“Nỗi khổ“ của gái Việt làm dâu Canada: Mỗi lần về quê đều mua mì gói, cà pháo mang theo
Đến nay cũng đã hơn 10 năm chị Hồng Phước định cư ở Canada với chồng, thế nhưng chưa một ngày nào chị phải làm dâu. Chị và mẹ chồng mỗi lần bất đồng ý kiến, cũng tranh luận, tranh cãi trực tiếp hay qua email.
Hơn 10 năm kết hôn cùng chồng, sang Canada, đến bây giờ mỗi ngày của chị Hồng Phước (SN 1978, TP.HCM) ở nơi xứ người yên bình trôi qua với nhịp sống bên 4 con: Corbin (16 tuổi), Xuân Uyên (9 tuổi), Uyên Khanh (7 tuổi) và Khanh Nguyên (5 tuổi). Chị thích nhất khoảng thời gian buổi tối và cuối tuần quây quần bên cả nhà, chơi với con, cùng nhau đi coi phim, ăn uống, đi chơi và đưa con vào phòng hôn chúc ngủ ngon. Đối với chị, niềm hạnh phúc mỗi ngày chỉ đơn giản là vậy.
Chị Hồng Phước đang có cuộc sống hạnh phúc ở Canada.
Gia đình chồng cười ngất khi con dâu giấu giếm chuyện ăn mì gói, cà pháo
Chị Hồng Phước và anh Jules Wilkinson quen nhau nhờ “bà mai” Facebook. Sau 9 tháng yêu xa, anh chị đã quyết định kết hôn vào năm 2009 ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ.
Hơn 10 năm kết hôn, nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, chị Phước vẫn ngỡ như là một giấc mơ – một giấc mơ đẹp như chính tên gọi Hồng Phước mà bố mẹ đã dành cho chị. Chị hài lòng với tổ ấm nhỏ luôn ấm cúng và tràn ngập tiếng cười.
Nhớ lại ngày đầu tiên về nhà chồng, chị Hồng Phước lại cười với lời dạy của mẹ “con gái không nên ngủ nướng”. Chị kể, vì nhớ lời dạy đó nên dù chưa quen với giờ giấc ở Canada, chị vẫn cố gắng thức dậy vào đúng 7h sáng. Tuy nhiên, khi ra khỏi phòng, chị bất ngờ vì cả nhà chưa có ai thức dậy, kể cả chồng. Mãi đến 8-9h sáng mọi người mới bắt đầu dậy dần.
“Vì mới qua bên đây 1 tháng mình vẫn chưa quen giờ giấc nhưng vẫn cố gắng dậy sớm nào ngờ ngồi một mình ở phòng khách đến 1-2 tiếng sau mọi người mới dậy. Mẹ chồng làm đồ ăn sáng kiểu Tây, mình không biết nhưng cũng đứng bên để phụ.
Được 3 ngày như vậy, mình phải kể thật cho mẹ, chồng và các em nghe. Ai cũng cười ngất, nói ở đây không cần phải vậy. Và mới qua không biết nấu gì cứ để mẹ nấu. Thế là từ đó mình ngủ đã mắt đến tận 8-9 giờ”, chị Hồng Phước cười.
Chị thường mua quà mẹ chồng thích hay đưa mẹ chồng đi du lịch (mẹ chồng chị bên phải áo đen – PV).
Không chỉ bị mọi người cười vì quan niệm phải thức dậy sớm khi về nhà chồng, chị Hồng Phước còn khiến gia đình chồng cười ngất vì câu chuyện mua mì gói, hũ cà pháo chua ngọt và bịch gạo ăn giấu giếm mỗi khi về nhà mẹ chồng vì không quen đồ ăn Tây.
“Mình là người rất thích ăn đồ Việt Nam. Những năm đầu mới qua, khi về thăm gia đình, mình toàn phải mua mì gói và mấy hũ cà pháo chua ngọt cùng bịch gạo để có mà ăn vì thấy đồ ăn Tây là muốn mệt rồi, không có cảm giác ngon. Nhưng vì lịch sự và cảm kích người nấu nên mình vẫn ăn dù không ăn nhiều. Sau này, khi ăn quen và bắt đầu thấy ngon miệng mình mới kể thiệt cho gia đình, ai cũng cười ngất nhưng rất thông cảm cho “nỗi khổ” của con dâu”, chị Phước nhớ lại.
