Người Mỹ ngấm nỗi đau lạm phát
Nhiều người Mỹ dư dả tài chính nhờ các khoản hỗ trợ hào phóng sau Covid-19 của chính phủ, nhưng giờ đây đối mặt tình cảnh u ám khi lạm phát, vật giá tăng phi mã.
Kat Johnston, 31 tuổi, mất công việc toàn thời gian tại thư viện trong đại dịch Covid-19. Sau nhiều tháng ở nhà và chắt bóp chi tiêu, Johnston phần nào được giải thoát khỏi mối lo tiền bạc khi được nhận khoản bảo hiểm thất nghiệp mở rộng và hai tấm séc hỗ trợ từ chính phủ Mỹ.
“Khi bắt đầu đi làm trở lại, tôi tiết kiệm được khoảng 2.200 USD, số tiền không lớn, nhưng nhiều hơn những gì tôi đã có trong một thời gian dài”, Johnston chia sẻ. Nhưng số tiền này không thấm vào đâu khi lạm phát gần đây leo thang ở Mỹ. “Số tiền tiết kiệm đó giờ đã vơi gần hết. Khi mọi thứ trở nên đắt đỏ, cuộc sống của tôi như thể ‘được đồng nào xào đồng ấy'”, cô nói.
Tiền thuê căn studio nhỏ ở Dallas tăng mạnh khiến Johnston phải cân nhắc chuyển đến ở ghép với một người khác. Với thu nhập hàng năm khoảng 40.000 USD, cô muốn tìm một công việc mới lương cao hơn, song nghiêng về phương án an toàn, thay vì lao đầu vào nỗ lực tìm việc nhiều mệt mỏi khi giới đầu tư và các nhà kinh tế liên tục cảnh báo về nguy cơ suy thoái.
Matrice Moore-Carr, 52 tuổi, làm văn thư tại một bệnh viện công ở Nashville, bang Tennessee, không mất việc trong đại dịch, thậm chí có một khoản tích cóp nhờ những tấm séc hỗ trợ của chính phủ, giúp bà chi trả hóa đơn điện và tiền xăng xe.
Tuy nhiên, khi vật giá bắt đầu tăng vào năm ngoái, bà phải tăng ca trong phòng cấp cứu để cân đối thu chi, song vẫn không đủ. Bà tiếp tục làm lễ tân khách sạn bán thời gian. Bà hiện làm 7 ngày/tuần, đảm nhận nhiều công việc một ngày, nhưng vẫn phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn.
“Thực lòng, tôi mệt mỏi và rất buồn ngủ”, Moore-Carr nói. “Tôi không biết mình phải làm gì nếu mọi chuyện tồi tệ hơn nữa. Liệu tôi sẽ phải ăn ngày một bữa thay vì ba bữa như trước đây? Tôi không biết. Mọi chuyện thực sự khó khăn”.
Hàng triệu người Mỹ đang cảm thấy bế tắc như Johnston và Moore-Carr, khi tiền tiết kiệm cạn kiệt, còn chi phí sinh hoạt tăng cao. Nền kinh tế Mỹ dường như sắp bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm lại, có thể gây ra tình trạng thất nghiệp cao và giảm thu nhập, trong khi vật giá vẫn tăng.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang nghiên cứu đà giảm kinh tế này, thay vì vội vàng công bố các chính sách hỗ trợ như thời kỳ đầu đại dịch Covid-19, một phần vì e ngại “đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát”.
Các nhà kinh tế đã liên tục cảnh báo về “vách đá” trước mắt những người cần chính phủ hỗ trợ cũng như nền kinh tế chưa thực sự đứng vững sau đại dịch. Họ tiếp tục đưa ra cảnh báo này hồi mùa thu năm ngoái, khi quốc hội chấm dứt hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động. Trợ cấp hàng tháng cho các gia đình có trẻ em cũng kết thúc hồi tháng 1.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng những quyết định chấm dứt trợ cấp này là đòn giáng với nhiều gia đình Mỹ. Tuy nhiên, thực tế những gì diễn ra trong vài tháng sau đó cho thấy một bức tranh kinh tế khác, khi người Mỹ đẩy mạnh chi tiêu trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19.
Hàng nghìn tỷ USD tiền trợ cấp của chính phủ đã cho phép nhiều người như Johnston chi tiêu, mua sắm và tiết kiệm, trong khi sự phục hồi kỷ lục của thị trường việc làm giúp người lao động tăng thu nhập, bù đắp cho những khoản trợ cấp đã bị chính phủ chấm dứt.
Nhưng thời gian tăng chi tiêu này không kéo dài. Khi các khoản tiết kiệm bắt đầu cạn kiệt, người tiêu dùng phải đối diện với thực trạng giá cả leo thang và lãi suất tăng. Theo giới chuyên gia, các vết nứt tài chính bắt đầu xuất hiện và có khả năng mở rộng kể từ thời điểm này.
Mức tăng lương ở Mỹ đã tụt hậu so với lạm phát trong nhiều tháng, xuống mức 4,3%/tuần trong tháng 5 so với 5,5% trong tháng 2, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS). Dư nợ thẻ tín dụng, từng giảm trong đại dịch, giờ đã tăng lên mức cao kỷ lục, nhiều hơn 71 tỷ USD so với quý I năm 2021.
