Canada dự kiến tài trợ bổ sung 193 triệu USD cho Chương trình Lương thực Thế giới
Canada cam kết trở thành đối tác toàn cầu đáng tin cậy trong việc giải quyết nạn đói, chống biến đổi khí hậu và hợp tác để tìm kiếm những giải pháp giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.
Người dân lấy nước tại Lalari Karfi, Niger. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Phát triển Quốc tế của Canada, ông Harjit Sajjan ngày 24/6 cho biết chính phủ nước này đang có kế hoạch cam kết tài trợ bổ sung cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (LHQ) để hoạt động hỗ trợ nhân đạo có thể được triển khai ngay lập tức.
Canada trước đó đã cung cấp cho Chương trình Lương thực Thế giới 500 triệu CAD (385 triệu USD) để giúp giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước đang phát triển.
Đặc biệt, Thủ tướng Justin Trudeau ngày 23/6 đã thông báo bên lề cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung tại Kigali rằng, Canada sẽ cung cấp thêm 250 triệu CAD (193 triệu USD) cho Chương trình Lương thực Thế giới.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, Canada cam kết trở thành đối tác toàn cầu đáng tin cậy trong việc giải quyết nạn đói, hành động chống biến đổi khí hậu và hợp tác để tìm kiếm những giải pháp giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.
Chính phủ Canada bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng toàn cầu ngày càng sâu sắc và tác động của nó đối với các nhóm dễ bị tổn thương, như dân di cư, phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em, đặc biệt là những người ở khu vực Nam sa mạc Sahara.
Tình trạng mất an ninh và biến đổi khí hậu, cộng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực, phân bón và nhiên liệu do cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Tại hội nghị cấp Bộ trưởng có chủ đề “Đoàn kết vì an ninh lương thực toàn cầu” ở Đức, các bộ trưởng của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), bộ trưởng các nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, các thành viên của Nhóm ứng phó khủng hoảng toàn cầu của LHQ về lương thực, năng lượng và tài chính, và các đối tác quốc tế đã thảo luận về các hành động chung để ứng phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu mà hệ thống nông nghiệp và lương thực đang phải đối mặt.
Vào năm 2022, Chương trình Lương thực Thế giới ước tính có tới 345 triệu người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cứ mỗi điểm phần trăm tăng trong giá lương thực sẽ có 10 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn thế giới./.
(bnews)