Mỗi lần bất đồng lại viết thư gửi má chồng
Chị Hồng Phước cho biết, chị cảm thấy may mắn vì được sống trong 2 gia đình đoàn kết và gắn bó với nhau. Bố chồng mất khi ông xã 17 tuổi còn em út mới 3 tuổi, một mình mẹ chồng lo cho các con và sau này chồng chị trở thành người đàn ông trong gia đình để phụ mẹ. Mẹ chồng chị thường gọi điện thoại hỏi thăm các con và mấy anh chị em trong nhà để mọi người luôn gắn kết với nhau giống như gia đình của chị ở Việt Nam. Điều đó khiến chị có cảm giác gần gũi giống như ở nhà.
Đặc biệt, hơn 10 năm lấy chồng Canada, chị chưa phải làm dâu một ngày nào bởi có một người mẹ chồng vô cùng tâm lý. Mỗi lần về chơi, sáng nào mẹ chồng chị cũng làm đồ ăn cho cả nhà mà chị không cần phải động chân động tay gì hay 3 lần chị sinh con, mẹ chồng đều canh theo ngày dự sinh để lên ở bên đỡ đần chị bế ẵm cháu.
“Bà thường nói rằng mình ở nhà làm rồi nên về nhà bà chơi là nghỉ ngơi. Bà thích làm vườn nên mỗi lần qua nhà mình chơi lại lo vườn tược cho mình, thỉnh thoảng bà thích làm những món đặc biệt hoặc nấu những món chồng mình thèm cho cả nhà”, chị Hồng Phước chia sẻ
Gia đình chị cùng nhau đi du lịch Hội An.
Không những vậy, mẹ chồng cũng thường hay hướng dẫn những món ăn Tây ông xã thích cho chị. Và chị cũng thường hay nấu những món ăn Việt Nam cả gia đình chồng thích mời mọi người qua ăn. Tuy nhiên để có được mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp như vậy, chị và mẹ chồng cũng không ít lần trải qua những bất đồng tranh cãi.
Chị Hồng Phước chia sẻ, thỉnh thoảng chị và mẹ chồng bất đồng ý kiến, cũng tranh luận, tranh cãi trực tiếp hoặc qua email dựa trên tinh thần tôn trọng và lịch sự lẫn nhau. Và hơn 10 năm qua, mẹ chồng chị chưa bao giờ kể cho chồng chị hay bất cứ người nào nghe những bất đồng đó với chị. “Mình có nói với má về điểm này và biết ơn bà. Bà nói, bà không có thích nói tới nói lui và làm chia rẽ niềm vui của người khác”.
Chia sẻ về bí quyết của mình, chị Hồng Phước cho biết, chị là người hòa đồng, dễ nói chuyện, hơn nữa sống trọng tình cảm nên chị cứ dùng trái tim và cư xử đúng nhất đối với mọi người. Chính điều đó giúp mỗi lần về nhà chồng chơi, chị giống như con gái ở xa quê về thăm gia đình Việt Nam, được mọi người quây quần trò chuyện, đi ăn và đi chơi.
Bên cạnh đó, chị luôn đối xử với mẹ chồng chừng mực, kính trọng, cho dù có bất đồng ý kiến như thế nào đi nữa. Đặc biệt, dù có khúc mắc giữa mẹ chồng nàng dâu nhưng chị vẫn luôn giữ phận làm con chăm sóc yêu thương mẹ chồng.
“Mình quan niệm không cho phép chồng bất kính với bố mẹ nên mình phải làm đúng trước vì dù sao nhờ có bố mẹ chồng thì mới có người chồng/người cha cho mình và những đứa con của mình. Thêm nữa, có những khúc mắc giữa má chồng nàng dâu, nhưng phận làm con, mình cứ chăm sóc và yêu thương ông bà phải phép thì theo thời gian, mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ”, chị Hồng Phước bộc bạch.
Không chỉ với mẹ chồng, chị cũng luôn yêu thương Corbin – con riêng của chồng.
3 nhóc tỳ đáng yêu của vợ chồng chị.
Chị Phước tâm sự, chị từng có những người bạn không có mối quan hệ tốt với mẹ chồng, nhưng chị vẫn cứ đi theo thủ thỉ với bạn, chia sẻ từng cách chăm sóc, lời lẽ với bên chồng và sau này người bạn của chị đã có kết quả tốt, hạnh phúc. Chỉ có yêu thương mới gắn kết yêu thương, chính vì vậy đối với chị, dù cha mẹ 2 bên có thế nào, dù có bất đồng nhưng chị vẫn chăm sóc cha mẹ và không bất kính để làm tấm gương cho con, gìn giữ hạnh phúc gia đình bền lâu.
(Eva)