“Viễn cảnh u ám đã bắt đầu”, Elizabeth Ananat, chuyên gia kinh tế tại Đại học Barnard, New York, người từng nghiên cứu về ảnh hưởng của đại dịch đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, cho biết. “Họ đang ở tình thế khó khăn hơn nhiều so với vài tháng trước đó”.
Nhờ loạt hỗ trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD từ chính phủ, tình hình tài chính của các hộ gia đình có thu thập trung bình và thấp ở Mỹ trong hai năm đại dịch đã cải thiện đáng kể. Những gói kích thích bơm tiền vào nền kinh tế, giúp tình trạng đói nghèo giảm vào năm 2020, ngay cả khi hàng chục triệu người mất việc làm.
Việc “phát tiền cho dân” có thể giúp người Mỹ thanh toán hóa đơn, song cũng đẩy mạnh nhu cầu chi tiêu và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát khi tạo thêm nhu cầu tiêu dùng, trong lúc các doanh nghiệp không đủ khả năng và nhân sự sản xuất hàng hóa đáp ứng đòi hỏi của thị trường.
Trước bối cảnh này, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngày 15/6 nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất thêm 0,75%. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất ở mức này kể từ năm 1994.
Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ, do kéo hàng loạt khoản khác tăng theo, như lãi vay mua nhà, ôtô, lãi thẻ tín dụng và vay kinh doanh, từ đó giảm tốc nền kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng chiến lược này là cần thiết để đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững hơn.”Quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra một cách rất khó khăn, phải mất một thời gian dài để bình ổn lạm phát, sau khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại”, Seth Carpenter, trưởng ban kinh tế toàn cầu tại Morgan Stanley, cựu chuyên gia kinh tế Fed, cho biết.
Động thái tăng lãi suất của Fed giúp phục hồi ngành hàng hóa và dịch vụ Mỹ, nhưng góp phần làm giá cả leo thang. Ngay cả khi Fed ngăn chặn suy thoái kinh tế thành công, thị trường lao động suy giảm sẽ gây ra khó khăn cho nhiều người. Tình trạng thất nghiệp có thể rất nghiêm trọng, trong khi những người giữ được công việc có khả năng bị cắt giảm giờ làm và mất khả năng đàm phán lương.
“Người lao động có thu nhập và trình độ thấp, người da màu, người Mỹ Latinh sẽ là những nhóm đầu tiên có nguy cơ mất việc, cũng như nhóm cuối cùng có việc trở lại”, Diane Whitmore Schanzenbach, nhà kinh tế của Đại học Northwestern, người nghiên cứu các chương trình chống đói nghèo, cho biết.
Tuy nhiên, giới chức Fed đã cảnh báo rằng biện pháp duy trì lạm phát ở mức cao, thậm chí vượt tầm kiểm soát, sẽ còn tồi tệ hơn. “Không thể tạo ra loại thị trường lao động tối ưu mà không bình ổn giá cả”, Jerome H. Powell, chủ tịch Fed, cho biết tại một cuộc họp báo tuần trước.
Bản thân nhóm nghèo và thu nhập thấp đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát và vật giá leo thang, tập trung vào các danh mục thiết yếu như tiền thuê nhà, thực phẩm và nhiên liệu.
“Đây là gánh nặng thực tế đối với các gia đình, họ đang phải cân nhắc cắt giảm chi tiêu, trong khi những hộ thu nhập thấp thậm chí không có lựa chọn”, Michelle Holder, chủ tịch tổ chức nghiên cứu phi chính phủ Trung tâm Washington về Tăng trưởng Công bằng (WCEG), cho biết.
Đối với nhiều gia đình, gánh nặng này đã xuất hiện một cách rất cụ thể.
Brandy Sandersfeld, 37 tuổi, sinh con vào tháng 3/2020, thời điểm con trai lớn phải nghỉ học do Covid-19. Cơ sở kinh doanh pizza của chồng cô cũng phải đóng cửa, sau đó ngừng hoạt động vĩnh viễn.
Sau vài tháng vật lộn, gia đình cô chuyển về sống ở vùng nông thôn tại quê nhà Arkansas. Trợ cấp thất nghiệp giúp họ có tiền đổ xăng xe, trong khi khoản hỗ trợ nuôi dạy trẻ em mở rộng cũng cung cấp cho họ một bước đệm tài chính cần thiết, song những khoản này đã kết thúc hồi đầu năm.
Dù sống ở vùng hẻo lánh, gia đình Sandersfeld vẫn cảm nhận rõ sức nóng của vật giá leo thang, khi phải đổ 25 USD tiền xăng cho mỗi lần lái xe vào thị trấn. Cô vừa chăm con vừa làm việc tại nhà, trong khi chồng làm thêm công việc thứ hai trong năm nay. Họ lo lắng về viễn cảnh một trong hai người mất việc khi nền kinh tế giảm tốc.
“Tôi luôn muốn những điều tốt nhất cho con, mong chúng có nhiều cơ hội và có vị trí tốt hơn trong cuộc sống. Tôi từng nghĩ rằng cuộc đời mình đã đi đúng theo hướng đó”, cô bày tỏ. “Nhưng giờ đây, chúng tôi có cảm giác như bị đạp xuống chân núi và phải một lần nữa chinh phục ngọn núi trước mặt”.