ chi 850 triệu USD để chuyển đổi nhà máy ở San Francisco thành một cơ sở nhiên liệu tái tạo.
Ngoài ra, khủng hoảng Ukraine cũng đang góp phần thắt chặt thị trường nhiên liệu. Theo JPMorgan Chase, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã buộc các nhà máy lọc dầu của Nga phải giảm công suất 800.000 thùng mỗi ngày và có khả năng lên tới 1,4 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 5, khi việc bán hàng sang châu Âu ngừng lại.
Điều đó khiến châu Âu phải tìm đến Mỹ, châu Á và Trung Đông để thay thế, làm căng thẳng nguồn cung vốn đã eo hẹp. Các nhà máy lọc dầu ở Bờ Đông nước Mỹ đã tăng cường xuất khẩu nhiên liệu sang châu Âu, làm cạn kiệt kho dự trữ trong nước, đặc biệt là dầu diesel.
Đầu tháng này, dự trữ diesel của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 17 năm, theo JPMorgan Chase. Ngân hàng này cho biết riêng tại Bờ Đông, lượng dầu diesel dự trữ trong tháng 5 đã giảm xuống mức thấp nhất 40 năm. Trong khi đó, lượng xăng tồn kho của Mỹ là 18,8 triệu thùng, tương đương 8%, thấp hơn mức trung bình với thời điểm này trong năm, theo EIA.
Nhiều chuyên gia tin rằng giá nhiên liệu tại Mỹ sẽ tiếp tục cao trong năm nay và thậm chí tệ hơn. Theo JPMorgan Chase, việc các hãng sản xuất nhiên liệu kết thúc đợt bảo dưỡng mùa xuân có thể bổ sung cho thị trường 2,5 triệu thùng khi hoạt động lại.
Nếu Trung Quốc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa, nguồn cung sẽ càng trở nên eo hẹp. “Nhu cầu có thể mạnh trở lại và tác động đến thị trường vốn đã căng thẳng”, Peter McNally, Chuyên gia phân tích tại Third Bridge, cho biết.
Trong khi đó, nhiều nhà máy lọc dầu của Nga có thể đóng cửa khi chiến sự kéo dài. Lệnh cấm của Liên minh châu Âu với dầu Nga có thể sẽ khiến giá xăng tăng thêm. Đó là chưa tính đến mùa bão Đại Tây Dương năm nay được dự báo mạnh hơn bình thường, có thể khiến kho xăng dầu của Mỹ vơi thêm.
“Việc sử dụng các nhà máy lọc dầu đang đạt giới hạn. Bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ khiến Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu nhiên liệu, từ đó kéo giá lên cao hơn”, Peter McNally nói thêm.