Bên trong căn hộ chưa đầy 10m2 tại Tokyo: ‘Tôi không sống ở chỗ nào khác đâu!’
Nhiều người trẻ Nhật chọn sống trong những căn hộ ‘hộp giày’ giữa lòng thành phố Tokyo lớn nhất Nhật Bản.
Nhiều người trẻ Nhật chọn sống trong những căn hộ “hộp giày” giữa lòng thành phố Tokyo lớn nhất Nhật Bản.
Sau một ngày dài làm việc tại văn phòng của Liên đoàn Bóng chày Chuyên nghiệp Nhật Bản, Asumi Fujiwara 29 tuổi trở về nhà (nói đúng hơn là căn hộ) của mình. Sau khi thay đồ ở nhà, cô muốn tập thể dục một chút trước khi đi ngủ, nên đã xếp chiếc thảm yoga bằng vinyl của mình ngay trên sàn.
Chiếc thảm được trải phía trước cửa vào toilet, lăn qua chiếc bếp lò đơn và máy nướng bánh mì về phía chân bàn trong phòng.
Sau khi giãn gân cốt một chút, cô đứng vào “tư thế chiến binh” của bộ môn yoga. Nhưng thay vì duỗi thẳng tay ra, cô phải khép khuỷu tay vào thân người. “Tôi cần thay đổi tư thế nếu không sẽ va vào thứ gì đó mất“, Fujiwara nói với phóng viên New York Times.
Đó là tóm tắt một cuộc sống trong căn hộ chưa đến 10m2 giữa lòng Tokyo.
Người trẻ chọn sống trong “nhà hộp giày”
Tatami là một loại chiếu hay nệm lót sàn phổ biến tại Nhật và thường được dùng để ước lượng diện tích phòng tại quốc gia này. Một tatami rộng chừng hơn 1,6m2.
Với mức giá bất động sản “trên trời” và được coi là một trong những khu vực đô thị đông đúc nhất thế giới, Tokyo từ lâu đã nổi tiếng với những căn hộ siêu nhỏ. Nhưng những loại căn hộ mới này – được gọi là phòng 3 tatami – đang tiếp tục tạo ra những “giới hạn” mới về định nghĩa sinh hoạt bình thường.
Là một công ty bất động sản, Spilytus đã dẫn dắt xu hướng sử dụng những không gian sống ngày càng tí hon. Theo New York Times, công ty này đã vận hành những căn hộ “hộp giày” từ 2015, và với hơn 1.500 cư dân sinh sống trong hơn 100 tòa nhà, nhu cầu được cho là rất vững mạnh.
Mặc dù có không gian sống chỉ bằng một nửa so với căn hộ studio phổ thông ở Tokyo, những căn phòng này vẫn có trần cao 3,6m và gác xép làm chỗ ngủ. Ở góc độ nào đó, chúng cũng rất có phong cách, với sàn và tường trắng tinh thanh khiết. Chỉ cần chút công sức sắp xếp hiệu quả, vẫn khả thi để “nhét” vừa một chiếc máy giặt, tủ lạnh, ghế sofa và bàn làm việc bên trong.
Những căn phòng dạng này chưa nằm ở “đẳng cấp” rẻ nhất trong số những căn hộ bình dân siêu nhỏ tại Tokyo – vị trí đó thuộc về những phòng “con nhộng”. Cũng có những lựa chọn khác, nhưng chúng lại thường có tuổi đời vài thập niên rồi.
Với mức giá thuê từ 340 đến 630 USD (8 triệu đến 15 triệu VNĐ)/tháng, loại căn hộ 3 tatami vẫn rẻ hơn vài trăm USD so với những căn hộ studio phổ thông ở các khu vực tương tự – gần những khu vực sầm uất trong trung tâm thành phố như Harajuku, Nakameguro và Shibuya. Những quận trung tâm này nổi tiếng với mức sống đắt đỏ, cùng những cửa hàng, quán cafe và nhà hàng sang chảnh.
Phần lớn các tòa nhà căn hộ mini này cũng ở gần ga tàu điện ngầm – ưu tiên số một cho nhiều người trẻ.
Hơn 2/3 dân số của các tòa nhà loại này là những người trẻ ở độ tuổi 20 với mức thu nhập trung bình 17.000 đến 20.000 USD (406 triệu đến 478 triệu đồng)/năm, theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản. Nhiều người cảm thấy việc những căn nhà này không yêu cầu cao về phí ban đầu, cũng như tiền đặt cọc (có thể lên tới 3 tháng tiền thuê) là một lợi ích to lớn.
Hơn nữa, diện tích nhỏ của chúng cũng phù hợp với lối sống của nhiều thanh niên Nhật. Đất nước này không mấy mặn mà với phong tục đón tiếp khách tại nhà khi 1/3 dân số thừa nhận chưa bao giờ mời bạn bè ghé thăm, theo khảo sát của Growth From Knowledge.
Fujiwara thậm chí còn chưa từng để người yêu ghé nhà trong gần 2 năm cô sinh sống tại đây. “Không gian này là cho tôi thôi“, cô chia sẻ.
Với văn hóa làm thêm giờ phổ biến, thời gian người Nhật dành ở nhà cũng không quá nhiều. Chưa kể, ngày càng nhiều cư dân Tokyo sống một mình, càng khiến những không gian nhỏ như vật lọt vào nhu cầu. Nhóm người này thường xuyên ra ngoài ăn, hoặc mua các bữa ăn được chuẩn bị sẵn từ cửa hàng tiện lợi – nên một căn bếp tử tế chẳng phải cần thiết gì.
