Có 2 triệu USD ở Mỹ đã thực sự có cuộc sống “như mơ” sau khi nghỉ hưu chưa ?
Đối với nhiều người Mỹ, lời khuyên nghỉ hưu chỉ giới hạn ở việc khuyến khích tiết kiệm hoặc cảnh báo rằng họ vẫn tiết kiệm chưa đủ. Hầu hết mọi người đều chưa biết phải làm gì với những khoản tiết kiệm đó cho đến khi bước vào chương tiếp theo.
Robert Laura – một chuyên gia hướng dẫn về kế hoạch nghỉ hưu tại Brighton (Michigan) cho biết: “Mọi người vẫn chưa mường tượng được viễn cảnh nghỉ hưu sẽ như thế nào. Họ cho rằng họ sẽ có rất nhiều thời gian rảnh. Để nghỉ hưu, mọi người cần nhiều hơn là một kế hoạch tài chính.”
Lạm phát gia tăng đang ảnh hưởng nhiều hơn đến kế hoạch tài chính của những người sắp nghỉ hưu. Trong khi đó, việc thị trường chứng khoán đi xuống cũng “ăn mòn” khoản tiết kiệm của những người đã nghỉ hưu.
WSJ đã có cuộc trao đổi chi tiết với 4 người Mỹ đã về hưu. Họ đã có khoản tiết kiệm đủ để có thể sống thoải mái khi về già, với tài sản từ khoảng 2 triệu đến 4 triệu USD.
Dưới đây là chia sẻ của họ về cách sử dụng thời gian, tiền bạc, điều gì mang lại cho họ niềm vui và khiến họ lo lắng. Hơn nữa, họ cũng nói về kỳ vọng nghỉ hưu trước đây so với cuộc sống thực tế.
John Fitzgerald
Tiết kiệm và đầu tư: 2 triệu USD
Khoản chi tiêu hàng năm: 144.000 USD
Sau 33 năm làm việc trong ngành cảnh sát, John đã nghỉ hưu. Theo kế hoạch, ông nhận được khoản lương hưu trị giá khoảng 1,7 triệu USD.
Trong thời gian này, do thị trường chứng khoán đi xuống, giá trị của khoản tiền ông sở hữu đã xuống khoảng 1,3 triệu USD. Người đàn ông 61 tuổi lo lắng về cuộc sống khi ông đang nuôi 3 người con.
Ông chia sẻ: “Tôi thấy số tiền mình vất vả kiếm được cứ ngày một vơi dần.”
John cho rằng mình là người may mắn vì ông có khoản lương hưu hàng tháng khoảng 6.900 USD sau khi đã đóng thuế và bảo hiểm. Ông có khoảng 350.000 USD trong tài khoản tiết kiệm. Cho đến nay, ông và vợ là Jill chưa điều chỉnh danh mục đầu tư. Jill là một nhà văn và biên tập viên, có khoảng 400.000 USD tiết kiệm cho việc nghỉ hưu.
Dẫu vậy, họ đang cảm nhận được ảnh hưởng của lạm phát. Họ phải trả phí học đại học cho con trai út, dự kiến sẽ tăng khoảng 5% lên 35.000 USD vào mùa thu này.
Nhìn chung, John ước tính họ phải trả khoảng 12.000 USD/tháng cho các khoản thế chấp cho nhà ở Maryland và một ngôi nhà trên bãi biển Delaware. Gia đình này cũng phải trả khoản nợ khoảng 400.000 USD bao gồm cả thế chấp và vay mua ô tô.
Họ đã phải giảm số lượng hàng hoá mua hàng ngày, nhưng hoá đơn vẫn tăng lên khoảng 600 USD/tháng từ mức 300 USD. John chia sẻ, họ đã phải loại bỏ những món yêu thích như salad đóng gói vì có giá khoảng 4,95 USD trong khi đã tăng thêm 2 USD.
Tuy nhiên, John vẫn tham gia hoạt động tình nguyện. Từ tháng 3 đến tháng 11, ông huấn luyện đội bóng chày cho học sinh 11 tuổi và là uỷ viên của một liên đoàn bóng chày ở địa phương. Đây là cách để ông không thấy nhàm chán trong thời gian nghỉ hưu.
Sắp tới, John muốn bán căn nhà ở Maryland và chuyển đến Florida để tiết kiệm tiền thuế.
James Compton
Tiết kiệm và đầu tư: 1,5 triệu USD
Chi tiêu hàng năm: 100.000 USD
Ở tuổi 84, James gần đây mới chính thức nghỉ hưu. Dù đã rời vị trí chủ tịch và CEO của Chicago Urban League hơn 15 năm trước, ông vẫn bận rộn với công việc trong ban điều hành của các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận.
Ông làm việc toàn thời gian trong hội đồng quản trị của Ariel Investments, Commonwealth Edison Co. và Field Museum of Natural History. Theo đó, ông kiếm được khoảng 150.000 USD/năm.
Dù cuộc sống xã hội của diễn ra chậm hơn, nhưng ông vẫn chi tiêu cho những khoản này. James từng chi khoảng 125 USD/tuần để đi ăn trưa với đối tác và những người tìm kiếm lời khuyên về sự nghiệp. Hiện tại, khi giá cả tăng cao và một trong những cửa hàng mà ông ưa thích đóng cửa, James chi khoảng 60 USD và ăn ở ngoài khoảng 2 lần/tuần thay vì 5 lần.
