Bài chia sẻ cho những ai sắp qua Mỹ định cư, mà sống chung với người bảo lãnh

Rất nhiều gia đình giận hờn nhau, trách móc nhau, thù ghét nhau, chỉ vì có người bên Việt Nam mới qua Mỹ định cư. Nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra, để rồi có những gia đình tan nát, không nhìn mặt nhau nữa. Sau đây là vài điều tôi muốn chia sẻ, hy vọng sẽ giúp các bạn phần nào, vượt qua cái buổi ban đầu vừa đặt chân đến đất lạ quê người.

Cuộc sống ở Mỹ thích nói thẳng, nói thật. Nên khi bạn làm điều gì sai, người bảo lãnh sẽ nói liền cho bạn biết, bạn hiểu, để bạn mau hoà nhập, chứ không ai muốn chê bạn xấu, muốn tìm những cái sai của bạn để nói. Thời gian rất quý, không ai rảnh để đi làm mấy chuyện đó. Họ bảo lãnh mình qua, là cả một trách nhiệm rất nặng nề. Thay vì giận hờn, tự ái, sao bạn không tự mình nhìn ra cái sai để sửa để dễ hoà nhập hơn.

Bài chia sẻ cho những ai sắp qua Mỹ định cư, mà sống chung với người bảo lãnh - ảnh 1

Nếu bạn nghĩ có những điều mình cho là đúng. Tôi nói là bạn cho là đúng chứ thật tình chưa chắc bạn đúng. Vì bạn mới qua, có biết gì ráo trọi đâu. Người bảo lãnh nói bạn mà bạn không nghe, còn cho mình là đúng. Bạn không nghe, để bụng, không làm theo, và vào phòng to nhỏ với chồng con. Mà chồng con cũng mới qua luôn, nên họ cũng cho bạn là đúng. Và từ đó, gia đình bạn sẽ nói người bảo lãnh, sao quá khó khăn và ganh ghét gia đình bạn.

Nhiều lúc, bạn thích nghe và tin người ngoài hơn người trong gia đình. Bạn đi chợ, đi học, đi công chuyện, tình cờ gặp người Việt, bạn xin số phone. Tối về gọi tâm sự. Rồi họ xúi bạn đi xin quyền lợi này, quyền lợi kia. Bạn đâu biết mỗi người mỗi cảnh. Nếu bạn đủ tiêu chuẩn, thì người bảo lãnh đã chở gia đình bạn đi xin rồi. Đâu đến lượt họ xúi bạn. Đừng bao giờ nghĩ rằng, người bảo lãnh, đã ăn chặn hết những quyền lợi đó, mà nên tự hỏi, bạn có hội đủ điều kiện để nhận được những quyền lợi đó hay không nhé.

Người bảo lãnh đi làm về nhà đã mệt. Mà nếu thấy gia đình bạn, mặt nặng mặt nhẹ. Hờn khóc, bỏ cơm, ở trong phòng khoá trái cửa, thì ai mà chịu nổi. Bạn có chuyện gì thì phải nói. Chứ im thin thít khóc lóc, gọi về Vn nói hành nói tỏi, thì người bảo lãnh điên lên. Mà khi ai điên lên, cũng nói những lời khó nghe. Và bạn sẽ nghe câu: Đồ vô ơn.

Nếu gia đình bạn buồn chán, thấy cuộc sống mới không bằng ở Vn, bạn nên mua vé máy bay về liền. Chứ hôm nay doạ, ngày mai doạ mà chẳng thấy về. Rồi còn khoe, ở Việt Nam là ông này bà nọ. Có ai kê súng vào đầu bạn bắt bạn đi Mỹ đâu. Hay chính bạn cũng tham, muốn có nhiều hơn thế nữa. Người ta đã khó khăn lắm mới bảo lãnh bạn qua được, mà giờ nghe bạn đòi về, thử hỏi, ai còn kiên nhẫn để khuyên bạn ở lại là hay lắm đó. Chứ không, bạn sẽ nghe: Muốn về thì về đi đâu ai cản. Nói hoài nhức cái đầu.

Ai cũng có cuộc sống riêng. Nếu người bảo lãnh cho bạn ở chung, lo mọi chi phí bước ban đầu, đến khi gia đình bạn đi làm, có khả năng tự lập, nên dọn ra ở riêng. Bạn không nên đòi hỏi quá nhiều ở người bảo lãnh. Bạn cũng đừng buồn khi người bảo lãnh muốn bạn dọn ra. Hãy đặt mình vào họ, thì bạn mới hiểu hết, người bảo lãnh đáng thương như thế nào.

Bạn không nên ăn mặc chưng diện không đúng cách. Cũng không nên đeo vòng vàng loè loẹt như ở Việt Nam. Bên đây, thường người ta ít ai đánh giá bạn giàu có qua cách ăn mặc như vậy. Khi nào bạn mua được nhà đẹp, lái xe sang, tự nhiên sẽ có người nể bạn liền. Nếu bạn ăn mặc như vậy mà ra đường, bạn sẽ thường nghe: Việt Nam mới qua kìa…Mà cũng kì kì, khi gia đình bạn đang ăn nhờ ở đậu nhà người bảo lãnh, mà ăn mặc như vậy, dễ làm ngứa mắt người ta lắm. Thấy mà mắc ghét.

Bạn cũng đừng so sánh, bạn bè của bạn may mắn có người bảo lãnh giàu có, nên họ sướng hơn bạn. Mà hãy nghĩ rằng, người bảo lãnh của bạn, tuy vẫn không giàu có hơn những người kia, nhưng họ vẫn cố gắng bằng mọi cách bảo lãnh bạn qua đây. Nghĩa là, tấm lòng và tình yêu thương của họ quá lớn. Bạn có hiểu ra điều đó không.

Nếu bạn qua Mỹ, bán nhà bán đất đem tiền qua theo. Có khi bạn lại có nhiều tiền hơn cả người bảo lãnh. Hà cớ gì, bạn lại không dám chi tiền ra, để phụ chia sẻ cùng với người đã bảo lãnh bạn. Đùng một cái, khi dọn ra ở riêng, bạn đòi mua nhà mua xe. Bạn có hiểu, cái cảm giác của người bảo lãnh như thế nào không. Hay bạn cũng mới học được vài câu tiếng Mỹ: I dont care.

Không có gì tốt hơn, là chính mình phải bước đi lên bằng chính đôi chân của mình. Đừng dựa vào người khác, vì khi họ ngã mình sẽ ngã theo. Đừng đổ lỗi cho ai, cho bất cứ điều gì, để biện hộ, đổ thừa, than trách người khác. Biết bao nhiêu người muốn qua Mỹ mà không được. Và cũng nhiều người đã không may mắn đến được nơi này.

Bạn và gia đình bạn đã đến được đây, hãy cố gắng học hỏi, vượt qua những khó khăn, chịu khó chịu thương, trước sau gì, tương lai tốt đẹp sẽ chờ bạn phía trước.

Có những lúc, bạn nên biết lùi lại vài bước, để bạn bước tới mạnh mẽ hơn.

Thuỷ chung mà nói, người bảo lãnh, chịu quá nhiều hy sinh và chịu nhiều trách móc từ những người thân. Họ biết vậy mà họ vẫn bảo lãnh đem qua. Đó là tại vì, trong họ, máu đang chảy, chan chứa đầy sự thương yêu máu mủ gia đình.

Theo: Khánh Đặng – CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI MỸ