Người Việt sang Canada kiếm bộn tiền với nghề “săn giun“: Mỗi ngày đút túi đươc cả 1000 $

Hồi mới sang Canada để chăm sóc thằng con đi du học, tôi đã nghe nhiều người Việt kể về những ngày đầu khởi nghiệp trên xứ lá phong. Bắt giun là nghề gây ám ảnh với tôi nhiều nhất. Có lẽ nó là nghề hợp pháp mang tính thử thách lớn nhất cho lòng can đảm của người Việt (mà nghe đâu nghề này được truyền lại từ người Italy và Bồ Đào Nha).

Khi trái tim của Toronto đang phập phồng vì dịch bệnh và biểu tình thì Kiên đang làm việc trong các nông trại ở Hamilton, cách Toronto chừng hơn 1 giờ lái xe. Vốn là một kỹ sư công nghệ thông tin, anh chấm dứt hợp đồng lao động với một tập đoàn du lịch, giải trí và bất động sản lớn nhất nhì nước để sang Canada đoàn tụ cùng vợ con. Nếu không vì đại dịch, anh có thể đã nhận được “Giấy phép lao động” để kiếm việc làm phù hợp. Để tồn tại, ông bố hai con người Hà Nội vốn chỉ biết học và học ấy nay trở thành một nông dân ngày ngày đi bẻ cành nho – một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại là thách thức với một người “đầu to, mắt cận” như anh.

“Mấy ngày nay anh ấy không bẻ cành nho nữa mà là đi bắt giun chị ạ”. Hồng gọi điện kể làm tôi giật nảy người. Đầu tháng 4, chính tôi là người kể cho Hồng nghe (mà tôi cũng nghe lại từ những người quen, bạn bè) về cái nghề đối với tôi là khủng khiếp nhất này. Nghe xong chuyện tôi kể, Hồng nói dứt khoát: “Em sẽ để anh ấy đi bắt giun”. Tôi hoảng hốt: “Làm sao mà nó đi bắt giun được. Nó dân văn phòng mà”. Hồng nói qua điện thoại, giọng lạnh tanh: “Đến em còn sẵn sàng đi bắt giun, vì sao anh ấy lại có quyền từ chối?!”. Đúng là Kiên không thể từ chối được.

Em gái tôi là dân ngoại ngữ, đã làm trong các tổ chức nước ngoài cả chục năm, sang Toronto tu nghiệp sau đại học 2 năm, đã tốt nghiệp và vừa làm việc tại một văn phòng luật sư được 6 tháng thì mất việc vì dịch. Tôi đã chứng kiến em vốn mảnh mai, sang chảnh khi xưa, giờ lái xe tải chuyển đồ chạy băng băng trên các con phố ở Toronto. Vì cuộc sống nơi đất khách, có nghề nào hợp pháp, kiếm được tiền mà em lại không dám làm?!

Image result for người việt ở canada

Ở Mỹ và Canada, người ta gọi bắt giun là nghề “săn trùn” hay còn gọi là “nghề lượm đô la”. Mùa săn trùn từ giữa tháng 4 đến hết tháng 9. Vào những ngày mưa, giun trong lòng đất chui lên nhung nhúc, con nào con nấy to và dài như chiếc đũa. Các chàng trai, cô gái, bà nông dân hay anh luật sư khi làm nghề bắt giun thì như nhau cả. Trán đeo đèn pin như bác sĩ tai mũi họng, quần áo mưa, lưng đeo bình sạc pin, tay đi bao, một bên chân đeo lon như lon sữa bột loại to, chân kia đeo lon cám để xoa vào tay chống trơn trượt.

Cả đêm, các “batgiuner” (một cách gọi vui) cúi lom khom trên mặt đất để vơ giun cho vào lon. Mỗi lon chừng 420 con, giá chừng trên dưới 20 đô la Canada một lon. Cao thủ trong nghề thì bắt được 60-70 lon, người “kém tắm” cũng chừng 40 lon. Cái giá của mỗi đêm kiếm được 300 đến cả ngàn đô la cũng không hề rẻ. Người mới vào nghề thì sau một đêm đi bắt giun, ngày hôm sau chỉ bò mà không thể đứng thẳng.