Ông vẫn đóng góp cho tổ chức từ thiện yêu thích, nhưng đang giảm bớt vì ảnh hưởng của lạm phát và thị trường chứng khoán đi xuống. James ước tính ông sẽ quyên góp tổng cộng khoảng 8.000 USD trong năm nay cho nhiều tổ chức từ thiện khác nhau, thay vì số tiền 15.000 USD như trước.
James định giá danh mục đầu tư của mình ở khoảng 1,5 triệu USD, 70% trong đó được đầu tư vào các quỹ tương hỗ định hướng cổ phiếu. Lãi suất tăng, ông lo ngại về khoản thế chấp 200.000 USD cho ngôi nhà 3 phòng ngủ ở Chicago. Ông không chắc lãi suất của khoản vay sẽ ra sao trong năm tới, ông sẽ cân nhắc về các lựa chọn, bao gồm cả việc bán nhà. Các khoản bảo hiểm an sinh xã hội giúp ông chi trả tiền bảo trì nhà, ước tính khoảng 2.000 USD/năm.
Ông cũng dành nhiều thời gian cho việc rèn luyện thể lực. Ông đến câu lạc bộ sức khoẻ ở địa phương để nâng tạ hoặc học lớp về tim mạch.
Judy Hall
Tiết kiệm và đầu tư: 1,8 triệu USD
Chi tiêu hàng năm: 110.000 USD
Khi nghỉ hưu vào năm 2005 ở tuổi 58, Judy có khoảng 2 triệu USD nhưng bà chưa có kế hoạch về việc “lấp đầy” những ngày rảnh rỗi. Tìm kiếm ý tưởng, cựu giám đốc nhân sự của General Re thuộc Berkshire Hathaway đã thực hiện chuyến đi 7 tuần để thăm những người bạn nghỉ hưu. Khi trở về Manhattan, bà làm thêm công việc tình nguyện ở Nhà thờ St. Bartholomew.
5 năm trước, Judy đã bán căn hộ 1 phòng ngủ và mua 1 căn hộ 450.000 USD ở Naples (Florida). Bà sở hữu 1 căn nhà trên bãi biển suốt 30 năm ở Ocean City (New Jersey).
Trong 37 năm là việc ở Gen Re, bà đã tiết kiệm được 6% thu nhập mỗi năm trong quỹ hưu trí 401(k). Bà tiết kiệm được 1 triệu USD khi nghỉ hưu và đổi lương hưu để có thêm 1 triệu USD vào tài khoản.
Dù nghỉ hưu ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng lợi nhuận đầu tư dài hạn của Judy vẫn đủ để bù đắp phần lớn số tiền bà rút từ khoản tiết kiệm.
Bob Bradley
Tiết kiệm và đầu tư: 1 triệu USD
Chi tiêu hàng năm: 92.543 USD
Cựu giám đốc bộ phận đảm bảo chất lượng tại Pratt & Whitney – nhà sản xuất động cơ phản lực thuộc Raytheon Technologies Corp., đã nghỉ hưu ở tuổi 66. Hiện tại, khi đã 73 tuổi, ông nói: “Tôi luôn thích làm việc và sẽ tiếp tục làm việc.”
Hiện tại, ông vẫn làm công việc tư vấn. Trong suốt năm 2018, ông vẫn đi làm từ 2-6 tuần/năm và nghỉ tại khách sạn gần các khách hàng của mình. Năm nay, ông dành 10 tuần tư vấn tại 1 ông ty ở Park City (Utah) và kiếm được khoảng 40.000 USD.
Trong thời gian đại dịch xảy ra, ông tạm ngừng kinh doanh và làm tình nguyện tại 1 trung tâm vắc-xin ở địa phương. Trước khi đóng cửa, trung tâm hỗ trợ Bob 17 USD/giờ.
Dù bất ngờ nghỉ hưu, nhưng Bob cho biết quá trình thay đổi của ông cũng không quá khó khăn, một phần vì ông đã nỗ lực để thành lập một câu lạc bộ đầu tư ở địa phương. Ông cũng đảm nhận vị trí trong hội đồng quản trị của American Association of Individual Investors (Hiệp hội Nhà đầu tư Cá nhân Mỹ) ở Austin (Texas). Tổ chức này giúp các thành viên hiểu về thị trường và lập kế hoạch tài chính.
Khi nghỉ hưu vào năm 2015, tài khoản 401(k) của Bob có số dư 990.000 USD. Dù đã nhiều lần rút tiền, nhưng số dư của ông vẫn tăng lên 1,015 triệu USD vào ngày 31/12, sau đó giảm xuống còn 965.195 USD do thị trường biến động.
Bob ước tính, ngôi nhà của ông và vợ sở hữu có trị giá khoảng 800.000 USD. Họ nợ 138.000 USD tiền thế chấp. Tài khoản hưu trí của ông có khoảng 70% là cổ phiếu, 12% trái phiếu, 14% tiền mặt và 4% là hàng hoá.
Bob chia sẻ, phần khó khăn nhất của việc nghỉ hưu sớm hơn dự định là tìm cách trang trải chi phí sinh hoạt từ tuổi 66 đến 70. Ông cho biết 70 tuổi mới nhận bảo hiểm an sinh xã hội để có khoản trợ cấp lớn hơn là 44.000 USD/năm.
Dù gia đình Bob có tính toán kỹ trong chi tiêu nhưng lạm phát là vấn đề đáng ngại. Năm nay, họ chi 9.200 USD/tháng, tăng từ mức 8.400 USD năm 2021. Vào tháng 6, họ đã trả 231 USD cho hoá đơn xăng và điện, 200 USD cho nước – gần gấp đôi mức trung bình hàng tháng trong năm 2021. Khoản chi cho hàng tạp hoá cũng tăng 10%.