Yugo Kinoshita, một sinh viên 19 tuổi đang làm việc bán thời gian tại một nhà hàng chuỗi cũng nằm trong nhóm coi căn hộ chỉ đơn giản là một nơi để ngủ.
Kinoshita thường kết thúc ca làm việc vào lúc 11h khuya vơi tình trạng rã rời. Anh sẽ tận dụng bữa ăn miễn phí cho nhân viên của mình, đến một sento (phòng tắm công cộng) và gần như “sập nguồn” khi đã về đến căn hộ Spilytus. Thời gian còn lại trong ngày, chàng trai trẻ dành cho việc học để lấy bằng trong ngành dinh dưỡng hoặc đi gặp bạn bè.
Kể cả khi có vài giờ không ngủ ở nhà, anh sẽ tận dụng chiếc tủ kê TV làm bàn học hoặc bàn bếp. Để dọn nhà, sinh viên trẻ này chỉ cần một cây lăn bụi đơn giản.
Kể cả khi phải có một cuộc chia tay đẫm nước mắt với bộ sưu tập giày sneaker hàng hiệu vì không thể có chỗ để, Kinoshita giãi bày rằng ở giai đoạn này trong cuộc đời, “Tôi sẽ không sống ở chỗ nào khác đâu“.
Với nhiều cư dân của “phòng trọ hộp giày”, những căn hộ này lại là lối thoát cho sự độc lập vốn bị đè nén.
2 năm trước, Kana Komatsubara, giờ 26 tuổi, đã đi tìm một căn hộ để có thể dọn ra sống riêng khỏi căn nhà cha mẹ ở ngoại ô Tokyo.
Cô muốn một căn nhà mới xây, ở vị trí tiện đi làm, cùng với nhà vệ sinh và phòng tắm riêng – trong khi vẫn phải đáp ứng được hầu bao không mấy dư dả của mình. Không có chủ ý tìm dạng căn hộ như này, nhưng cuối cùng chúng có vẻ làm cô hài lòng.
“Tất nhiên, càng rộng thì càng tốt chứ. Có không gian lớn hơn thì chẳng bao giờ thiệt. Đây đơn giản là lựa chọn tốt nhất của tôi lúc đó” – cô chia sẻ.
Những đánh đổi không thể tránh
Để về nhà, cô Komatsubara – một nhà tạo mẫu nail, chỉ cần đi bộ khoảng 1 phút từ ga tàu điện ngầm gần nhất tại quận Shinjuku, qua một con hẻm nhỏ với những ngôi nhà tồi tàn, rồi mở khóa vào tòa căn hộ của mình.
Sau khi di lên 3 lần cầu thang (tòa nhà không có thang máy), Komatsubara đặt chân vào một hành lang đầy những cánh cửa burgundy giống hệt nhau – căn phòng của cô nằm sau một trong số đó.
Bên trong, một “genkan” (lối vào) nhỏ xíu chỉ vừa chỗ cho đúng 3 đôi giày. Một hành lang rộng nửa mét dẫn đến khu vực chính, đi qua bồn rửa bát – nơi Komatsubara cũng để sẵn vài tuýp kem đánh răng và chai nước súc miệng.
Cô cất những dụng cụ làm việc của mình như chiếc máy chiếu đèn làm nail và bàn tay ma nơ canh để luyện tập trong một góc vốn dành riêng cho máy giặt. Một túi nylon đựng rác treo vào tay nắm cửa và cần được mang đi bỏ mỗi ngày.
Một lợi ích bất ngờ của không gian sống nhỏ xíu, theo cô, là việc ăn ít kem hơn. Tủ lạnh mini của Komatsubara thiếu ngăn đông, nên cô hạn chế ăn chúng. Kết hợp với việc tập boxing hàng ngày, cô gái trẻ cũng giữ dáng tốt hơn.
Về phía Fujiwara, người được nhắc đến ở đầu bài viết, cô bị thu hút bởi những căn hộ siêu nhỏ sau khi đại dịch bắt đầu. Cô từng sống trong một căn hộ chia sẻ, nhưng việc không có không gian riêng khi phải làm việc tại nhà tạo ra căng thẳng và lo âu.
Nhưng không gian sống nhỏ lại góp phần giúp cô có lối sống bền vững hơn. “Sống chật chội giúp tôi nghĩ 2 lần trước khi muốn mua bất cứ thứ gì mới“, cô nói. Hơi mỉa mai, treo kế bên bồn rửa của cô là một chồng hơn 40 chiếc cốc giấy – “Tôi không có không gian để làm khô chén đĩa“.
Cả Fujiwara và Komatsubara đều ước mình có thêm không gian cho quần áo khi hiện họ vẫn phải treo chúng trên gác xép. Komatsubara phải về nhà bố mẹ mỗi đầu mùa để thay tủ quần áo cho phù hợp thời tiết mới.
Cả hai cũng đều bỏ qua việc để máy giặt trong nhà – vốn là một thứ cần thiết trong phần lớn các căn hộ ở Nhật, để sử dụng không gian hiệu quả hơn. Thay vì máy giặt, họ đến các cửa hàng giặt là tự động 1-2 lần/tuần.
Trong khi đó, sinh viên Kinoshita thì có máy giặt nhưng không có máy sấy, nên phải treo quần áo ướt ở khung rèm. Vì căn bếp quá bé, anh cũng không thể làm một số bài tập cho chuyên ngành dinh dưỡng của mình.
Nhưng Komatsubara còn muốn chuyển khỏi căn hộ đến một nơi nào đó còn rẻ hơn nữa. “Càng ngày, yêu cầu của tôi đối với các căn hộ càng thay đổi“, cô nói.
Nguồn: NYT