Mẹ Việt ở Canada: Nhìn cô giáo bình tĩnh chờ con xoay xở tôi nhận ra cách giáo dục trẻ tốt nhất là “mặc kệ con”
Tại sao bố mẹ Việt thường vội vàng giúp đỡ con khi thấy con đang loay hoay thay vì để con tự làm? Tại sao những đứa trẻ Việt có ít cơ hội được thể hiện mình trong khi đó bố mẹ chẳng muốn con phải “động tay động chân” cho mệt ra?
Câu chuyện tôi kể vào một buổi sáng mùa đông tuyết trắng ở Canada.
Mẹ con tôi, vì hì hụi lội tuyết nên đến trường muộn. Trường học của Tee cứ đúng 8h45ph sáng là khóa cửa chính. Chúng tôi phải ra cửa sau và đứng chờ 10 phút mới có người mở cửa. Đi muộn nên con tự vào lớp, không được mẹ đưa vào như mọi khi. Tee nhìn mẹ hơi mếu nhưng cũng hiểu chuyện, vẫy tay chào. Cửa đóng, tôi vẫn nán lại nhìn con qua ô cửa kính.
Tee một tay xách túi đựng chăn gối, một tay cầm bình nước và con đang lóng ngóng tìm cách cởi đôi giày tuyết ở chân mà không làm được. Đưa tay phải xuống tháo giày thì quai túi rơi trễ xuống đất, dùng tay phải thì cái bình nước lăn lông lốc phải hùng hục chạy theo nhặt lên. Tôi khẽ chau mày khi cô giáo con cứ đứng đó, gương mặt nhẹ nhàng, không tỏ chút thái độ, cũng không nói một lời, chỉ kiên nhẫn đứng chờ con tầm 5 phút loay hoay.
Đúng vậy, cô không hề làm gì, không giúp đỡ cũng không phàn nàn, chỉ đơn giản là đứng chờ.
Tôi hơi sốt ruột, liền gõ cửa hỏi liệu có cần giúp đỡ. Cô tươi cười nói không cần và chúc mẹ một ngày tốt lành. Cửa lại đóng, tôi quay lưng đi vài bước rồi không kìm được, ngoái lại nhìn. Sau vài phút, con trai tôi đã biết chạy lại một chiếc ghế gần đó. Đặt chiếc túi và bình nước ngay ngắn trên ghế, ngồi xuống dùng hai tay tự cởi giày, cho bình nước vào túi đựng chăn gối, đeo nó lên vai phải, tay trái xách giày, rồi chạy theo cô vào lớp.
Chiều hôm đó tôi đón Tee. Cô giáo niềm nở ra bắt chuyện với tôi. Cô nói: “Tôi biết chị sáng nay có hơi sốt ruột khi tôi không giúp con, nhưng nếu tôi giúp bé thì có lẽ cả tôi và chị sẽ chẳng bao giờ biết được thằng bé có thể giỏi xoay xở biết nhường nào”.
Đó là sự thật, vì cuối cùng, Tee cũng đã tự nghĩ ra cách làm thế nào để túi không bẩn, bình nước không rơi và hai tay bê được ba thứ chạy theo cô. Và việc duy nhất người cô giáo ấy làm chỉ là kiên nhẫn và đứng chờ.
Cậu bé Tee giỏi xoay xở. Ảnh: FBNV.
Có ai trong số chúng ta đủ kiên nhẫn để đứng chờ hay vội vàng mặc giúp bé quần áo khi con đang loay hoay tự tìm cách không xỏ hai chân vào một ống quần?
Có ai trong số chúng ta đủ kiên nhẫn để mỉm cười hay nhanh chóng giúp bé buộc dây giày khi con đang băn khoăn bên nào trái bên nào phải?
Có ai trong số chúng ta đủ kiên nhẫn để không làu bàu, không phàn nàn, không giục giã khi con dừng lại xem một đàn kiến qua đường, khi con tự bê đồ ăn và dây bẩn ra áo, khi con muốn giúp mẹ xách đồ nhưng làm rơi liểng xiểng?