Có người đầu hàng ngay sau buổi đầu tiên. Người khác thì vượt qua nỗi sợ hãi – sợ giun,sợ bẩn vì đất bùn trộn lẫn phân bò nhơ nhớp, khi đỡ đau lưng lại quyết tâm nhập cuộc. Tôi quen rất nhiều người đồng hương sau này trở thành chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh, có con cái thành đạt… đều khởi nghiệp từ nghề bắt giun như thế.

Nào, ta cùng đi bắt giun

Một cô tôi quen tên Giang, nghiện bắt giun đến nỗi bỏ cả cơ sở làm ăn ở Việt Nam để sang Canada làm farm, nuôi con du học. Cô kể: “Em làm farm nhưng chỉ để chờ đến mùa bắt giun. Em mê và nhớ bắt giun đến nỗi, chưa tới mùa săn trùn mà khi ngủ em đã mơ thấy giun bò khắp giường. Nhìn thấy chúng bò mà em sướng run người, cứ nghĩ đến con học hành thành đạt, mình lại có lưng vốn, còn giúp được cả bố mẹ anh chị em mà sướng”.

“Sao em gan vậy?”. Tôi gợi chuyện. “Hồi đầu em cũng sợ, sau em cứ lẩm nhẩm đếm,một lon là 20 đô, 10 lon là 200 đô… thế là quên sợ chị ạ”. Cô vừa cười vừa khóc kể.“Có một anh cũng đi bắt giun nhưng lại thích em. Thế là anh ấy cứ bò lê kéo càng bên cạnh em cả đêm để bắt giun.

Hôm nào em mệt, anh ấy bốc giun bỏ vào lon cho em. Có hôm đèn pin của em bỗng bị tắt, trong cơn say bắt giun, em giằng phắt đèn pin trên trán của anh ấy… thế là hai người chung nhau một cái đèn, em lom khom đi hướng nào, anh ấy lom khom theo hướng đó”. Cô lại cười váng nhà.

Bạn của Giang tên Chúc, chủ một tiệm nail cũng từng là một “batgiuner” nổi tiếng góp chuyện: “Ở nhà em là công chúa chị ạ. Thấy giun là em nhảy lò cò, hét lên vì sợ. Sang bên này em không còn đường lui, thế là theo bạn bè đi bắt giun. Hồi đầu em sợ đến độ sau mỗi đêm đi bắt giun là em ốm, sốt cao đến mê sảng. Sau quen. Cứ đếm tiền bán giun trong giấc ngủ, quên hết cả nỗi sợ”. Những đồng tiền từ công việc săn trùn này đã mang lại cho Chúc ngôi nhà, tiệm nail, nuôi hai con khôn lớn và giúp được bố mẹ ở Quảng Ninh.

Săn trùn đã mở lối cho Kiên bước vào, Hồng em tôi thì gửi con cho một bà bác sĩ răng hàm mặt (sang Canada chăm con du học) để đi bắt giun cùng chồng. Em gái Hồng là Trang – một dịch giả có tên tuổi ở Việt Nam, theo kế hoạch cũng sang Canada vào giữa tháng Tư. “Nếu nó mà sang rồi thì đợt này em cũng đưa đi bắt giun chị ạ. Không làm lấy gì mà ăn. Mọi việc tính sau”. Hồng quả quyết.

Tôi đã qua cái tuổi có thể gập người bắt giun để mưu sinh vì chắc chắn tiền làm ra không lại được với tiền viện phí. Tôi chỉ có thể “kính nhi viễn chi”, nếu có ngắm những cặp môi tô son thì sẽ nghĩ ngay đến “những người bắt giun ”ở xứ lá phong huyền diệu. Đó là vì, giun được bán cho người sản xuất mỹ phẩm, trong đó có son môi.

(tapchicanada.com)