Chúng ta sợ con bê nặng nên bê giúp, dù đó vốn dĩ là đồ của con.
Chúng ta sợ con lạnh nên chọn quần áo giúp, dù con chẳng hề thích mặc bộ đó.
Chúng ta sợ con bẩn nên dọn giúp, dù con là người làm đổ sữa ra bàn.
Chúng ta sợ con muộn nên giục giúp, dù con không hề hiểu tại sao phải vội vã như vậy.
Chúng ta sợ con đau nên chừa giúp, và chẳng bao giờ con biết tự nhận trách nhiệm với sai lầm của mình.
Phải chăng chúng ta đã lo lắng quá nhiều?
Cũng lâu lâu rồi, tôi từng hỏi chồng mình điều mà tôi tự nhận ra sau một thời gian sống ở Canada: Không hiểu tại sao trẻ con ở đây hầu như đều biết trông em, dù chỉ cách nhau 1 – 2 tuổi, bởi trẻ con Việt Nam tầm tuổi đó thường chỉ biết chấp nhặt, tranh giành, bắt nạt, mách lẻo và khóc lóc?
Câu trả lời tôi nhận được là: Vì trẻ con Tây luôn biết tự chăm sóc bản thân và giỏi xoay xở. Khi những đứa trẻ tự biết chăm sóc bản thân mình và được tập xoay xở trong mỗi tình huống mà không cần người lớn can thiệp giúp đỡ, chúng sẽ luôn biết mình cần gì và phải làm gì cho bản thân mình và cho cả những người xung quanh.
Những đứa trẻ giỏi xoay xở không phải vì chúng thông minh hay vì chúng có chỉ số IQ cao. Chúng giỏi xoay xở vì ngay từ nhỏ, chúng được rèn luyện luôn suy nghĩ và làm mọi thứ độc lập (trong sự kiểm soát của người lớn). Đúng như lời nói của cô giáo Tee: Nếu tôi giúp bé, cả tôi và chị sẽ chẳng bao giờ biết được thằng bé có thể giỏi xoay xở biết nhường nào.
Nếu bạn cho con bê một túi đồ lỉnh kỉnh, con sẽ đi chậm hơn và bạn phải đứng chờ?
Nếu bạn để con tự chọn quần áo, con sẽ chọn một chiếc áo giữ nhiệt vào ngày trời 40 độ và mọi người có thể sẽ nhìn chằm chằm vào bạn?
Nếu bạn để con tự lau sữa vừa làm đổ, có thể bạn sẽ phải giặt thêm một cái áo?
Nếu bạn để con thong thả đi trên đường, có thể cả con và bạn sẽ đến trường và cơ quan muộn?
Và nếu bạn không bế thốc con lên ngay khi con bị ngã và đánh chừa đường, có thể bạn sẽ phải gánh hậu quả là một trận khóc tơi bời khói lửa không thể dỗ?
Có thể bạn là một người bố bận rộn, một người mẹ cầu toàn, kĩ tính, nhưng hãy thử hỏi mình rằng những gì bạn đã và đang làm cho con là mong muốn của con, niềm vui của con, trách nhiệm của con hay đơn giản bạn làm chỉ vì bạn thấy chúng nhanh hơn, thuận lợi hơn cho chính bạn?
“What is the best for the child is not always what is most convenient for the parent.” (Bonnie Bedford).
NHỮNG ĐIỀU TUYỆT VỜI NHẤT CHO BÉ THƯỜNG KHÔNG PHẢI LÀ THỨ THUẬN TIỆN VÀ DỄ DÀNG CHO BỐ MẸ…
…NHƯNG NHỮNG ĐỨA TRẺ GIỎI XOAY XỞ LẠI ĐƯỢC TẠO DỰNG NÊN TỪ NHƯ THẾ!
(Afamily)